Chữa lành "đứa trẻ nội tâm'' bên trong tâm hồn bạn...

( PHUNUTODAY ) - Cách bắt đầu chữa lành đứa trẻ bên trong để cân bằng cảm xúc.

Thừa nhận sự tồn tại của đứa trẻ bên trong bạn

Bước đầu tiên để có thể chữa lành đứa trẻ bên trong là hãy thừa nhận sự tồn tại của nó. Nói theo ngôn ngữ tâm lý học là học cách nhận diện, gọi tên và chấp nhận cảm xúc của bản thân.

Theo Kim Egel, một nhà trị liệu tâm lý ở Cardiff, California, nếu bạn cảm thấy nghi ngờ với sự tồn tại của đứa trẻ và từ chối với việc quay trở lại quá khứ, bạn sẽ gặp khó khăn khi bắt đầu quá trình chữa lành. Bạn có thể tưởng tượng rằng đây là quá trình tự khám phá bản thân để cảm giác được thoải mái hơn.

Bước đầu tiên để có thể chữa lành đứa trẻ bên trong là hãy thừa nhận sự tồn tại của nó

Lắng nghe đứa trẻ bên trong

Có bao giờ bạn thực sự ngồi lại với chính mình, lắng nghe đứa trẻ bên trong thực sự đang cảm giác như thế nào, bị tổn thương và bị những vấn đề gì chưa?

Một khi bạn đã mở cửa để kết nối với đứa trẻ bên trong, điều quan trọng tiếp theo nên làm là hãy lắng nghe những cảm xúc sâu bên trong. Những cảm xúc mạnh mẽ có thể gây khó chịu vì những vết thương cũ:

Sự tức giận vì những nhu cầu chưa được đáp ứng

Cảm giác bị bỏ rơi, hay bị từ chối

Cảm giác không an toàn

Dễ tổn thương

Cảm giác tội lỗi

Lo lắng

Nếu lần theo được dòng cảm xúc gắn với các sự kiện thời thơ ấu cụ thể nào đó, bạn có thể nhận ra những tình huống tương tự trong cuộc sống hiện tại, kích hoạt các phản ứng cảm xúc cũng giống như vậy.

Theo cách này, lắng nghe cảm xúc của đứa trẻ bên trong sẽ giúp bạn đối mặt những đau khổ mà bản thân đã trải qua, để có thể nhẹ nhàng chấp nhận trải qua cảm xúc hiện tại. Việc lắng nghe cảm xúc bên trong, từ đó nhận diện và chấp nhận cảm xúc của chính mình, sau đó tìm ra cách đối phó với những cảm xúc và hành động theo bản năng chính là một trong những kỹ năng quan trọng để chữa lành đứa trẻ đang tổn thương bên trong.

Thể hiện tình yêu bản thân

Được yêu thương là nhu cầu chung của tất cả trẻ em. Để chữa lành đứa trẻ bên trong bạn, điều quan trọng là bạn phải thể hiện được mình yêu bản thân nhiều như thế nào.

Hãy hồi tưởng lại chính bạn khi mới 5, 6 hoặc 8 tuổi. Bạn thích làm gì vào thời điểm đó? Bạn đã mơ ước và hy vọng điều gì? Bạn muốn lớn lên trở thành người như thế nào? Bạn muốn có được những trải nghiệm gì?

Đứa trẻ đó vẫn là một phần của bạn, và nó xứng đáng nhận được tất cả tình yêu thương vô điều kiện trên thế giới này.

Hãy chắc chắn rằng đứa trẻ bên trong của bạn biết điều đó.

Một cách đơn giản là nhìn vào gương mỗi tối trước khi đi ngủ và nói, “Tôi rất vui vì hôm nay bạn đã …”. Hoặc bạn có thể nhắm mắt lại, hồi tưởng lại bản sao của chính mình lúc bé – và tưởng tượng ra cảnh bạn đang nói điều tương tự với đứa trẻ đó.

Thiền để chữa lành đứa trẻ bên trong bạn

Mỗi hơi thở và bước đi chánh niệm có thể tạo ra năng lượng thức tỉnh trong mỗi tế bào cơ thể. Năng lượng đó sẽ ôm lấy chúng ta và chữa lành đứa trẻ bị tổn thương trong mình.

Thiền giúp bạn thực hành thừa nhận với bất kỳ cảm xúc nguyên thuỷ của bạn. Khi bạn quen với việc chấp nhận cảm xúc của bản thân, bạn sẽ cảm giác dễ dàng thể hiện những cảm giác đó theo cách lành mạnh. Mọi thứ sẽ vẫn ổn nếu để cảm xúc đó biểu hiện ra ngoài mà bạn không cần kìm nén chúng.

Tha thứ cho bản thân

Tất cả chúng ta – tại một thời điểm nào đó – đều đã cảm thấy xấu hổ, tức giận hoặc buồn bã về một điều gì đó mình đã làm/ không làm trong cuộc sống.

Nhưng quá khứ là quá khứ, và phạm sai lầm là cách để bạn học hỏi và phát triển! Vì vậy, dù bạn đã làm/ không làm điều gì, hãy tỏ ra rộng lượng với bản thân. Bạn đã cố gắng làm tốt nhất có thể vào thời điểm đó.

Hãy bước đi thôi – và đừng để quá khứ tiếp tục ám ảnh bạn mãi.

Tìm lại niềm vui thời thơ ấu

Ở tuổi trưởng thành, con người ta thường gánh vác nhiều trách nhiệm mà lãng quên đi những thứ giúp bản thân được thư giãn và vui cười.

Nếu thời thơ ấu của bạn không có những trải nghiệm tích cực, thì hãy nghĩ tới kỷ niệm vui nho nhỏ để xoa dịu, chữa lành nỗi đau và những gì bạn cần khi còn nhỏ.

Niềm vui ấy đơn giản chỉ là thưởng thức que kem sô cô la, đi dạo, chơi đùa với cún con, mèo nhỏ, nói chuyện cười đùa ôn lại kỷ niệm cùng bạn thân. Hãy dành thời gian tìm niềm vui và sự nhẹ nhàng trong cuộc sống, giúp khơi dậy những cảm xúc tích cực của tuổi trẻ.

Khẳng định tích cực

Những thành công nhỏ sẽ mang lại cho bạn sự tự tin – để từ đó dẫn đến nhiều thành công hơn. Thay vì nói những câu như “Chết tiệt” hoặc “Tôi không thể làm điều này” – điều mà hầu hết mọi người hay làm – hãy học cách thường xuyên nói ra những điều tích cực hơn.

Theo TS. Jack Canfield, Mike Tyson từng chia sẻ với ông bí quyết thành công của anh – đó là thực hành khẳng định tích cực hàng ngày, mỗi khi tập luyện cho các trận đấu quyền anh.

Mỗi ngày, trên mọi phương diện, tôi ngày càng trở nên tốt hơn.

Đối với bản thân TS. Canfield, ông cũng thực hành tự kỷ ám thị trong suốt cuộc đời – bất cứ khi nào mắc phải một sai lầm nào đó.

Lấy ví dụ, khi trở về nhà từ Thái Lan – sau khi nói chuyện với Mike Tyson, ông đã vô tình lên sai chuyến bay – vì đã hiểu nhầm chuyến bay số 33 thành cổng số 33.

Thay vì tự trách bản thân về sai lầm đó, ông chỉ đơn thuần nói: “Ồ, vui quá,” đi đến quầy dịch vụ gần nhất để đặt lại vé máy bay.

Ông đã tốn mất 12 giờ do sai lầm ngớ ngẩn đó, nhưng tự trách bản thân thì có ích gì? Là con người, ai trong chúng ta cũng có lúc phạm sai lầm.

Tìm đến với coaching

Những trải nghiệm trong quá khứ có thể gây ra rất nhiều đau khổ. Huấn luyện (coaching) và khai vấn (mentoring) mang lại một không gian an toàn để bạn làm chủ cảm xúc, nhận ra phương thức chữa lành đứa trẻ bên trong bạn.

Hơn ai hết, các huấn luyện viên hiểu rõ những trải nghiệm thời thơ ấu có thể ảnh hưởng đến cuộc sống, các mối quan hệ và sức khỏe tổng thể của bạn như thế nào. Nếu bạn muốn khám phá quá khứ và tìm hiểu đứa trẻ bên trong, hãy tìm đến một chuyên gia life coaching/ coaching tâm lý có kinh nghiệm trong lĩnh vực.

Tác giả: Vũ Ngọc