Gây tê tủy sống khi sinh mổ có “rùng mình” như chị em vẫn nghĩ?

( PHUNUTODAY ) - Những ngày qua, thông tin Bộ Y tế cấm gây tê tủy sống trong mổ lấy thai khiến nhiều chị em hoang mang, nhất là những người đã từng được sử dụng phương pháp này.

Trước thông tin Bộ Y tế cấm gây tê tủy sống trong mổ lấy thai, rất nhiều bà mẹ đã từng được sử dụng phương pháp này và những mẹ bầu đang chuẩn bị sinh con cảm thấy hoang mang.

 Một bạn có nickname M.S. hoang mang trước thông tin Bộ Y tế cấm gây tê tủy sống trong mổ lấy thai

Cụ thể, trên một diễn đàn lớn dành cho các chị em phụ nữ, một nickname M.S. viết:

Các mẹ nghe tin gì chưa?

Bộ Y tế vừa có văn bản cấm dùng phương pháp gây tê tủy sống trong mổ lấy thai đó.

Đó, các mẹ xem, em nói cái cách này có vấn đề mà các mẹ cứ bảo không sao. Trước đây em cũng từng lập một topic nói mình bị di chứng thần kinh sau khi tiêm gây tê tủy sống lúc mổ đẻ mà có mẹ nào chịu tin em đâu. Đợt đó còn có mấy mẹ vào bảo em bịa chuyện, làm gì có, họ cũng tiêm mà có sao đâu. Giờ thì có lý do hẳn hòi để chứng minh rồi các mẹ ạ!”.

Bạn M.S. còn chỉ ra một loạt các biến chứng của gây tê tủy sống sau sinh như: đau lưng, nhức đầu, tổn thương thần kinh,… khiến nhiều chị em, đặc biệt là những người sắp sinh hoang mang.

Tuy nhiên, đó chỉ là những hiểu lầm về phương pháp này. Thực chất, công văn Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến gửi các cơ Sở Y tế yêu cầu các bác sĩ khi thực hiện mổ lấy thai (còn gọi là mổ bắt con) ở các sản phụ có rau tiền đạo thể trung tâm hoặc bán trung tâm, rau bong non, tiền sản giật nặng, sản giật… không được dùng phương pháp gây tê tuỷ sống, thay vào đó dùng gây mê nội khí quản (gây mê toàn thân).

 Công văn của Bộ Y tế về việc sử dụng phương pháp vô cảm trong mổ lấy thai

Nội dung công văn ghi rõ: “Qua công tác theo dõi, giám sát và thẩm định tử vong mẹ tại các địa phương cũng như ý kiến phản ánh của một số đơn vị, Bộ Y tế nhận thấy, trong số các trường hợp mổ lấy thai (mổ bắt con) bằng phương pháp gây tê tủy sống trên các sản phụ có rau tiền đạo thể bán trung tâm hoặc trung tâm, rau bong non, tiền sản giật nặng, sản giật… có nguy cơ cao xảy ra một số tai biến như bệnh cảnh của tắc mạch ối, ngừng tim, rối loạn đông máu, suy đa tạng.

Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Giám đốc các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; Thủ trưởng các đơn vị: Cục Quân y, Bộ Quốc Phòng; Cục Y tế, Bộ Công an và bệnh viện trực thuộc Bộ, Ngành chỉ đạo các các đơn vị y tế có triển khai phương pháp phẫu thuật lấy thai (bao gồm cả bệnh viện ngoài công lập) cần sử dụng phương pháp gây mê nội khí quản đối với những sản phụ có các tình trạng nêu trên, không được thực hiện phương pháp gây tê tủy sống nhằm phòng tránh các tai biến nghiêm trọng có thể xảy ra đối với sản phụ”.

Tác giả: Minh Khánh