Ở tuổi 30, chị Chu Thị Hòa (ở Nam Định) được mọi người mai mối với anh Thanh ở làng bên. Sau nửa năm quen nhau, chị lên xe hoa về nhà chồng. Về sống chung, chị mới biết anh chồng là người gia trưởng, cục tính. Hễ vợ làm gì không đúng ý là anh mắng chửi và sẵn sàng thượng cẳng chân, hạ cẳng tay.
Chỉ cần chị chậm đưa cho anh cốc nước, quên tắt bếp khi nấu ăn… anh lại chửi. Nhiều khi vì những việc không đáng có, anh chì chiết chị thậm tệ. Có lần chị đang mải làm việc trên nhà, con ở dưới tầng kêu muốn đi vệ sinh.
Chị bế con vào nhà tắm rửa cho con quên không mang phích nước nóng vào pha mới nhờ chồng thì anh quát lớn: “Ở nhà ăn không ngồi rồi, có mỗi đứa con cũng lo không xong. Không biết ngày xưa bố mẹ mày cho mày ăn cái gì mà ngu đến vậy? Tao bị lừa lấy phải gái vừa già vừa ngu như mày nên giờ mới khổ”.
Không chỉ phải chịu đựng người chồng gia trưởng, chị còn phải chịu cảnh gia đình chồng hà khắc. Dù biết tính con trai nhưng hễ khi nào anh mắng vợ, mẹ chồng chị lại bênh chằm chặp. Có lần thấy con trai sai rõ ràng khi vì một lý do không đâu mà đánh vợ, mẹ chồng chị còn quay sang dạy bảo: “Đã biết tính nó thế thì đi chỗ khác đi, cứ đứng đấy cho nó ngứa mắt nó đánh cho. Ngu thì chịu”.
Bình thường là người hiền lành, ít nói, giờ lấy phải người chồng như thế, chị lại càng không dám nói lại lời nào. Cam chịu mãi thành quen, mỗi lần như vậy chị chỉ biết khóc một mình. Chồng và gia đình chồng đều quen với sự chịu đựng của chị nên khi chị cất tiếng nói thì họ sẽ cho rằng chị đang chống đối.
Chị gái của chị biết khuyên chị dứt bỏ, chị bảo rằng “một sự nhịn, chín sự lành”, như vậy sẽ êm cửa êm nhà và con cũng sẽ sướng. Trong mắt nhiều người, chị là một phụ nữ nhu nhược, cứ cúc cung phục vụ chồng mà không biết phản kháng lại.
“Vì đứa con trai hai tuổi, khổ cực vậy tôi vẫn cố nhẫn nhịn tất cả. Nếu chia tay chồng, tôi sợ người đời chê cười coi là kẻ chẳng ra gì. Vả lại, nếu rời xa nơi đây, tôi sẽ không thể đảm bảo cho con có được một cuộc sống đầy đủ vật chất, vì dù gì gia đình chồng cũng thuộc diện khá giả. Con tôi ở đây còn có bố, còn được sung sướng. Để gia đình vui vẻ, tôi chấp nhận được hết cô ạ”, chị tâm sự.
Cũng vì quá nhu nhược mà Hoa luôn sống trong cảnh đau khổ. Được gả vào nhà giàu và được chồng yêu thương hết mực, Hoa luôn được bạn bè ngưỡng mộ. Nhưng ít ai biết được ở trong gia đình, cô không hề có tiếng nói. Cô làm việc quần quật không khác gì giúp việc trong nhà.
Cô mặc định bản thân phải nhẫn nhịn trước mọi việc vì nghĩ phận ở nhà. Trước sự hiểu lầm, sách nhiễu, trước những lời nhiếc móc từ chồng, cô nín thinh đến mức nhu nhược, bởi nghĩ làm vậy, cuộc sống gia đình mới có thể trong ấm ngoài êm. Cô không thể ngờ chính sự nhu nhược đấy lại có ngày khiến tổ ấm của mình bị “lạnh”. Đó là lúc chồng cô có quan hệ bất chính với người bạn học cùng cấp hai.
Khi biết chuyện chồng có quan hệ bất chính, Hoa chỉ nhắm mắt làm ngơ, kệ cho mọi việc đến đâu thì đến. Cô nhu nhược đến mức có lần thấy hai người dắt nhau vào nhà nghỉ, dù ghen đấy nhưng chồng về rủ rỉ mấy câu lại như chưa từng có chuyện gì.
Nếu có ai khuyên bảo, cô lại nói bản chất chồng không xấu, anh ấy vẫn rất thương yêu vợ con… khiến mọi người lắc đầu ngao ngán. Con gái cô biết chuyện, nó chán nản, thường xuyên bỏ nhà đi. Nó giận cô nguyên nhân cũng chỉ vì quá nhu nhược. Vỏ bọc hạnh phúc bấy lâu mà cô gìn giữ đã không còn.
Hãy đặt ra một ranh giới cuối cùng
Chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất cho rằng, ngay từ xưa khi người con gái lên xe hoa về nhà chồng luôn được bố mẹ đẻ dặn dò “Một điều nhịn, chín điều lành, “Nếu chồng có nóng, con hãy nhẫn nhịn nhé”, “Cơm sôi thì bớt lửa”… như cách để gìn giữ hạnh phúc tổ ấm của mình. Vì thế, khi ở gia đình nhà chồng, cuộc sống vợ chồng có những xung đột, tâm lý chung của các bà vợ là “nhịn” để mọi việc êm xuôi.
Chữ “nhẫn” trong gia đình rất quan trọng. Nhẫn nhịn và nhu nhược vốn là hai trạng thái khác nhau nhưng nhiều chị em hiện vẫn đánh đồng. Người biết nhẫn là người biết chủ động nín nhịn để giành lại một cái lớn hơn chứ không phải là sự thụ động chịu đựng. Nhu nhược sẽ không mang lại hạnh phúc và người phụ nữ sẽ bị tổn thương, thiệt thòi nhất.
Nhiều người vợ dù biết chồng ngoại tình nhưng vẫn chấp nhận để chồng đi bên người phụ nữ khác, chấp nhận tha thứ vì con cái. Thậm chí, có người còn giả vờ không biết gì cũng vì cái mác gia đình hạnh phúc, họ không muốn con cái bị tổn thương. Sống trong cảnh đó, người phụ nữ ấy có cảm thấy thoải mái, hạnh phúc và những đứa con của họ có thật sự vui vẻ?
Cũng theo chuyên gia Nguyễn An Chất, nguyên nhân của điều trên xuất phát từ quan niệm xưa “trọng nam khinh nữ”, tâm lý “sợ” phi lý của người phụ nữ khiến họ không dám đấu tranh. Một khi gia đình tan vỡ, người đàn ông đi bước nữa không khó khăn lắm nhưng với người phụ nữ lại là điều nan giải, nhất là khi đã có con.
Họ sợ không có một người đàn ông bên mình, sợ con cái khổ, sợ phải làm lại từ đầu… Đó là nỗi sợ lớn nhất của người phụ nữ nhưng không nên vì thế mà đành chịu nhục, nhu nhược một cách đớn hèn. Thà không có chồng còn hơn có một người chồng cục cằn, gia trưởng.
Hy sinh, nhẫn nhịn là đức tính quý báu của người phụ nữ Việt Nam. Trong xã hội hiện đại, người phụ nữ vẫn cần phải giữ những đức tính này để xây dựng gia đình hạnh phúc, nhưng cái gì cũng cần có giới hạn. Đừng chỉ chịu nhịn mà phụ nữ cũng cần phải biết nổi giận, biết lên tiếng bảo vệ mình, khi ấy mới có thể bảo vệ con, gìn giữ gia đình.
Tác giả: Phùng Thu Thủy