Cúng chúng sinh cô hồn nên cúng vào ngày nào giờ nào là tốt nhất? Văn khấn cúng chúng sinh tháng 7

( PHUNUTODAY ) - Tháng 7 là tháng mà dân gian truyền miệng là tháng nhiều cô hồn, chúng sinh lang thang nên cần làm cỗ cúng.

Cô hồn chúng sinh là gì?

Chúng sinh là tất cả những sự sống cả người và động vật. Cô hồn là chỉ những linh hồn đã chết nhưng lang thang không người thờ cúng. Dân gian cho rằng tháng 7 âm lịch là tháng Diêm Vương mở cửa ngục nên các cô hồn lang thang. Trong dân gian gọi cúng cô hồn hay còn gọi cúng chúng sinh, ý niệm mở rộng cúng cho mọi linh hồn đã khuất, đặc biệt những linh hồn lang thang.

Trong dân gian thì tháng nào cũng có những cô hồn, ma quỷ lang thang nhưng tháng 7 cửa ngục mở nên số lượng linh hồn về trần gian sẽ nhiều hơn. Theo niềm tin dân gian thì thông thường của địa ngục đóng vào ngày 14 -15 âm lịch. Có niềm tin cho rằng thời gian mở cửa ngục tùy theo năm, có năm mở trước ngày 1/7 và kết thúc sau ngày 15/7. Nhưng về cơ bản sau ngày 15/7 thì số cô hồn lang thang đã giảm đi nhiều so với trước đó. Bởi thế nhiều người thường đợi qua rằm tháng 7 để tiến hành một số công việc. 

Cúng cô hồn nên cúng trước 12 giờ ngày 15/7

Nên cúng cô hồn vào ngày nào, giờ nào?

Thông thường trong tháng 7 các gia đình thường làm lễ cúng gia tiên, thần linh và cúng chúng sinh. Tùy thuộc mỗi địa phương, mỗi gia đình sắp xếp mà có thời gian cúng cô hồn khác nhau trong khoảng từ ngày 1 đến 15 tháng 7 âm lịch. Thường nhiều gia đình sẽ chọn ngày trùng với ngày nghỉ, chủ nhật để thuận tiện trong việc sửa soạn lễ cúng. Tuy nhiên dân gian xưa cho rằng cúng tống tiễn cô hồn nên cúng trong khoảng ngày 14, 15 tháng 7 vì đó là thời điểm cô hồn trên đường trở về địa ngục, nên sẽ tới thọ thực vật phẩm cúng tế rồi đi ngay, sẽ không lưu luyến lảng vảng ở quanh gia chủ, cúng xong sẽ gặp nhiều may mắn, ít xui xẻo. 

Giờ cúng chúng sinh thường diễn ra vào tầm chiều tối, tốt nhất là khoảng 17-19 giờ, đây là giờ các cô hồn có thể nhận cúng phẩm.

Mâm cúng chúng sinh cô hồn nên cúng chay

Mâm lễ cúng chúng sinh

Tùy theo phong tục tập quán của 3 miền mà mâm cúng cũng có sự khác biệt nhỏ nhưng nhìn chung đồ cúng cô hồn gồm những vật lễ cúng sau:

- Muối, gạo (1 dĩa).

- Cháo trắng nấu loãng (12 chén nhỏ), hay là cơm vắt: 3 vắt.

- 12 cục đường thẻ

.- Giấy áo, giấy tiền (có thể là tiền thật nhưng là mệnh giá nhỏ) .

- Mía (để nguyên vỏ và chặt từng khúc nhỏ độ 15 cm).

- Bánh, kẹo, tiền mặt (tiền thật, các loại mệnh giá).

- Bỏng ngô, khoai lang luộc, ngô luộc, sắn luộc.

- Hoa, quả 5 loại 5 màu (ngũ sắc).

- Nước: 3 ly nhỏ, 3 cây nhang, 2 ngọn nến nhỏ.

Văn khấn cúng chúng sinh

Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần)

Kính lạy Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát, Đức Mục Kiền Liên Tôn giả

Kính lạy ngài Bản Cảnh Thành Hoàng, ngài Bản Xứ Thần linh Thổ địa, ngài Bản Gia Táo quân và tất cả các vị Thần linh cai quản ở trong xứ này.

Hôm nay là ngày rằm tháng 7, năm Giáp Thìn

Thành tâm kính xin nhân ngày xá tội vong nhân, âm cung mở cửa ngục ra cho phép vong linh các cô hồn không nơi nương tựa, không mồ không mả, lẩn khuất ở gốc cây, bụi cỏ, xó chợ, đầu đường, không manh áo mỏng, đêm ngày lang thang, quanh năm đói rét cơ hàn, dù rằng chết vì lý do gì đều được về đây thụ hưởng lễ vật của tín chủ thỉnh mời cơm canh, cháo bỏng, trầu cau, gạo muối, quả thực hoa đăng tiền vàng, quần áo đủ màu đỏ xanh. Phù hộ cho tín chủ và toàn gia người người khỏe mạnh, lộc tài vượng tiến, gia đạo hưng long, điều lành đưa tới, điều dữ mang đi.

Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần).

*Thông tin tham khảo chiêm nghiệm

Tác giả: An Nhiên