Đất ông bà, cha mẹ không có sổ đỏ chia thừa kế như thế nào?

( PHUNUTODAY ) - Nhiều người quan tâm liệu đất chưa được cấp sổ đỏ có được thừa kế theo quy định của pháp luật? Chia thừa kế như thế nào mới đúng?

Hiện nay, tình trạng đất chưa được cấp sổ đỏ còn khá phổ biến. Khi thực hiện những giao dịch liên quan đến thửa đất này người dân thường gặp rất nhiều khó khăn và vướng mắc. Nhiều người quan tâm liệu đất chưa được cấp sổ đỏ có được thừa kế theo quy định của pháp luật?

Đất chưa có sổ đỏ là gì?

Đất chưa có sổ đỏ là quyền sử dụng đất của thửa đất chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hợp pháp. Tình trạng pháp lý, quá trình sử dụng đất chưa được coi là hợp lệ. Trên thực tế, có nhiều mảnh đất sử dụng nhiều đời nhưng chưa được cấp Sổ đỏ vì 02 nguyên nhân chủ yếu sau:

+ Đất không đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận theo quy định.

+ Đất đủ điều kiện cấp nhưng người đang sử dụng đất chưa nộp hồ sơ đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận.

Đất chưa được cấp sổ đỏ liệu có được thừa kế theo quy định của pháp luật?

Căn cứ vào Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành, việc xác định quyền sử dụng đất là di sản như sau:

- Đối với đất do người đã mất để lại mà người đó đã có Giấy chứng nhận thì quyền sử dụng đất đó là di sản.

- Đối với trường hợp đất do người đã mất để lại mà người đó có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất thì quyền sử dụng đất đó cũng là di sản, không phụ thuộc vào thời điểm mở thừa kế.

Trường hợp người đã mất để lại quyền sử dụng đất mà đất đó không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất nhưng có di sản là nhà ở, vật kiến trúc khác gắn liền với đất đó mà có yêu cầu chia di sản thừa kế, thì được phân biệt như sau:

- Trường hợp đương sự có văn bản của UBND cấp có thẩm quyền xác nhận việc sử dụng đất đó là hợp pháp, nhưng chưa kịp cấp Giấy chứng nhận (đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận) thì Toà án giải quyết yêu cầu chia di sản là tài sản gắn liền với đất và quyền sử dụng đất đó.

- Trường hợp đương sự không có văn bản của UBND cấp có thẩm quyền xác nhận việc sử dụng đất đó là hợp pháp, nhưng có văn bản của UBND cấp có thẩm quyền cho biết rõ là việc sử dụng đất đó không vi phạm quy hoạch và có thể được xem xét để giao quyền sử dụng đất thì Toà án giải quyết yêu cầu chia di sản là tài sản gắn liền với đất.

- Trường hợp UBND cấp có thẩm quyền có văn bản cho biết rõ việc sử dụng đất đó là không hợp pháp, di sản là tài sản gắn liền với đất không được phép tồn tại trên đất đó thì Toà án chỉ giải quyết tranh chấp về di sản là tài sản trên đất đó.

Như vậy, cho dù đất vẫn chưa có sổ đỏ, sổ hồng nhưng nếu quyền sử dụng đất được xác định là di sản thì vẫn có thể được chia di sản thừa kế theo quy định.

Đất chưa được cấp sổ đỏ thì chia thừa kế như thế nào?

Theo pháp luật dân sự Việt Nam quy định có hai loại thừa kế: thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật.

+ Chia thừa kế theo di chúc

Nếu di chúc hợp pháp, việc chia thừa kế là quyền sử dụng đất sẽ được phụ thuộc vào nội dung di chúc. Tuy nhiên, khi có người hưởng di sản không phụ thuộc vào nội dung của di chúc theo quy định khoản 1 Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015 thì di sản sẽ được chia lại để đảm bảo quyền lợi của người thừa kế không phụ thuộc nội dung di chúc.

+ Chia thừa kế theo pháp luật

Căn cứ theo định tại Điều 649 Bộ luật Dân sự 2015, thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định. Theo đó, căn cứ theo quy định tại Điều 651 và Điều 652, thừa kế theo pháp luật sẽ chia như sau:

- Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

- Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

- Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống;

- Nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.

Tác giả: Vũ Thêm