Bé 14 tuổi nguy kịch sau cơn cảm sốt
Khi bé được đưa đến bệnh viện địa phương thì tình trạng đã khá nguy kịch, nên được đưa ngay đến tuyến trên. Khi đưa đến bệnh viện tuyến trên, tình trạng của cháu gái càng nặng hơn. Các bác sĩ nhận thấy tim của cháu đập nhanh kịch phát, tim đờ dần, huyết áp quá thấp. Cháu gái được chẩn đoán viêm cơ tim cấp, kèm rối loạn nhịp.
Cháu bé được hơn 50 y bác sĩ cùng vào cuộc cấp cứu liên tục những cơn nhịp nhanh kịch phát, đặt máy tạo nhịp, thiết lập đường truyền để khởi động hệ thống oxy hoá qua màng ngoài cơ thể (ECMO). Hiện cháu đang nằm trong căn phòng cách ly đặc biệt của Khoa Hồi sức tích cực với nhiều máy móc để hỗ trợ hô hấp, nâng huyết áp. Các máy sốc điện, máy tạo nhịp tim tạm thời, máy tim phổi nhân tạo (ECMO), máy bơm tiêm truyền dịch truyền máu… hoạt động hết công suất để cứu tính mạng cho bé.
Trước đó, theo Lao động thủ đô, Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai từng ghi nhận một bệnh nhân (21 tuổi, ở Sơn La) có tiền sử bệnh viêm gan B, đã tử vong sau khi tự ý uống liên tục 19 viên thuốc Paracetamol trong 2 ngày để hạ sốt. Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc nhìn nhận, bệnh nhân này đã dùng quá liều thuốc hạ sốt, dẫn đến ngộ độc. “Paracetamol là thuốc giảm đau, hạ sốt, được dùng phổ biến và lành tính.
Tuy nhiên, người cao tuổi, người bị suy gan hoặc xơ gan cần thận trọng khi sử dụng loại thuốc này. Đối với thuốc Paracetamol với người bình thường là 4gram trong 24 giờ, nghĩa là trong 1 ngày chỉ được dùng tối đa 8 viên (hàm lượng 500mg/viên). Bệnh nhân dùng tới 19 viên Paracetamol trong 2 ngày, tức cao gấp hơn 2 lần so với khuyến cáo là cực nguy hiểm”, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cảnh báo.
Hệ lụy từ việc mua kháng sinh không kê đơn
Việc bán thuốc không kê đơn, đặc biệt là các loại kháng sinh rất nguy hiểm, bởi ngoài việc không theo dõi được tình trạng bệnh còn dẫn đến nhiều hệ lụy. Người bệnh không có đơn thuốc sẽ không có căn cứ uống đúng liều lượng thuốc, thời gian, những thức ăn kiêng kỵ, chống chỉ định với thuốc. Đặc biệt là gặp rủi ro do phản ứng phụ từ thuốc gây ra. Chưa kể, việc điều trị tại nhà kéo dài không đúng bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh, gây tốn kém về kinh tế. Mua và dùng thuốc kháng sinh không có đơn của bác sĩ cũng như dùng không đủ liều sẽ dẫn đến tình trạng kháng thuốc kháng sinh như hiện nay.
Khi đã bị kháng thuốc, việc dùng thuốc kháng sinh và các liệu pháp điều trị người mắc bệnh do nhiễm khuẩn sẽ không còn hiệu quả hoặc hiệu quả thấp. Theo bác sĩ Đỗ Quang Vinh, Phó Trưởng Khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị: Dùng kháng sinh không theo đơn của bác sĩ, hay dùng các thế hệ kháng sinh một cách rộng rãi sẽ làm phát sinh những chủng vi khuẩn kháng thuốc và siêu kháng thuốc. Khi bệnh nhân có vi khuẩn kháng thuốc sẽ gây khó khăn cho bác sĩ trong việc lựa chọn kháng sinh phù hợp, nhiều bệnh nhân phải làm kháng sinh đồ để lựa chọn những kháng sinh phù hợp. Đáng nói, khi bị kháng kháng sinh thì bắt buộc phải sử dụng các thế hệ kháng sinh cao hơn, từ đó, phát sinh các vấn đề về chi phí y tế, Và rất có hại cho cơ thể trong quá trình chuyển hoá và thải trừ kháng sinh.
Trước tình trạng mua bán thuốc không theo đơn của bác sĩ, theo Quyết định số 4448/QĐ-BYT ngày 3/10/2017 của Bộ Y tế đã ban hành về việc ban hành Kế hoạch triển khai Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017 - 2020; Công văn số 6269/ BYT- QLD ngày 2/11/2017 của Bộ Y tế về việc xây dựng Kế hoạch & triển khai thực hiện Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017-2020; Sở Y tế đã xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn và bán thuốc kê đơn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017-2020 và được UBND tỉnh phê duyệt.
Với mục tiêu của đề án là tăng tỷ lệ tuân thủ thực hiện đúng quy định của pháp luật về kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú theo đó đến năm 2020 đạt 100% kê đơn thuốc đủ nội dung theo quy định của Bộ Y tế về kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú đối với các cơ sở khám, chữa bệnh công lập, bệnh viện tư nhân và đạt 80% đối với cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân khác. Kê đơn thuốc tuân thủ hướng dẫn của Bộ Y tế về quản lý và sử dụng kháng sinh trong các bệnh nhiễm trùng đạt 90% đối với các cơ sở khám, chữa bệnh công lập, bệnh viện tư nhân và đạt 70% đối với cơ sở khám chữa bệnh tư nhân khác; Tăng tỷ lệ bán thuốc kháng sinh phải có đơn thuốc trong đó đến năm 2020, trên địa bàn toàn tỉnh 100% bán thuốc kháng sinh phải có đơn thuốc tại quầy thuốc, nhà thuốc.
Tình trạng mua và dùng các loại thuốc kháng sinh thực sự rất nguy hiểm, bởi ngoài việc không theo dõi được tình trạng bệnh của mình còn dẫn đến những hệ lụy khôn lường. Do đó, người dân cần có ý thức tự bảo vệ sức khỏe của mình, chỉ nên sử dụng thuốc khi có đơn chỉ định của thầy thuốc. Và trên hết cần sự vào cuộc của ngành chức năng để tình trạng này sớm chấm dứt và kéo dài trong nhiều năm qua.
Tác giả: