F0 đi khám, chữa bệnh sẽ được BHYT thanh toán những khoản nào?

( PHUNUTODAY ) - Người mắc COVID-19 (F0) có tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ được quỹ BHYT thanh toán ra sao khi đi khám, chữa bệnh (KCB)?

F0 đi khám, chữa bệnh sẽ được BHYT thanh toán những khoản nào?

Cơ quan Bảo hiểm Xã hội (BHXH), cho biết theo khoản 1.2 Công văn 3100 của Bộ Y tế về việc thanh toán chi phí KCB liên quan tới dịch COVID quy định: Quỹ BHYT thanh toán phần chi phí KCB các bệnh khác (bệnh nền hoặc bệnh phát sinh) trong phạm vi được hưởng. Mức hưởng BHYT như đối với trường hợp đi KCB đúng tuyến, trừ chi phí ngân sách nhà nước đã chi trả (chi phí KCB do COVID 19 bao gồm: tiền khám bệnh, tiền giường, DVKT, thuốc , máu, dịch truyền,…theo hướng dẫn của Bộ y tế).

Quỹ BHYT chi trả chi phí xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 đối với đối tượng có thẻ BHYT khi đi KCB được chỉ định xét nghiệm để chẩn đoán và điều trị theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh COVID-19 của Bộ Y tế.

ttxvnf0-1646726079092189759764

Theo đó, đối tượng được quỹ BHYT chi trả phí xét nghiệm bao gồm: Người bệnh nội trú; Người bệnh ngoại trú thực hiện xét nghiệm sau khi có chỉ định chuyển vào điều trị nội trú.

Tại khoản 1, điều 3 Thông tư 02 quy định mức giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 trong trường hợp thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT như sau:

Xét nghiệm SARS-CoV-2 Ag test nhanh mẫu đơn: Mức thanh toán tối đa không quá 78.000 đồng/xét nghiệm.

Xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng máy miễn dịch tự động hoặc bán tự động mẫu đơn: Mức thanh toán tối đa không quá 178.900 đồng/xét nghiệm.

Xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR: Trường hợp mẫu đơn: Mức thanh toán tối đa không quá 501.800 đồng/xét nghiệm.

Đối với các trường hợp bệnh nhân đã hoàn tất việc điều trị bệnh COVID-19, sau khi ra viện được chỉ định về phục hồi chức năng để điều trị các di chứng về vận động, hô hấp hoặc điều trị các bệnh lý phát sinh khác Quỹ BHYT thanh toán như các bệnh khác.

Thủ tục để hưởng chế độ Bảo hiểm xã hội (BHXH)

Theo quy định tại Luật BHXH năm 2014, Bộ trưởng Bộ Y tế quy định mẫu, trình tự, thẩm quyền cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH, giấy ra viện và các giấy tờ khác làm căn cứ hưởng BHXH. Bộ Y tế đã có các Công văn số 1492/KCB-PHCN&GĐ ngày 19/11/2021, Công văn số 238/BYT-KCB ngày 14/01/2022, theo đó, hồ sơ hưởng chế độ ốm đau đối với NLĐ bị ốm đau thực hiện theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 100 Luật BHXH năm 2014; khoản 1, 2 Điều 21 Thông tư số 56/2017/TT-BYT của Bộ Y tế. Cụ thể, hồ sơ đề nghị hưởng (đối với NLĐ là F0 hoặc chăm con dưới 7 tuổi là F0) gồm giấy tờ sau:

- Đối với người lao động là F0 điều trị nội trú: Giấy ra viện.

- Đối với người lao động là F0 điều trị ngoại trú: Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH hoặc Giấy ra viện có chỉ định của y, bác sĩ điều trị cho nghỉ thêm sau thời gian điều trị nội trú.

Về mức hưởng, tại khoản 1 Điều 28 Luật BHXH năm 2014 quy định, trong thời gian nghỉ, người lao động sẽ được hưởng 75% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc. Để hưởng chế độ ốm đau sau khi điều trị khỏi COVID-19, người lao động cần nộp lại cho đơn vị sử dụng lao động bản sao Giấy ra viện (đối với trường hợp điều trị nội trú); Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH hoặc Giấy ra viện có chỉ định của y, bác sĩ điều trị cho nghỉ thêm sau thời gian điều trị (đối với trường hợp điều trị ngoại trú) trong vòng 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc để đơn vị hoàn thiện hồ sơ và gửi cơ quan BHXH.

Cơ quan BHXH sẽ giải quyết chế độ cho người lao động trong tối đa 6 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định. Người lao động có thể nhận tiền qua tài khoản ngân hàng hoặc đơn vị sử dụng lao động.

Theo:  saigonthethao.thethaovanhoa.vn copy link