“Phụ nữ hơn nhau ở tấm chồng?” và câu trả lời của một đấng mày râu khiến chị em giật mình

( PHUNUTODAY ) - “Một ngày tôi tiếp đến cả chục ca sinh nở, hiếm lắm mới có một ông chồng sốt sắng cho vợ. Và trong suốt quá trình công tác, chỉ có một người đàn ông, trong quá trình chờ sinh rớt nước mắt và nói với tôi “bác sĩ, làm ơn giúp vợ em đỡ đau đớn đi một chút có được không?”.

Bác sĩ Trần Vũ Quang (Bệnh viện Phụ sản Trung ương) đã dẫn chứng trường hợp sản phụ 26 tuổi, họ Ma, tại một bệnh viện ở tỉnh Thiểm Tây, phía bắc Trung Quốc, đã nhảy từ tầng 5 xuống sau khi gia đình không cho phép cô được đẻ mổ vào ngày 30/8:

Những ngày này, tôi thấy trên mạng xã hội đang thi nhau chia sẻ những bài viết về việc một sản phụ Trung Quốc nhảy lầu tự sát khi đã cận kề giây phút lên bàn sinh. Khi cận kề đón chào một sinh linh, một điều tốt lành và hạnh phúc nhất của mỗi bà mẹ trên đời này thì cô gái đó lại quyết định kết thúc tất cả cuộc đời mình và của đứa con chưa kịp chào đời!

Chúng ta xôn xao về nguyên nhân nhảy lầu, chúng ta chỉ trích, chúng ta nhận định và đánh giá. Bệnh viện, người nhà mỗi người giải thích theo một ý mà chúng ta cũng chỉ biết theo dõi.

"Chẩn đoán ban đầu cho thấy cô Ma mang thai 41 tuần đứa con đầu tiên. Do chu vi đầu của thai nhi to nên đẻ thường sẽ gây nguy hiểm", thông báo của bệnh viện cho biết điều đó và các bác sĩ đã chỉ định sản phụ sinh con bằng phương pháp mổ đẻ nhưng gia đình nhất định từ chối vì cho rằng sinh tự nhiên tốt hơn. Theo luật kế hoạch hóa gia đình của Trung Quốc, người thân của sản phụ phải đồng ý trước khi các bác sĩ tiến hành ca mổ.

Sản phụ đã hai lần cầu xin gia đình cho phép mổ, thậm chí còn quỳ xuống cầu xin. Bác sĩ chính cũng đề nghị gia đình tiến hành mổ nhưng đều bị gia đình cự tuyệt.

Chồng của sản phụ đã viết cam kết với bệnh viện như sau: "Đã nắm rõ tình hình, yêu cầu sinh thường, có thể truyền thuốc kích thích cổ tử cung mở, chấp nhận trường hợp ngoài ý muốn."

Chấp nhận trường hợp ngoài ý muốn, và tình huống ngoài ý muốn lớn nhất đã xảy ra...

Đến khoảng 8h tối, cô Ma đã nhảy từ cửa sổ tầng 5 của bệnh viện xuống. Các bác sĩ không thể cứu được tính mạng của cả người mẹ lẫn thai nhi.

Bên phía gia đình nói, không hề có chuyện họ không đồng ý mổ, tất cả đều là do trách nhiệm của bệnh viện. Sự việc này trước mắt vẫn đang tranh chấp, chưa được giải quyết.

Nhiều người dùng mạng đã bày tỏ sự tức giận trước vụ việc đau lòng.

"Ngoài sản phụ ra, đáng nhẽ ra không ai nên lên tiếng", theo một bình luận nhận được hơn 18.000 lượt thích.

"Một phụ nữ đã kết hôn không phải là công cụ sinh đẻ. Làm sao mà ngày nay vẫn còn có những người thiếu hiểu biết đến thế cơ chứ!", người khác nói.

Cũng có những bạn trẻ cho rằng người phụ nữ này “ích kỉ” vì đã tự ý tước đi quyền được sống của một đứa trẻ chưa ra đời. Đứa trẻ ấy là con của cô, là một sinh linh sắp được chào đời”.

Từ trường hợp của sản phụ đó, bác sĩ Trần Vũ Quang nêu lên quan điểm của mình:

Tôi chỉ muốn nói một nhận định, quan điểm giản đơn nhất của mình: Tôi tin chắc rằng trong cuộc đời này người luôn dành mọi điều tốt đẹp nhất cho chúng ta, người luôn sẵn sàng hi sinh những điều mình có cho chúng ta, chỉ có một người là “mẹ”. Vậy vì đâu mà người mẹ trong câu chuyện này lại nỡ lòng tước đi quyền làm người của con mình? Họ cho rằng vì cô ấy chưa nuôi con sao, vì cô ấy chưa bế ẵm và cho con bú như một người mẹ. Vậy 9 tháng 10 ngày qua, cô ấy là ai? Đứa trẻ được hình thành từ máu thịt, từ yêu thương, được gắn kết và dần dần thành hình hài với cơ thể của ai? Tôi tin rằng cô ấy là một người mẹ, yêu con mình hơn tất thảy mọi thứ như bao người mẹ khác.

Trong cuộc sống, có thể có những người đem đến cho chúng ta những tổn thương chí mạng; thực ra không phải người ngoài mà đa phần đều là những người thân cận nhất, những người dễ làm ta tổn thương nhất.

Nếu như là vấn đề của bệnh viện, sản phụ hoàn toàn có thể nói với gia đình, tìm lãnh đạo bệnh viện hoặc đổi bệnh viện.

Nhưng cô ấy đã tìm đến cái chết. Và thực sự có thể bức chết một người phụ nữ, liệu có khả năng là sự thất vọng đối với bệnh viện, hay đó chính là sự tuyệt vọng đối với chồng.

Đa số những lí do dẫn đến tự sát, đều là do đột nhiên phát hiện ra bản thân không còn chút quan hệ hay hi vọng gì với thế giới này. Nếu có một chút hi vọng, một chút tình người tồn tại, người phụ nữ sẽ không lựa chọn một cách tàn nhẫn như vậy, đem theo đứa con còn chưa chào đời tìm đến cái chết”.

phu-nu-hon-nhau-o-tam-chong-va-cau-tra-loi-cua-mot-dang-may-rau-khien-chi-em-giat-minh-1

Ảnh minh họa

Theo bác sĩ Quang, sinh con, là thời khắc mà người phụ nữ yếu đuối nhất trong cuộc đời. Đáng tiếc là rất nhiều người đàn ông, nhiều gia đình nhà chồng lại không ý thức được. Người phụ nữ ấy nhảy lầu, khả năng lớn là do sự tuyệt vọng cực đoan và đau lòng, bởi không có ai thấu hiểu, không có một ai giúp cô ấy vượt qua những khó khăn của một cô gái trẻ sắp trở thành mẹ.

Trước tiên, về mặt sinh lí, người phụ nữ phải trải qua một cơn đau thập tử nhất sinh. Như rất nhiều bài viết trước tôi đã nhắc đến, cơn đau kinh khủng này của mỗi người mẹ luôn cần được trân trọng, tôn vinh và thấu hiểu.

Một bác sĩ sản, tôi là ngưởi chứng kiến và thấu hiểu biết bao những gì các mẹ đã phải trải qua. Cơn đau đẻ, rặn và những viết rạch đau đến nỗi đã vượt qua mọi cơn đau cắt da cắt thịt trên đời này để đem con đến với cuộc đời.

Còn sinh mổ? Bước ra từ phòng mổ, trên bụng có một vết sẹo dài đến mười mấy phân sẽ không bao giờ mất, khi hết thuốc tê chỉ cần hơi cử động đã đau buốt ruột gan. Đi vệ sinh hai chân đều không ngừng run rẩy, đi tiểu được một nửa phải dừng lại một lát, hít thở sâu mới có thể đi tiếp”.

Tiếp đến về mặt tâm lí, phụ nữ phải trải qua nỗi sợ hãi tôi cho là đáng để nhớ mãi. Nằm trên bàn mổ, đèn bật sáng, được tiêm một liều thuốc tê nửa thân dưới, sản phụ hoàn toàn có ý thức, mắt mở đăm đăm cảm nhận được bác sĩ dùng dao, rạch từng lớp từng lớp da bụng, rạch tử cung để đưa đứa bé ra ngoài. Rồi sau đó sẽ lại được khâu lại, ghép lại giống như một linh kiện điện tử bị tháo ra, và lại ráp lại.

Lúc này, cái phụ nữ cần chính là sự nhẫn nại, dịu dàng chăm sóc vô điều kiện của chồng bên cạnh; chính là thấu hiểu được sự đau đớn và cô đơn của vợ khi vượt cạn. Thế nhưng có những người chồng lại không làm được.

Bác sĩ Quang kể tiếp: “Làm việc lâu nay ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương, tôi thường xuyên nhìn ngắm hình ảnh ở ngoài cửa phòng sinh, quan sát xem khi người vợ đang đau đớn sinh con thì các ông chồng đang làm gì.

Trong phim, khi sản phụ ở trong phòng sinh, người chồng ở bên ngoài vô cùng nóng ruột, vò đầu bứt tai, đi qua đi lại, thi thoảng lại ngóng qua tấm cửa kính nhìn vào phòng sinh. Chỉ cần có một chút động tĩnh là lập tức xông lên hỏi y tá “vợ tôi thế nào rồi, cô ấy có làm sao không?”. Thì ra những tình tiết như ngôn tình trên phim đều là bịa đặt, mà có lẽ chỉ có những người như những bác sĩ sản chúng tôi mới thấy hết được.

Đại đa số các ông chồng, đều ngồi trên ghế, căng thẳng ..... chơi game. Có người ngồi trên ghế chơi, có người còn trực tiếp đứng trước cửa thang máy, đơn giản vì ở đó có ổ cắm sạc điện thoại.

Tôi nghe một bạn đồng nghiệp kể lại về một anh chàng béo đứng trước phòng chờ sinh gọi điện thoại cho vợ.

Anh ta nói:

"Alo,

Em nằm ở giường nào, giường số 12 hả?

Em mau hỏi bác sĩ xem anh và mẹ đợi em ở trước phòng sinh hay là về nhà đợi?

Dù sao cũng chẳng biết em khi nào mới sinh, cả nhà lại không được vào.

Anh đưa mẹ xuống lầu đi ăn cơm, có chuyện gì em nhờ y tá đi. Lát có gì gọi cho anh".

Điện thoại còn chưa cúp, đã thấy anh ta và mẹ gấp rút lao đến trước cửa thang máy, kịp thời chen vào cánh cửa thang máy chưa kịp đóng lại.

Đó chỉ là một câu chuyện nhỏ trong hàng tá những câu chuyện của những sản phụ sinh nở mà tôi và các bác sĩ khác đã thấy. Một ngày tôi tiếp đến cả chục ca sinh nở, hiếm lắm mới có một ông chồng sốt sắng cho vợ. Và trong suốt quá trình công tác, chỉ có một người đàn ông, trong quá trình chờ sinh rớt nước mắt và nói với tôi “bác sĩ, làm ơn giúp vợ em đỡ đau đớn đi một chút có được không?”

Quan sát nhiều hơn trong suốt quá trình tôi làm nghề, tôi thấy đến vật dụng mang theo khi đợi phụ sản cũng quá khác biệt. Đàn ông đợi vợ, vật tuỳ thân gồm có: điện thoại, ví tiền, thuốc lá, nước, sạc dự phòng. Còn mẹ đẻ đợi con gái sinh, vật đem theo lại là đồ sơ sinh, quần áo, khăn, đồ ăn, canh nóng, nước sôi... Các bạn nghĩ sao khi hàng ngày thấy những điều đó?

Có rất nhiều gia đình, sau khi sinh con chồng và mẹ chồng lập tức vui mừng lao đến, đem theo điện thoại quay phim, chụp ảnh cả một đoạn hành lang, âu yếm gọi con:" Con yêu, nhìn bố, cười một cái nào..."

Chụp ảnh cả nửa ngày mới nghĩ ra, hình như quên mất chuyện gì đó, là “vợ tôi đâu rồi?”

Có những người phụ nữ vừa sinh xong, cô ấy vừa trải qua quá trình vượt cạn rất khó khăn và mạnh mẽ, cô ấy đã đem đến thế giới một sinh linh khỏe mạnh bằng cả can đảm của mình. Nhưng chồng và gia đình chồng của họ lập tức chạy đi chụp ảnh đứa bé, còn hỏi mã wifi để đăng ảnh lên mạng xã hội.

Sản phụ một mình nằm trên chiếc giường lạnh lẽo trong phòng hồi sức. Còn người chồng, đang ở đâu, đang bận bên cạnh con của họ, bởi đó mới là máu mủ là sinh linh gắn kết với họ ư? Còn những phụ sản, người vợ của họ thì là gì với họ? Những câu hỏi đó hàng ngày hiện lên trong đầu tôi, đi qua trong suy nghĩ của tôi nhưng chưa bao giờ có lời giải đáp.

Thực sự, một người đàn ông yêu hay không yêu bạn, chỉ có đến khoa sản mới biết.

Khoa sản là nơi có thể nhìn ra được thứ tự quan trọng trong lòng người đàn ông. Khoa sản là bức tranh thực tế và phũ phàng nhất để bạn quan sát về người đàn ông của bạn”.

Bác sĩ Quang cũng đưa ra một số ví dụ để dẫn chứng cho điều này:

Vợ và con?

Có rất nhiều người chồng, gia đình chồng mà điều họ quan tâm nhất chỉ là trong quá trình sinh, làm thế nào mới tốt cho đứa trẻ.

Ví dụ như có những người nghe nói tiêm thuốc giảm đau không tốt cho đứa trẻ, thế là họ hỏi bác sĩ, không tiêm có được không?

Giữa vợ và con, có những người chồng sẽ chọn con? Có lẽ, người vợ sẽ thấy không sao bởi họ cũng sẽ chọn con. Nhưng điều người vợ cần là sự động viên từ chồng để họ vượt qua khó khăn lựa chọn và cố gắng đó. Nhưng người chồng lại sẵn sàng thể hiện rõ quan điểm hơn là khéo léo khích lệ vợ mình.

Vợ và tiền?

Nghe bác sĩ nói, tiêm thuốc gây tê màng cứng là chi phí phát sinh, phải đóng thêm tiền, giá trung bình các viện từ 1-1,5 triệu, nghe xong giá tiền, có người sẽ ngập ngừng…

Vậy là có người sẽ chọn tiền.

Hoặc ví dụ, sinh mổ đắt hơn sinh thường, có người chồng sẽ nói, em cố một chút, chúng ta không mất tiền oan. Tiền oan ư? Là tính mạng, là sức khỏe của người đầu gối tay ấp với chúng ta mà các anh?

Đối với nhiều người, cảm giác của vợ, sự đau đớn của vợ đều không đáng giá.

Vợ và mẹ?

Trường hợp thường gặp nhất là có lúc, người vợ đau quá muốn sinh mổ, người chồng vốn đã mềm lòng chuẩn bị kí cam kết. Nhưng mẹ chồng nói sinh thường tốt cho đứa trẻ, hơn nữa trong vòng hai năm có thể sinh tiếp, cố đẻ thường đi.

Chồng lập tức liền buông bút và suy nghĩ nghe lời mẹ hay không, điều này làm người vợ vô cùng tuyệt vọng.

Có lúc người vợ đau vô cùng, không chịu được rên la to tiếng, chồng vốn dĩ cũng rất thương xót vợ.

Mẹ chồng bên cạnh nói: “đau đến thế thì cũng phải đẻ, mẹ ngày xưa vừa sinh đã phải ra đồng làm việc rồi, con gái bây giờ tiểu thư quá.”

Chồng có khi cũng nghĩ ngay mẹ nói phải, đàn bà ai cũng phải đẻ, có phải mình vợ mình biết đẻ đâu. Những lời nói, suy nghĩ đó mang tính sát thương còn hơn cả nỗi đau đẻ”.

Suy cho cùng, đàn ông làm như vậy, khiến phụ nữ buồn là vì họ không xem vợ là người thân yêu nhất, thậm chí còn không xem vợ là người một nhà. Giá như người đàn ông nào cũng nếm thử nỗi đau đớn của vợ, sẽ không còn những người mẹ trầm cảm, những cái chết đau đớn như vậy nữa”, quan điểm của bác sĩ Quang.

Bác sĩ Quang cũng khuyên chị em phụ nữ “Hãy yêu thương bản thân và vượt qua những khó khăn, bên cạnh các bạn còn rất nhiều người. Đừng lựa chọn những cái kết thương tâm!”.

phu-nu-hon-nhau-o-tam-cho

 

phu-nu-hon-nhau-o-tam-cho

Nhiều chị em thấy bóng dáng mình trong bài viết của nam bác sĩ

Ngay sau khi đăng tải trên mạng xã hội, bài viết thu hút sự đông đảo của chị em phụ nữ. Nhiều người thấy bóng dáng mình trong đó.

Bạn K.N. bình luận: “Đọc xong bài này tôi nghĩ ai cũng sẽ thấy bóng dáng mình trong ấy. Suy cho cùng phụ nữ hơn nhau là tự làm chủ được cuộc sống của mình”.

Nếu trong xã hội nhiều người đàn ông biết suy nghĩ và quan tâm đến vợ như anh vậy, là người vợ rất có phúc”, ý kiến của bạn P.C.

Theo:  khoevadep.com.vn copy link