Em bé 20 tháng bị bỏng nguy kịch vì vật dụng nhà nào cũng có

( PHUNUTODAY ) - Trẻ bị bỏng nước sôi là một trong những tai nạn phổ biến nhất trong số các tai nạn ở trẻ em. Hiểu biết về cách sơ cứu và chăm sóc vết thương do bỏng sẽ giúp bạn ứng xử kịp thời và đúng đắn khi bé nhà mình rơi vào tình huống này.

Khoa Cấp cứu bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM) tiếp nhận bé N.Y.V. (20 tháng, ngụ tỉnh An Giang) trong tình trạng bị bỏng nước sôi với toàn bộ da đầu, trước ngực, bụng, hai tay và đùi trái và vùng sinh dục bị bỏng lột tróc ra.

Theo bác sĩ, qua thăm khám, ghi nhận diện tích bỏng hơn 30%, chủ yếu ở bộ phận sinh dục, vùng ngực, bụng bên bên trái, lan rộng khắp đùi trái, bóng nước to rộng, bong tróc da, mủ vàng xanh trên bề mặt.

Do vết bỏng nhiễm trùng nặng, bé sốt cao liên tục và có dấu hiệu nhiễm trùng toàn thân, tiên lượng bệnh nhân rất nặng.

Các BS đã cắt lọc, loại bỏ dị vật vảy da, vảy tiết trên cơ thể, vệ sinh diện bỏng, tiến hành băng toàn bộ diện bỏng cho bé. Đồng thời truyền dịch chống sốc, cho thuốc kháng sinh, vận mạch và giảm đau tích cực cho bé.

Hiện bé đã qua cơn nguy kịch, đang được theo dõi và chăm sóc đặc biệt tại khoa Hồi sức tích cực.

Từ hôm vào viện, toàn thân bé quấn băng trắng và luôn cựa quậy rên khóc vì đau đớn, nên phải trói chân tay bé tránh những cơn co đạp – bà ngoại bé V. khóc và tâm sự rằng mỗi lần vào thăm cháu đều không cầm được nước mắt.

Cách sơ cứu khi trẻ bị bỏng nước sôi

Bước 1 : Di chuyển bé đến nơi an toàn.

Bế bé tới nơi an toàn để tránh tiếp tục bỏng và sơ cứu tiện lợi hơn.

Bước 2 : Cởi bỏ quần áo.

Cởi bỏ mọi quần áo, đồ trang sức xung quanh bé. Điều này giúp bé không bị nhiễm trùng, không bị bỏng hơn nữa và dễ dàng sơ cứu hơn.

Bước 3 : Xác định cấp độ bỏng.

Nếu bé chỉ bỏng nhẹ ở tay hoặc chân thì bỏ qua bước 2 và tiến lên bước 4.Quan sát nhanh các biểu hiện bên ngoài để có cách xử lý vết bỏng đúng.

Bước 4 : Làm mát vết bỏng.

Cho dòng nước mát và sạch chảy qua nhẹ nhàng lên vết bỏng. Không dùng nước đá lạnh hoặc đá chườm lên vết thương vì càng làm tổn thương da. Nên để khoảng 15-20 phút. Không ít hơn hoặc nhiều hơn. Nếu bị bỏng trên thân thì nên đắp bằng khăn ẩm để tránh bị hạ thân nhiệt đột ngột.

Việc dùng nước không chỉ giúp làm mát vết bỏng, tránh cho làn da không bị tổn thương do nhiệt hơn nữa mà còn giúp làm sạch, tránh nhiễm khuẩn.

Bước 5 : Quấn băng.

Nếu trẻ bị bỏng nhẹ ở lớp da bên ngoài thì có thể bôi mật ong hoặc gel lô hội để giảm sưng, tránh nhiễm trùng.

Quấn băng nhẹ nhàng và hơi lỏng lên vùng bị bỏng.

Nếu không có băng gạc y tế thì tạm thời quấn bằng một chiếc khăn tay sạch.

Bước 6 : Thuốc giảm đau.

Nếu chỉ bỏng nhẹ thì không nên lạm dụng thuốc giảm đau, hãy vỗ về và an ủi bé.Nếu vết thương quá nặng và trẻ rất đau đớn, bạn có thể dùng thuốc giảm đau acetaminophen (Tylenol) hay ibuprofen (Advil hay Motrin). Không dùng ibuprofen cho trẻ dưới 6 tháng.

Hãy chú ý hơn khi chăm sóc và cho trẻ vui đùa nhé!

Tác giả: Mộc