Hoàng thái hậu tàn ác nhất LS Việt Nam, người đứng sau thảm án Lệ Chi viên

( PHUNUTODAY ) - Bà Nguyễn Thị Anh được biết đến là người nham hiểm, không từ thủ đoản, được đánh giá là hoàng thái hậu tàn ác nhất lịch sử Việt Nam.

Nguyễn Thị Anh (1422 – 1459) là phi tần của vua Lê Thái Tông, mẹ đẻ của hoàng đế Lê Nhân Tông. Dưới thời Hậu Lê, bà là vị hoàng thái hậu tại vị đầu tiên và duy nhất, thay hoàng đế giải quyết việc nước.

Sát hại chồng và tạo nên thảm án tru di tam tộc

Thông minh, xinh đẹp và sáng suốt, bà Nguyễn Thị Anh hội tụ đủ mọi tố chất cần có của một bậc mẫu nghi thiên hạ. Bà cũng được vua Lê Thái Tông sủng ái. Nhưng dân gian lại truyền tai nhau rằng bà là vị hoàng thái hậu tàn ác nhất lịch sử Việt Nam. Bà có thể vì quyền lực mà không từ bất cứ thủ đoạn nào.

Bà nhập cung khi vua Lê Thái Tông đã lập con trai Lê Nghi Dân làm thái tử nên quyền lực rất yếu. Thế nhưng từ sau khi Ái phi Dương Thị Bí, mẹ của Lê Nghi Dân bị dáng xuống làm thứ dân và giam vào lãnh cung, Lê Nghi Dân bị phế truất thì bà Nguyễn Thị Anh dần được vua sủng ái hơn trước. Vị trí của bà tăng cao hơn gấp bội sau khi hạ sinh hoàng tử Lê Bang Cơ.

Về thân thế của hoàng tử Lê Bang Cơ, người đời dị nghị rằng bà có thai trước khi vào cung. Trước khi trở thành phi tần của Lê Thái Tông, bà từng dan díu với một người thuộc chi dưới của Lê Khoáng – ông nội của Thái Tông tên là Lê Nguyên Sơn. Lời đồn có cơ sở khi thời gian mang thai và hạ sinh hoàng tử của Nguyễn Thị Anh chỉ vỏn vẹn 6 tháng.

Thời điểm này, một phi tần của vua cũng mang long thai. Lo lắng ngôi vị sẽ thuộc về con người khác, Nguyễn Thị Anh đã cấu kết với hoạn quan tâm phúc bên cạnh mình là Đinh Thắng làm giả một hình nhân rồi lấy 7 mũi kim đâm vào lưng và ngực, dưới chân ghi chữ Bang Cơ và cố tình để cho một cung nhân bắt được tâu lên vua.

Mặc dù là chủ mưu nhưng bà đóng vai bị hại nên tất cả sự chú ý dồn về phi tần kia. Vua sau đó hạ chỉ khép vào tội phát lưu, đày đi xa. Quan hành khiển Nguyễn Trãi phát hiện có điều bất thường nên đã can gián. Nguyễn Trãi chỉ ra một vài chứng cứ không xác đáng, chưa đủ để kết tội và xin phép vua để mình đích thân điều tra sự việc.

Được sự đồng ý của vua, ngay đêm hôm đó, vợ lẽ của Nguyễn Trãi đưa phi tần kia ra ẩn náu ở chùa. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Anh vẫn chưa muốn dừng lại.

Từ sau khi phi tần kia sinh hạ Hoàng tử Tư Thành, lời đồn đại về dòng máu của thái tử Bang Cơ ngày càng nhiều. Nhân lúc con trai còn đang ở ngôi thái tử, bà chủ động ra tay “xử” Nguyễn Trãi.

Một lần vua về thăm Nguyễn Trãi, bà nhân cơ hội này sai người sát hại chồng rồi đổ cho vợ chồng Nguyễn Trãi gây tội tày trời khiến gia đình ông bị tru di tam tộc, tạo nên thảm án Lệ Chi viên.

Thẳng tay sát hại công thần

Hoàng thái tử Bang Cơ lên ngôi năm 1442 khi đó mới 2 tuổi, đổi niên hiệu là Thái Hòa tức vua Lê Nhân Tông. Bà Nguyễn Thị Anh được dâng tôn hiệu Hoàng thái hậu.

Vì vua tuổi còn nhỏ nên mọi chuyện chính sự đều do hoàng thái hậu nắm giữ. Bà đã chỉ huy công thần là Trịnh Khả và Trình Khắc Phục dẹp tan giặc ngoại xâm quấy nhiễu bờ cõi nước ta. Nhưng 2 công thần này cũng không tránh được họa sát thân khi bị hoàng thái hậu ban chết vào năm 1451.

Năm 1453 vua Lê Nhân Tông 13 tuổi, lúc này bà Nguyễn Thị Anh rút vào hậu cung, giao lại triều chính cho con. Thế nhưng lời đồn Bang Cơ không phải con ruột vua Lê Thái Tông vẫn khiến Lê Nghi Dân không cam tâm, có ý làm loạn, đoạt lại ngai vàng.

Theo sử sách ghi lại, vua Nhân Tông nghĩ Nghi Dân là anh ruột nên không đề phòng. Ngày 3/10/1459, Nghi Dân cùng các thủ hạ bắc thang vào tận cung cấm trong đêm để giết vua Nhân Tông. Hôm sau hoàng thái hậu cũng bị giết, thọ 38 tuổi.

Lê Nghi Dân trong chiếu lên ngôi đã nêu rõ lý do dẫn đến chính biến và những việc liên quan tới hoàng thái hậu Nguyễn Thị Anh làm khi bà còn sống, trong đó có cả việc giết đại thần diệt khẩu trong thời gian nhiếp chính.

Lên ngôi được 8 tháng thì Lê Nghi Dân bị giết. Hoàng tử Lê Tư Thành lên ngôi (vua Lê Thánh Tông). Vua chính thức làm tang lễ cho hoàng thái hậu Nguyễn Thị Anh, truy tôn là Tuyên Từ Nhân Ý Chiêu Túc Hoàng thái hậu.

Tác giả: Trần Thu Thủy