Cúng ông Công ông Táo đúng giờ vàng này, mọi việc thuận buồm xuôi gió, năm mới phát tài

( PHUNUTODAY ) - Năm nay ngày ông Công ông Táo (23 tháng 12 âm lịch) vào thứ Bảy ngày 14/1/2023 dương lịch, đúng tiết tiểu hàn.

Thời điểm cúng ông Công ông Táo năm 2023

Theo chuyên gia phong thủy Nguyễn Thắng, năm nay ngày ông Công ông Táo (23 tháng 12 âm lịch) vào thứ Bảy ngày 14/1/2023 dương lịch, đúng tiết tiểu hàn. Các gia đình hoàn toàn có thể cúng ông Công ông Táo trước ngày 23 tháng Chạp khoảng 1 - 2 ngày, tùy vào điều kiện từng gia đình. Tuy nhiên, theo truyền thống người Việt, thời điểm cúng ông Công ông Táo đẹp nhất năm nay là vào khoảng 7h sáng đến 12h trưa ngày 23 tháng Chạp.

Không nên cúng muộn hơn 12h trưa vì theo quan niệm giờ Ngọ là giờ ông Công ông Táo sẽ bay về trời. Tuyệt đối không được cúng sau ngày 23. Bởi theo quan niệm, mỗi năm chỉ có một ngày Ngọc hoàng nghe các Táo báo cáo, do đó Táo quân cần phải lên thiên đình đúng giờ để kịp vào chầu. Nếu Táo nào lên thiên đình sớm thì phải chờ đến ngày thiết triều và táo nào lên muộn thì không tham gia được. Chính vì thế, các gia đình không nên cúng muộn sau ngày 23.

Lễ vật cúng ông Công ông Táo

Ba chiếc mũ ông Công, ông Táo: Theo phong tục cổ truyền của người Việt, để "lấy lòng" các vị Táo quân, người dân sẽ chuẩn bị các lễ vật và mâm cỗ cúng tiễn họ về trời. Lễ vật không thể thiếu để tiễn ông Công ông Táo là ba chiếc mũ gồm hai chiếc mũ ông Táo có cánh chuồn, một chiếc mũ bà Táo không có cánh chuồn. Màu sắc của mũ, áo thay đổi hàng năm theo ngũ hành. Những món đồ này sẽ được đốt đi sau lễ cúng ông Công ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp.

Hia ông Táo, tiền vàng: Ngoài bộ áo mũ dành cho Táo quân, cần mua thêm hia ông Táo, tiền vàng, giấy vàng, giấy bạc hoặc loại vàng nén để hóa cho ông Công ông Táo làm lệ phí đi đường.

Mâm cơm cúng: Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo trong truyền thống bao gồm đĩa gạo, đĩa muối, thịt lợn luộc, canh mọc, đĩa xào thập cẩm, giò, xôi gấc, hoa quả, hoa tươi. Tùy điều kiện và hoàn cảnh, các gia đình có thể chuẩn bị mâm cỗ không nhất thiết phải quá cầu kỳ.

Hiện nay do cuộc sống bận rộn nên mâm cỗ cúng đơn giản hơn, không nhất thiết phải có đầy đủ các món mặn theo truyền thống.

Cá chép: Theo quan niệm dân gian, cá chép không chỉ là "phương tiện" để các Táo quân lên chầu trời mà còn là biểu tượng cho tinh thần vươn tới thành công, thịnh vượng. Theo truyền thống, người Việt Nam hay chuẩn bị ba chú cá chép đỏ sống, để trong chậu nước sạch để cúng ông Công ông Táo.

Việc cúng cá chép không chỉ thể hiện sự trang trọng đối với người coi sóc cho gia đình trong suốt một năm qua hay hy vọng thành công may mắn với tích "cá chép hóa rồng" mà còn mang ý nghĩa nhân đạo cầu mong sự sống nảy mầm sinh sôi.

Các bước cúng Táo quân

Bước 1: Khấn xin lau dọn bàn thờ

- Trước khi dọn ban thờ, người xưa thường phải tắm rửa sạch sẽ- Chuẩn bị đĩa hoa quả đặt lên

- Văn khấn xin lau dọn ban thờ như sau:

Nam mô a di Đà Phật! (3 lần)

Con xin tấu lạy 9 phương Trời, 10 phương chư Phật, chư Phật 10 phương

Con xin tấu lạy vua cha Ngọc Hoàng thượng đế, Hoàng thiên hậu thổ, ngũ phương ngũ thổ long mạch thổ thần đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.

Tín chủ con là:………………Ngụ tại:………………….

Con xin tấu lạy vong linh các cụ gia tiên cửu huyền thất tổ, bà tổ cô và các bà cô các đời, ông mãnh, cô bé đỏ, cậu bé đó dòng họ.................................. (họ nhà bạn là gì thì thêm vào) tại……............................ (nhà ở đâu,quê ở đâu thì thêm vào)Hôm nay là ngày 23 tháng Chạp (hoặc 30 tháng Chạp), con xin phép được bao xái lại bàn thờ gia tiên để cho sạch sẽ để tiễn năm cũ,đón năm mới tới, mong chư vị Phật Thánh, các cụ gia tiên tiền tổ, bà tổ cô, ông mãnh, cô bé đỏ, cậu bé đỏ của họ ............................., chấp thuận.

Nam mô a di đà phật (3 lần)

Bước 2 : Lau dọn ban thờ

Cũng là việc dọn dẹp nhưng dọn dẹp bàn thờ hoặc phòng thờ thì lại không hề đơn giản một chút nào. Không chỉ cần làm sạch những vật thờ ở trên bàn thờ mà chúng ta cần phải biết thứ tự và cách làm sạch như thế nào để không làm ảnh hưởng kinh động đến tổ tiên, ông bà hoặc người đã khuất.

- Chuẩn bị một chiếc bàn sạch sẽ bên trên trải giấy đỏ hoặc vải để đặt bài vị, nếu cùng một bàn thờ mà đặt chung bài vị gia tiên với các vị thần thì phải để ra 2 chỗ khác nhau, không được để lẫn lộn.

- Sau khi chờ cho hết nhang thì gia chủ sẽ lau những bài vị của tổ tiên, chú ý phải dùng nước ấm, không được dùng nước lạnh, tốt nhất bạn nên nấu nước thơm để rửa bài vị. Nếu có bài vị của Phật thì lau trước, sau đó thay nước mới để lau bài vị của tổ tiên. Tuyệt đối không làm ngược lại vì như thế được cho là hành động bất kính, mạo phạm tới thần phật do thần phật ở ngôi vị cao hơn. Nếu bạn làm như thế thì tổ tiên sẽ bị chèn ép.

- Sau khi lau bài vị của Phật và gia tiên xong mới đến phần dọn bát hương, công việc này cũng rất quan trọng, ngày nay đa phần mọi người đều rút chân hương rồi cầm bát hương đổ hết tro ra ngoài, theo người xưa như vậy rất dễ gây “tán tài”, vì vậy để tránh trường hợp đó gia chủ nên dùng chiếc thìa nhỏ xúc từng thìa gio đổ ra ngoài rồi mới rửa sạch bát hương đặt sang một bên. Sau đó lau sạch mặt bàn thờ gỗ bằng khăn mềm và sạch tốt nhất nên dùng khăn mới.

- Khi bát hương khô ráo, nếu là bát hương thờ thần phật thì dùng bảy tờ tiền vàng, bát hương của tổ tiên thì dùng ba tờ tiền vàng đốt hơ quanh, cháy một nửa thì bỏ vào trong, đợi tiền vàng cháy hết thì đổ tro vào một lần và cùng một lúc, như vậy gọi là “ra nhỏ vào lớn”, ý là “tiền ra nhỏ giọt, tiền vào như thác đổ”, gio trong bát hương thể hiện tiền tài, nếu lúc đầu đổ ra hết sau đó múc từng ít một vào thì gọi là “vào nhỏ ra lớn”, tức “tiền ra thì nhiều mà tiền vào thì ít”. Chúng ta có thể sử dụng gio cũ để cho vào bát hương chứ không nhất thiết phải sử dụng gio mới để cho vào.

- Đối với bài vị của Thần Phật và Tổ tiên đã lau sạch lúc trước thì chúng ta lại đặt vào chỗ cũ. Tuy nhiên việc đặt không hề dễ dàng như nhiều người lầm tưởng mà nó rất phức tạp. Trước hết phải chuẩn bị một chiếc lò nhỏ trong có đốt than hoa, đặt dưới bàn thờ khoảng 15 phút, sau đó đốt bảy tờ tiền vàng làm dấu hơ ở bốn hướng trên dưới trái phải, ý là dùng lửa để khai quang, làm sạch, tiền vàng chưa cháy hết thì bỏ vào lò than hoa.

Đốt tiếp bảy tờ tiền vàng làm sạch vị trí muốn đặt tượng/bài vị thần Phật và bát hương sau đó mới đặt các đồ vật vào vị trí cố định. Sau khi đặt xong thì đốt 12 que hương cắm theo thứ tự hướng thời gian, que thứ nhất cắm ở vị trí 1h, khi cắm thì đọc “niên niên thị hảo niên”, tức mỗi năm đều là năm tốt; que thứ hai cắm ở vị trí 2h, khi cắm đọc “nguyệt nguyệt thị hảo nguyệt”, tức mỗi tháng đều là tháng tốt; cây thứ ba cắm ở vị trí 3h, khi cắm đọc “nhật nhật thị hảo nhật”, tức mỗi ngày đều là ngày tốt; cây thứ tư cắm ở vị trí 4h, khi cắm đọc “thời thời vị hảo thời”, tức mỗi giờ đều là giờ tốt; cứ tuần tự như vậy cho đến thời điểm vị trí 12h. Các vị trí bài vị, bát hương của tổ tiên và bà tổ cô cũng làm như vậy.

Bước 3: Khấn - Văn khấn ông Táo

Nam mô a di đà Phật! (3 lần)

Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phươngCon kính lạy Ngài đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.Tín chủ (chúng) con là: ……………

Ngụ tại:…………

Hôm nay ngày 23 tháng Chạp tín chủ chúng con thành tâm sắp sửa hương hoa phẩm luật, xiêm hài áo mũ, kính dâng tôn thần.Thắp nén tâm hương tín chủ con thành tâm kính bái.

Chúng con kính mời ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân hiển linh trước án hưởng thụ lễ vật.

Cúi xin Tôn thần gia ân xá tội cho mọi lỗi lầm trong năm qua gia chủ chúng con sai phạm.

Xin Tôn thần ban phước lộc, phù hộ toàn gia chúng con, trai gái, già trẻ sức khỏe dồi dào, an khang thịnh vượng, vạn sự tốt lành.

Chúng con lễ bạn tâm thành, kính lễ cầu xin, mong Tôn thần phù hộ độ trì.

Nam mô a di đà Phật! (3 lần)

Chú ý: Sau khi bày lễ, thắp hương và khấn xong, đợi hương tàn lại thắp thêm một tuần hương nữa lễ tạ rồi hóa vàng mã và thả cá chép ra ao, hồ, sông, suối… để cá trở ông Táo lên chầu trời.

Tác giả: Vũ Ngọc