Dùng máy giặt xong có nên rút phích cắm ra? Thợ điện 20 năm tiết lộ mẹo nhỏ thu lại lợi ích lớn

( PHUNUTODAY ) - Theo kinh nghiệm của thợ điện lâu năm, dùng máy giặt xong rút phích cắm ra, mẹo nhỏ mà thu lại lợi lớn.

Máy giặt là đồ dùng quen thuộc, giúp giải phóng sức lao động, đặc biệt hữu ích trong mỗi gia đình. Tuy nhiên, dù sử dụng máy giặt nhiều năm nhưng ít ai biết rằng việc cắm máy giặt 24/24 giờ lại tiêu hao rất nhiều năng lượng của gia đình bạn, dù việc này rất thuận tiện mỗi khi dùng. Theo kinh nghiệm của thợ điện lâu năm, dùng máy giặt xong rút phích cắm ra, mẹo nhỏ mà thu lại lợi lớn.

Nên rút phích cắm máy giặt sau khi dùng

Máy giặt là thiết bị gia dụng không thể thiếu trong mỗi gia đình, khiến việc giặt giũ trở nên đơn giản, dễ thở hơn rất nhiều. Trong quá trình sử dụng máy giặt, có một vấn đề gây ra tranh cãi cho nhiều người đó là có cần phải rút phích cắm của thiết bị sau khi sử dụng hay không.

Một số người cho rằng sau khi giặt xong không cần rút phích cắm của máy giặt vì như vậy vừa tốn công sức mà lợi ích nhận lại chẳng được bao nhiêu. Lần sau, khi sử dụng, lại mất công cắm điện. Tuy nhiên, việc ngắt nguồn điện của máy giặt sau khi sử dụng thật sự có nhiều công dụng hơn bạn nghĩ.

Thứ nhất, việc rút phích cắm của máy giặt khi không sử dụng sẽ giúp chúng ta tiết kiệm điện. Khi cắm điện, thiết bị sẽ chỉ ở trạng thái chờ và sẽ tiêu hao một lượng điện nhất định. Ngoài ra, lưới điện có điện áp không ổn đinh, dòng điện duy trì có sự tăng giảm đột ngột, nó có thể làm ảnh hưởng đến mạch điện và làm hỏng thiết bị.

Thứ hai, máy giặt ở chế độ chờ trong thời gian dài tức là nó không được nghỉ ngơi. Điều này có thể làm giảm tuổi thọ của máy.

Thứ ba, nhà có trẻ nhỏ nghịch ngợm vô tình khởi động máy giặt hoặc chạm vào phích cắm của máy giặt thì có thể gặp nguy hiểm.

Thứ tư, việc rút phích cắm máy giặt khi không sử dụng cũng ngăn chặn nguy cơ chập, cháy không mong muốn. Đặc biệt, khi vắng mặt ở nhà trong một khoảng thời gian dài, bạn cần phải rút phích cắm của các thiết bị điện như máy giặt để đảm bảo an toàn.

Tuy nhiên, việc rút cắm dây điện hàng ngày có thể hơi bất tiện. Do đó, bạn có thể lắp cho máy giặt một ổ cắm có công tắc. Chỉ cần tắt bật ổ cắm, không cần rút phích cắm khi không sử dụng. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng hộp bảo vệ ổ điện bên ngoài để ổ cắm không bị dính nước, ngăn chặn nước và hơi ẩm xâm nhập vào ổ cắm điện. Làm như vậy vừa đảm bảo an toàn cho người sử dụng, ngăn ngừa sự cố rò rỉ mạch vừa kéo dài tuổi thọ của thiết bị.

Máy giặt có cần khóa vòi nước khi không sử dụng không?

Hầu hết các loại máy giặt đều hoạt động tự động và không cần khóa vòi nước khi không sử dụng. Máy giặt sẽ tự làm đầy nước và tự dừng sau khi nước đã đổ đầy. Ngay cả khi

không khóa vòi nước, nước cũng sẽ không chảy ra. Tuy nhiên, trong trường hợp cả nhà đi vắng một thời gian dài thì bạn có thể khóa vòi nước để đảm bảo nước không rò rỉ, thất thoát.

Nên đóng hay mở cửa máy giặt sau khi giặt xong?

Đây là thắc mắc của nhiều người dùng cả máy giặt bởi nếu đóng thì hơi nước sẽ đọng lại, để lâu có mùi khó chịu còn mở ra dễ bị gián, chuột chui vào.

Theo một kỹ thuật viên của một siêu thị điện máy, máy giặt lồng đứng, hay máy giặt cửa trên có cấu tạo để hơi nước thoát ra ngoài từ lồng giặt dễ dàng giúp máy khô ráo, không tích tụ nước để nấm mốc phát triển.

Còn với máy giặt cửa ngang hay máy giặt cửa trước, hơi nước không thể đi theo phương ngang để bay ra ngoài, nếu có cũng rất ít. Máy giặt cửa trước có lồng giặt với trục quay theo phương ngang nên nhà sản xuất đã đưa vào đó các gioăng, màng che và lớp lót cao su chắc chắn để nước không tràn ra ngoài. Tuy nhiên, cấu tạo này lại khiến nước có thể bám vào, không thoát hết ra ngoài. Lượng nước còn sót lại này bao gồm nước giặt, nước xả, chất bẩn trên quần áo nên để lâu sẽ sinh ra mùi khó chịu, vi khuẩn sinh sôi và phát triển. Vì vậy, việc thường xuyên mở cửa máy giặt sau khi giặt xong sẽ giúp hơi nước bay ra ngoài, giúp lồng máy giặt khô ráo hơn từ đó giảm thiểu được việc hình thành nấm mốc. Ngoài ra, người dùng nên lấy quần áo ra ngay sau khi giặt để tránh nấm mốc phát triển.

Tác giả: Vũ Thêm