Ngày 5/9, hơn 23 triệu học sinh cả nước bước vào năm học 2022-2023 với chủ đề "Đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo".
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, năm học 2022-2023 được xác định là năm trọng tâm triển khai nhiệm vụ đổi mới giáo dục ở bậc phổ thông, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Từ chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương tổ chức lễ khai giảng năm học mới gọn nhẹ, theo tinh thần giảm bớt những phần rườm rà của phần "lễ" mang tính hình thức, để dành thời gian cho các hoạt động mang lại không khí vui tươi, có ý nghĩa đầu năm học mới.
Sau một năm "không có ngày khai trường" do dịch COVID-19, các thầy cô giáo và học sinh đều mong đợi ngày khai giảng năm học.
Lễ khai giảng năm học mới năm nay được nhiều trường chú tâm xây dựng các chương trình đặc biệt đón học sinh đầu cấp, tổ chức các hoạt động gắn với văn hóa truyền thống, hoặc các chủ đề được ưu tiên thực hiện trong năm học.
Nhiều địa phương quyết định miễn học phí
Đến nay, nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã có thông báo miễn học phí cho trẻ mầm non và học sinh phổ thông trên địa bàn.
Cụ thể, ít nhất 6 địa phương trên cả nước quyết định miễn học phí cho học sinh năm học 2022-2023 bao gồm: Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Kạn, Quảng Ninh.
Bên cạnh đó, một số địa phương tạm thời chưa thu học phí, như Hà Nội, TP.HCM, Cà Mau, Sóc Trăng.
Các tỉnh, thành phố không được miễn học phí sẽ phải áp dụng khung học phí theo quy định của Chính phủ.
12 nhiệm vụ trọng tâm năm học
Ngày 19/8, Bộ GD&ĐT ban hành Chỉ thị về thực hiện nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022-2023.
Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, năm học 2022-2023, ngành giáo dục xác định chủ đề là “đoàn kết, nỗ lực vượt khó khăn, đổi mới sáng tạo, củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo”, với 12 nhiệm vụ trọng tâm bao gồm: Hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo; chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh; tăng cường công tác chính trị, tư tưởng trong toàn ngành;
Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo; thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên;
Xây dựng và triển khai chiến lược, quy hoạch, nâng cao năng lực hệ thống giáo dục đại học; đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành; tăng cường hội nhập quốc tế trong giáo dục; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm; đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua trong toàn ngành; tăng cường công tác truyền thông giáo dục.
Chỉ thị yêu cầu thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT căn cứ các nhiệm vụ, giải pháp nêu trên, xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể của đơn vị; tổ chức hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra thực hiện kế hoạch năm học, đề xuất các giải pháp chỉ đạo, kịp thời giải quyết những vấn đề vướng mắc, nảy sinh trong quá trình thực hiện.
Tác giả: Vũ Ngọc
-
Thuê chung cư có phải xin phép ban quản lý không? Biết để không mất tiền oan
-
12 trường hợp dù đi đúng tuyến vẫn không được hưởng BHYT
-
Điều kiện hưởng BHXH 1 lần mới nhất, thủ tục gồm những gì?
-
Chi tiết mức hưởng BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi khi khám chữa bệnh đúng tuyến và trái tuyến
-
Chính thức xét tuyển đại học năm 2022 từ hôm nay đến 15/9