F0 nộp giấy chứng nhận hưởng BHXH, sau bao lâu mới nhận được tiền hỗ trợ?

( PHUNUTODAY ) - Khi kết thúc điều trị Covid-19, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội cần một số loại giấy tờ để hoàn tất thủ tục chi hưởng chế độ trong thời gian trị bệnh.

Thủ tục để người lao động mắc Covid-19 hưởng chế độ BHXH

Theo quy định tại Luật BHXH năm 2014, Bộ trưởng Bộ Y tế quy định mẫu, trình tự, thẩm quyền cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH, giấy ra viện và các giấy tờ khác làm căn cứ hưởng BHXH.

Công văn số 1492/KCB-PHCN&GĐ ngày 19/11/2021 và Công văn số 238/BYT-KCB ngày 14/01/2022 của Bộ Y tế nêu rõ, hồ sơ hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động bị ốm đau thực hiện theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 100 Luật BHXH năm 2014; khoản 1, 2 Điều 21 Thông tư số 56/2017/TT-BYT của Bộ Y tế. Cụ thể, hồ sơ đề nghị hưởng chế độ bảo hiễm xã hội đối với người lao động là F0 hoặc người lao động phải nghỉ việc để chăm con dưới 7 tuổi là F0 gồm giấy tờ sau:

- Đối với người lao động là F0 điều trị nội trú: Giấy ra viện.

- Đối với người lao động là F0 điều trị ngoại trú: Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH hoặc Giấy ra viện có chỉ định của y, bác sĩ điều trị cho nghỉ thêm sau thời gian điều trị nội trú.

Để hưởng chế độ ốm đau sau khi điều trị khỏi Covid-19, người lao động cần nộp lại cho đơn vị sử dụng lao động bản sao Giấy ra viện (đối với trường hợp điều trị nội trú); Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội hoặc Giấy ra viện có chỉ định của y, bác sĩ điều trị cho nghỉ thêm sau thời gian điều trị (đối với trường hợp điều trị ngoại trú) trong vòng 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc để đơn vị hoàn thiện hồ sơ và gửi cơ quan Bảo hiểm xã hội.

Sau khi tiếp nhận giấy nghỉ việc hưởng Bảo hiểm xã hội, doanh nghiệp phải lập thêm Danh sách đề nghị giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe (mẫu số 01B-HSB) rồi nộp tất cả giấy tờ cho cơ quan Bảo hiểm xã hội nơi đang đóng Bảo hiểm xã hội.

Ảnh minh họa

Mức trợ cấp đối với người lao động là F0

Khoản 1 Điều 28 Luật BHXH năm 2014 quy định, trong thời gian nghỉ, người lao động sẽ được hưởng 75% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

Thời hạn doanh nghiệp phải nộp hồ sơ là tối đa 10 ngày kể từ này tiếp nhận giấy tờ của người lao động.

Cơ quan Bảo hiểm xã hội sẽ giải quyết chế độ cho người lao động trong tối đa 6 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định. Người lao động có thể nhận tiền qua tài khoản ngân hàng hoặc đơn vị sử dụng lao động.

Ngoài chế độ ốm đau nêu trên, người lao động có thể được hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi điều trị bệnh. Cụ thể, căn cứ Điều 29 của Luật BHXH năm 2014, sau khi điều trị các bệnh khác hoặc Covid-19, nếu người lao động đã nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau đủ thời gian trong một năm theo quy định mà trong vòng 30 ngày trở lại làm việc, sức khỏe của người lao động vẫn chưa hồi phục thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe.

Thời gian nghỉ hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe trong trường hợp này sẽ do người sử dụng lao động và Ban Chấp hành công đoàn cơ sở quyết định nhưng tối đa không quá 10 ngày đối với người lao động có sức khỏe chưa phục hồi sau thời gian ốm đau do mắc bệnh cần chữa trị dài ngày; tối đa 07 ngày đối với người lao động có sức khỏe chưa phục hồi sau thời gian ốm đau do phải phẫu thuật; bằng 05 ngày đối với các trường hợp khác. Mức tiền được hưởng trong thời gian nghỉ dưỡng sức là 30% mức lương cơ sở, tức là 447.000 đồng/ngày.

Tác giả: Thanh Huyền