Bố của con gái Ngọc Diễm là một người đàn ông từng được cô yêu thương rất nhiều. Hoa hậu Du lịch đã tin rằng sẽ “cùng đi với nhau” đến trọn cuộc đời nhưng cuối cùng, chuyện tình này lại nhanh chóng đổ vỡ. “Người ta có thể lên kế hoạch về nhiều chuyện, nhưng với tình duyên thì không” – Ngọc Diễm thừa nhận.
Cô từng chia sẻ về khoảng thời gian cô làm mẹ đơn thân:
“Từ một cô gái chưa bao giờ va vấp với cuộc đời, tôi trải qua thời gian dài đầy đủ thăng trầm vui buồn. Đôi lúc, tôi tưởng mình bị mất niềm tin vào chính mình. Tôi bị áp lực, trong đó áp lực lớn nhất là sự hoài nghi về bản thân: liệu rằng tôi có đủ vững chãi, có đủ mạnh mẽ để bảo vệ con mình hay không? Giờ tôi thấy mình đã vượt qua được, trưởng thành hơn“.
Cũng chính vì Hoa hậu Ngọc Diễm làm mẹ đơn thân, là người chủ chốt chăm chút cho con gái nhưng vẫn phải làm tốt các việc mỗi ngày, nhiều người thường thắc mắc với cô "Em có con nhỏ, công việc cũng bận, em sắp xếp việc nhà sao ta?”.
Câu trả lời của nàng Hoa hậu nằm ở những nguyên tắc dạy con gái Chiko từ việc trao quyền cho con như thế nào để làm tốt nhất có thể vai trò làm mẹ mà vẫn có thời gian theo đuổi những mục tiêu khác trong cuộc sống.
1. Nguyên tắc số 1: YÊU THƯƠNG
Luôn thể hiện với con, bố mẹ luôn luôn yêu thương con, và con không cần phải hoài nghi về việc đó. Kể cả khi bố mẹ nghiêm khắc, la mắng, vẫn luôn thể hiện là yêu thương con. Tránh sử dụng những lời nói làm con cái hoài nghi là bố mẹ có yêu thương mình hay không? Ví dụ:
- “Con hư là mẹ không yêu đâu!”
- “Mẹ chỉ yêu khi con ngoan ngoãn, nghe lời mẹ.”
- Tệ hơn nữa là “Mẹ hết yêu con rồi!”
Trẻ con chưa đủ khôn để nhận thức được tình yêu của bố mẹ dành cho mình lớn như thế nào, nên những lời tưởng vô thưởng vô phạt như vậy rất dễ tạo vết hằn tâm lý cho con cái, khi lớn hơn, đối diện với nhiều mối quan hệ xã hội và va vấp trong cuộc sống, đứa trẻ sẽ hoang mang về những điểm dựa tin cậy của mình.
Bên cạnh đó, dạy con về cách yêu thương mọi người, để điều tốt nhất con muốn nhận cũng là điều con muốn dành cho những người mà con yêu quý.
2. Nguyên tắc số 2: NGUYÊN TẮC
Bố mẹ nào cũng yêu thương con, nhưng không phải bố mẹ nào cũng HÀNH ĐỘNG ĐÚNG để thể hiện những yêu thương đó. Nguyên tắc giúp định hình một số tính cách của con trẻ, và việc thực hành những nguyên tắc này sẽ giúp con phát triển thói quen & tính cách tốt. Một số ví dụ về nguyên tắc mà Diễm áp dụng với Chiko như sau:
- NGUY HIỂM: Nhận dạng những vật/ việc nguy hiểm và tuyệt đối không tiếp xúc/ thử những việc đó.
- CHỊU TRÁCH NHIỆM: Con là người yêu thương con nhất; và chịu trách nhiệm về con. Không kỳ vọng người khác phải yêu thương con như ba mẹ.
- GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ Mẹ hiểu con buồn khi con khóc. Nhưng khóc không giải quyết vấn đề. Con muốn gì con hãy nói và thuyết phục những người liên quan.
- Mọi số nguyên tắc khác liên quan đến dinh dưỡng, học tập, giải trí, tuỳ độ tuổi mà bố mẹ có thể điều chỉnh để phù hợp với khả năng tiếp nhận và thực hành của con.
Quan điểm của Diễm, yêu thương mà không có nguyên tắc là thảm họa. Bố mẹ có thể tham khảo về cách xây dựng những nguyên tắc tốt cho con qua cuốn “Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương” của tác giả Satra Imas nhé.
3. Nguyên tắc số 3: TRUNG THỰC & TIN CẬY
Ba mẹ là hình mẫu của sự trung thực và thống nhất với con cái về sự trung thực trong gia đình: trung thực với người khác và trung thực với chính mình. Trung thực với người khác thì dễ hiểu rồi ha, còn làm sao để trung thực với chính mình? Chúng ta không ép mình phải thể hiện là hài lòng khi chúng ta không thấy hài lòng. Không ép mình phải vui khi lòng buồn nặng trĩu. Nói chung, là để cho đứa trẻ được sống thực với cảm xúc của mình và được quyền bộc lộ đúng cảm xúc đó. Việc điều chỉnh cảm xúc từ tiêu cực sang tích cực là câu chuyện khác bố mẹ ha.
Tất nhiên, khi chọn trung thực, bố mẹ phải đối diện với việc mình không hoàn hảo, mình không phải lúc nào cũng đúng với con cái và mình có những sai lầm (đôi khi có những cái sai rất xấu hổ). Và khi sai thì nhận lỗi và sẽ cố gắng sửa chữa. Kết quả đầu ra, con trẻ sẽ:
- Dám nhận sai khi biết sai mà không lo sợ, giấu diếm
- Có người chia sẻ về cách để sửa sai
- Luyện thành một thói quen, tính cách tốt để đối diện với những vấn đề phức tạp của cuộc sống sau này.
- Và lòng đứa trẻ rất thanh thản, không mâu thuẫn nội tâm, không có nút thắt.
4. Nguyên tắc số 4: LÀM BẠN VỚI CON
“Làm bạn với con” không chỉ là khẩu hiệu, mà là sự thay đổi về tư duy, hướng đến thay đổi những hành động cụ thể trong việc dạy con. Như thế nào là một người bạn tốt, đúng nghĩa của con?
- Là một người bạn tin cậy, bình đẳng, không áp đặt và không phán xét.
- Bố mẹ không “hơn” con, bố mẹ chỉ nhiều trải nghiệm hơn con (dĩ nhiên, vì sống lâu & nhiều tuổi hơn mà). Nên những câu “Trứng đòi khôn hơn vịt”, “Bố mày nói chỉ có đúng!”, tốt nhất không nên dùng. Vì nhiều kinh nghiệm hơn, nên vai trò của “người bạn lớn” là định hướng, chỉ dẫn, chứ không áp đặt con theo ý mình.
- Cần tôn trọng ý kiến và thể diện của con (nhất là khi con qua 5 tuổi). Qua đó dạy con cách tôn trọng người khác.
- Bạn bè thì phải chơi với nhau. Dành thời gian chơi với con: thể dục thể thao chung; du lịch chung; xem phim chung... Phải có cái chung thì mới gắn kết. Mẹ Diễm và Chiko thường hay xem phim Doraemon với nhau vào cuối tuần hay buổi tối trước khi ngủ.
- Tiết mục tâm sự: bạn bè thì cần chia sẻ với nhau. Lúc ăn cơm hoặc trước khi ngủ là lúc tốt nhất để chia sẻ.
5. Nguyên tắc số 5: TRAO QUYỀN
Đây là nguyên tắc rất quan trọng để bố mẹ có nhiều thời gian hơn để tập trung cho những công việc khác, thay vì phải quản thúc, nhắc nhở con từ việc lớn đến việc nhỏ. Trao quyền cho một đứa trẻ đòi hỏi bố mẹ phải (1) tin tưởng con, (2) đào tạo con; (3) kiên nhẫn với con, (4) chấp nhận sai, (5) động viên khích lệ và (6) khen thưởng.
Tác giả: Mộc
-
Cho con ăn bơ kiểu này bé lớn nhanh như thổi, tăng cân vù vù ai cũng khen mẹ nuôi con khéo
-
Bé 9 tuổi đã bị sỏi mật, bác sĩ "vạch mặt" nguyên nhân gây bệnh khiến cha mẹ "đứng hình"
-
3 thói quen tai hại khiến gan nhiễm mỡ lúc nào không hay, số 1 rất nhiều người mắc phải
-
4 thực phẩm gây dậy thì sớm, mẹ thương con đừng dại cho bé ăn
-
Chuyên gia hướng dẫn cách nêm gia vị chuẩn nhất cho trẻ theo độ tuổi, mẹ nào cũng cần biết