Sáng 19/7, ông N.H.A. (ngụ xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang; cha tử tù Nguyễn Hữu Tình) cho biết, tội của Tình là quá lớn nên để pháp luật xử lý. Riêng việc Tình có nguyện vọng hiến tạng thì ông A. và gia đình đồng tình và không có ý kiến gì.
“Tình đã đủ 18 tuổi nên có quyền quyết định về mình. Việc Tình xin hiến tạng, vợ chồng tôi thấy có ý nghĩa và ủng hộ. Gia đình tôi là nông dân, cuộc sống vốn khó khăn, chữ nghĩa thì kém nên mọi việc chỉ biết trông vào pháp luật”, ông A. nói.
Bà Tâm ngồi cạnh đứa cháu nội bất hạnh bị tạt axít tàn phế.
Trước đó, sau khi nghe tin tử tù Nguyễn Hữu Tình, kẻ giết 5 người ở quận Bình Tân (TP.HCM) xin hiến tạng, bà Nguyễn Thị Tâm (SN 1950, ngụ ấp Kinh Mới, xã Hòa Bình, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) đã có nguyện vọng xin đôi mắt của tử tù này với mong muốn cho đứa cháu nội của bà là bé gái Nguyễn Thị Yến N. (SN 2002) tìm lại ánh sáng.
"Sau khi báo đăng việc Tình xin hiến tạng, tôi liền nghĩ ngay đến ý định xin đôi mắt của người này để ghép cho bé N. nhưng không biết quy định như thế nào. Tôi sẽ lên TAND TP HCM để nhờ họ hướng dẫn", bà Tâm bày tỏ.
Chia sẻ về hoàn cảnh đặc biệt của cháu nội Nguyễn Thị Yến N. (SN 2002) trên trang Người đưa tin, bà Tâm cho biết, cháu nội của bà là nạn nhân của một vụ tạt axit kinh hoàng vào năm 2012.
Cụ thể, do nghi ngờ chồng mình có quan hệ tình cảm với chị V.T.T.L (Sn 1987, mẹ cháu N) nên Nguyễn Thị Ngọc Linh (Sn 1984, ở xã Hòa Bình) nổi cơn ghen và ngày 17/6/2012, đã dùng axit tạt thẳng vào người 2 mẹ con chị L. khiến cả 2 bị bỏng nặng.
Cháu N. bị mù cả 2 mắt, toàn thân biến dạng, tỷ lệ thương tật lên đến 96% còn mẹ cháu bị bỏng, tỷ lệ thương tật cũng là 81% vĩnh viễn. Gia đình bà Tâm đã phải vay mượn hơn 100 triệu đồng để chạy chữa cho cháu suốt hơn 1 năm trời khiến kinh tế kiệt quệ. Mặc dù không nhìn thấy ánh sáng nữa nhưng N. vẫn cố tỏ ra mạnh mẽ, cười đùa và cho biết với phóng viên Thời đại: "Em không thấy đường, em buồn lắm. Em nhớ trường lớp, bạn bè nữa, mà mấy năm nay chỉ nghe thấy tiếng của mọi người. Ước gì đôi mắt em có thể sáng trở lại thì tốt biết mấy. Đến lúc đó, em có thể đi học lại, rồi làm nuôi nội nữa".
Theo N., dù những vết thương mà em đang gánh chịu, tất cả đều do người mẹ của em gây ra nhưng em không hề oán trách mẹ của mình. Em chỉ ước lâu lâu mẹ có thể ghé thăm em một lần vì sau khi xảy ra sự việc, chị L. đã đi thêm bước nữa, có cuộc sống riêng.
Bé N. mong muốn được sáng mắt để tìm việc làm nuôi bà nội lúc tuổi già.
Suốt 6 năm qua, đứa cháu nội của bà đã phải sống trong cảnh tàn phế, rất vất vả. Mọi sinh hoạt hàng ngày của cháu N. đều do bà chăm sóc.
Hiện tại, cả cha mẹ ruột của cháu N. đều đã có gia đình riêng nên bà Tâm luôn muốn lo lắng cho cháu nội đến hơi thở cuối cùng. Nguyện vọng của bà là đứa cháu gái tội nghiệp có thể được nhìn thấy ánh sáng nhưng nhà nghèo bà không thể có đủ tiền thay đôi mắt cho cháu được.
"Lúc điều trị, các bác sĩ cho biết còn chút hy vọng mong manh trong việc tìm lại ánh sáng cho N. nếu như có ai đó hiến tặng đôi mắt. Giờ hay tin có tử tù xin hiến tạng, tôi sẽ tìm cách liên hệ ngành chức năng xem kết quả thế nào. Nếu có điều kỳ diệu xảy ra, đó là niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi, giúp đứa cháu bất hạnh có thể tìm lại ánh sáng như bao đứa trẻ khác", bà Tâm nói.
Liên quan đến nguyện vọng xin đôi mắt của tử tù Nguyễn Hữu Tình, ông Nguyễn Văn Triệu, Chủ tịch UBND xã Hòa Bình cho biết, ông đã chỉ đạo hội Bảo trợ và hội Chữ thập đỏ của xã đến gia đình bà Tâm để hỗ trợ hướng dẫn về nguyện vọng xin đôi mắt của tử tù cho cháu nội của bà Tâm.
Tác giả: Ngọc Dung