Nên cúng ông Công ông Táo ở đâu?
Theo phong tục, lễ cúng Táo quân phải được làm tươm tất như 1 lời cầu chúc cho năm mới được sung túc, đủ đầy, cũng là mong muốn các Táo sẽ nương nhẹ, nói tốt về gia đình mình để năm mới được phù hộ cho cuộc sống tốt đẹp hơn.
Táo quân là các vị thần cai quản nhà bếp, xưa kia ông cha ta nấu ăn bằng bếp đất sét, còn gọi Táo quân là “ông đầu rau”. Ngày nay những chiếc bếp đất sét chẳng còn mấy, người ta chuyển từ đun củi, rơm rạ sang đun bằng bếp than, bếp dầu, bếp gas, hiện đại hơn nữa là bếp điện từ, bếp hồng ngoại dùng năng lượng điện…
Nhưng chính xác thì lễ cúng ông Công ông Táo ở đâu mới đúng? Nên cúng ông Công ông Táo ở dưới bếp hay trên bàn thờ để tỏ rõ lòng thành, được thần linh phù hộ? Có nơi cho rằng, vì ông Táo là thần linh cai quản nhà bếp, còn ông Công là thần linh cai quản đất đai trong nhà nên khi làm lễ cúng ông Công ông Táo, cần phải bày 2 lễ, trong đó ông Công được cúng trên bàn thờ chính của gia đình, còn ông Táo thì làm lễ ở dưới bếp.
Nhưng cũng có nơi cho rằng, việc cúng ông Công ông Táo chia làm 2 nơi, riêng ông Táo lại cúng lễ ở dưới bếp như vậy là không hợp lý.
Tùy theo quan niệm dân gian của từng địa phương mà việc cúng ông Công ông Táo ở đâu có nhiều khác biệt. Với những nơi cho rằng không được làm lễ cúng Táo quân ở bếp, người dân sẽ cúng lễ trên bàn thờ chính của gia đình.
Nên cúng ông Công ông Táo vào ngày nào, giờ nào?
Lễ cúng ông Táo phải tiến hành đúng ngày 23 tháng chạp. Khoảng thời gian tốt nhất từ 9h đến 12h, đây là điểm các thần quy tụ để chuẩn bị về trời. Chính vì thế các gia đình phải tuân thủ theo đúng giờ và ngày nhất định.
Lễ vật cúng Tết ông Công ông Táo có những gì?
Lễ vật cúng Táo công gồm có: mũ ông Công ba cỗ hay ba chiếc: hai mũ đàn ông và một mũ đàn bà. Mũ dành cho các ông Táo thì có hai cánh chuồn, mũ dành cho Táo bà không có cánh chuồn.
Bàn thờ Táo Quân được đặt ở nơi trang nghiêm nhất, trên có bài vị thờ viết bằng chữ Hán. Ngoài ra còn có vàng mã khác, hương, hoa, oản, quả, cau, trầu. Một mâm cỗ được chuẩn bị cẩn thận, đầy đủ.
Những đồ vàng mã sẽ được đốt đi sau lễ cúng ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp cùng với bài vị cũ. Sau đó người ta lập bài vị mới cho Táo Quân. Sau khi cúng Táo Quân, người ta đem hóa mã.
Ngoài ra, để các ông và các bà Táo có phương tiện về chầu trời, ở miền Bắc người ta còn cúng 3 con cá chép còn sống thả trong chậu nước, ngụ ý cá sẽ biến thành Rồng đưa ông Táo về trời. Cá chép này sẽ được "phóng sinh" (thả ra ao hồ hay ra sông) sau khi cúng.
Ở miền Trung, người ta cúng một con ngựa bằng giấy với yên, cương đầy đủ. Còn ở miền Nam thì giản dị hơn, chỉ cúng mũ, áo và đôi hia bằng giấy.
Tùy theo từng gia cảnh, ngoài các lễ vật chính kể trên, người ta hoặc làm lễ mặn (với xôi gà, chân giò luộc, các món nấu nấm, măng...) hay lễ chay (với trầu cau, hoa, quả, giấy vàng, giấy bạc...) để tiễn Táo Công về trời.
Thông tin trong bài chỉ mang tính tham khảo!
Tác giả: