Diễn viên trẻ Mai Phương mắc phải căn bệnh ung thư nguy hiểm đến mức nào?

( PHUNUTODAY ) - Thông tin diễn viên Mai Phương bất ngờ phát hiện ung thư phổi giai đoạn cuối và đang phải điều trị tại khoa Ung bướu, BV 175, TP.HCM thật sự khiến mọi người không khỏi bất ngờ và xót xa bởi cô còn quá trẻ. Bệnh diễn biến nhanh, tỉ lệ tử vong lớn nhưng lại khó phát hiện...

 Nguồn tin từ quản lý diễn viên này cho biết: "Cách đây một tháng, khi bị ho nhiều, Mai Phương mới đi khám. Tuy nhiên, khi biết về bệnh tình của mình cô ấy đã giấu vì sợ bị hủy show. Tính Phương tự ái cao nên đến người thân cô ấy cũng không nói. Vào thứ 4 vừa rồi cô ấy nhập viện thì bệnh đã ở giai đoạn cuối".  

Được biết, diễn viên Mai Phương (sinh năm 1985) còn gặp khó khăn về vấn đề tài chính vì thời gian gần đây không đóng phim đều đặn như trước. Khi được hỏi thăm, bản thân cô cũng chỉ gửi lời cảm ơn trước sự quan tâm của khán giả và xin phép sẽ phản hồi về vấn đề này vào dịp gần nhất.

GS Rafael Molina, Chủ tịch Hội Ung thư và Dấu ấn Sinh học quốc tế cho biết, ung thư phổi là bệnh ung thư phổ biến nhất trên thế giới.

Trong vài thập kỷ trở lại đây, cứ 5 người chết vì ung thư thì có 1 người mắc ung thư phổi.

“Hiện có khoảng 1,8 triệu người trên thế giới mắc mới ung thư phổi mỗi năm, trong đó 1,6 triệu người tử vong, tương đương mỗi phút trôi qua có 3 người chết vì căn bệnh này. Con số này nhiều hơn tổng số tử vong 3 loại ung thư vú, tuyến tiền liệt và đại trực tràng”, GS Molina nhấn mạnh. 

Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 22.000 ca mắc mới ung thư phổi, trong đó gần 20.000 ca tử vong. Đây là ung thư phổ biến nhất ở nam giới và chiếm tỉ lệ tử vong hàng đầu trong các loại ung thư ở nam giới. Ở nữ, ung thư phổi phổ biến thứ 3, sau ung thư vú, dạ dày.

Qua các năm, tỷ lệ bệnh nhân nam mắc ung thư phổi tại Việt Nam đều tăng, năm 2000 là 29,3/100.000, đến 2010 đã tăng lên 35,1/100.000 dân.

Ước tính đến năm 2020, số mắc mới ung thư phổi ở cả hai giới tại Việt Nam là hơn 34.000 người mỗi năm.

Không hút thuốc vẫn có nguy cơ mắc ung thư phổi

Ung thư phổi thường phát triển từ tổ chức biểu mô phế quản, phát triển lan rộng và di căn nhanh.

GS Mai Trọng Khoa, nguyên Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, BV Bạch Mai cho biết, đến nay nhân dẫn đến ung thư phổi vẫn chưa rõ ràng, nhưng khoảng 90% bệnh nhân là do hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với khói thuốc (hút thuốc lá bị động) trong thời gian dài.

Những người hút thuốc có nguy cơ mắc ung thư cao gấp 10 lần người không hút thuốc. Nếu hút 20 điếu thuốc lá/ngày, nguy cơ mắc ung thư phổi gấp 26 lần người không hút.

Dù chiếm tỉ lệ mắc ít nhưng ung thư phổi tế bào nhỏ thường diễn tiến nặng hơn, hầu hết được chẩn đoán khi bệnh đã nặng. Đây là loại ung thư ác tính nhất, dễ di căn, lan từ phổi đến các hạch bạch huyết và các cơ quan khác trong cơ thể.

GS Mai Trọng Khoa cho biết, khả năng sống thêm 5 năm với ung thư phổi tế bào nhỏ chỉ khoảng 6%, ung thư phổi tế bào không nhỏ khoảng 18%, trong khi con số này ở bệnh nhân ung thư vú lên tới trên 80%.

Khó phát hiện ở giai đoạn sớm

Theo thống kê, ngay tại các nước phát triển, chỉ có khoảng 25% bệnh nhân ung thư phổi được chẩn đoán ở giai đoạn sớm (giai đoạn 1, 2).

Nguyên nhân do triệu chứng lâm sàng khởi đầu của ung thư phổi rất nghèo nàn.

Các dấu hiệu như ho khan dai dẳng, sốt về chiều, sút cân, đau ngực, ho ra máu... đều không phải những dấu hiệu đặc hiệu của ung thư phổi, các triệu chứng này cũng dễ gặp trong viễm nhiễm phế quản phổi.

Ở giai đoạn sớm, ung thư phổi gây gây đau đớn nên khi phát hiện thấy các triệu chứng lâm sàng thì thường đã ở giai đoạn muộn.

Để phát hiện ung thư phổi có thể chụp X-quang, chụp CT, soi phế quản, thử nghiệm tế bào học chất đờm, thường khi phát hiện ra, khối u đã có kích cỡ 2-10 cm.

Gần đây, nhiều nơi ứng dụng xét nghiệm dấu ấn sinh học, các chỉ số sẽ tăng cao bất thường khi có khối u ác tính, có thể cao gấp hàng nghìn lần.

Điều trị ung thư phổi

Ở giai đoạn 1-2, phẫu thuật loại bỏ tình trạng ung thư là một lựa chọn. Ở những giai đoạn bệnh muộn hơn của ung thư phổi tế bào không nhỏ, khi mà tình trạng ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết ở ngực, điều trị thường sẽ bao gồm hóa trị và xạ trị.

Tác giả:

Tin nên đọc