Khoai lang mua về chớ vội đi luộc, thêm ngay bước này để khoai bở tơi, ngọt như ngâm mật

( PHUNUTODAY ) - Với cách luộc khoai này, bạn chỉ cần làm thêm một bước là có khoai lang thơm ngon, ngọt như ngâm mật khiến ai ăn cũng phải tấm tắc khen.

Không chỉ là một loại lương thực ngon, giá rẻ mà khoai lang còn rất bổ dưỡng. Trong khoai lang chứa các chất dinh dưỡng như chất xơ, kali, vitamin và các loại chất khoáng. Đặc biệt, ăn khoai lang thường xuyên có nhiều tác dụng tốt cho sức khoẻ như chống táo bón, làm sạch đường ruột, tăng cảm giác no lâu, có lợi cho việc giảm cân cũng như giúp người mắc bệnh tiểu đường có thể kiểm soát hiệu quả lượng đường trong máu.

Bằng nguyên liệu này, bạn có thể chế biến nhiều món ngon như khoai lang luộc, khoai lang tẩm bột rán, khoai lang ngào đường, khoai lang nướng, chè khoai lang… Tuy nhiên phổ biến và dễ chế biến hơn cả là món khoai lang luộc. Những củ khoai lang sau khi luộc xong có mùi thơm hấp dẫn, phần tuột vàng dẻo thơm, bở tơi… là món ăn sáng hoặc chiều yêu thích của nhiều người.

Tuy luộc khoai lang không khó nhưng để khoai luộc xong bở tơi, không nát và ngọt như ngâm mật thì bạn nên làm thêm bước này trước khi mang chúng đi luộc.

1. Cách luộc khoai lang ngon

Bước 1: Chọn khoai lang ngon

Mặc dù khoai lang có rất nhiều loại nhưng phổ biến nhất vẫn là khoai lang ruột trắng và khoai lang ruột vàng. Nếu như khoai lang ruột trắng có hàm lượng tinh bột cao và mềm, ngọt thì khoai lang vàng lại thơm và ngon hơn. Chính vì thế, để khoai lang luộc hấp dẫn hơn, người ta thường chọn khoai lang vàng để chế biến. Đặc biệt, nên chọn những củ khoai lang có dáng thuôn dài vì chúng có lượng đường cao nên khi luộc hoặc hấp sẽ mềm và ngọt.

Bước 2: Phơi khoai lang

Khoai lang sau khi mua về sẽ được mang đi phơi gió vài ngày để rút bớt nước. Nhờ thế mà hàm lượng đường trong khoai được tăng lên và ngọt hơn.

Tiếp đó, rửa khoai lang với nước sạch rồi cắt bỏ 2 đầu của khoai. Dùng tăm nhọn chọc vài lỗ nhỏ trên củ khoai trước khi luộc.

Bước 3: Luộc khoai lang

Để khoai lang ngon hơn, bạn nên hấp thay vì luộc chúng. Đặt nồi lên bếp, đổ nước vào đun sôi rồi cho xửng đựng khoai lang vào hấp khoảng 20 phút. Bạn nên đậy nắp vung trong thời gian hấp để hơi nước không bị bay đi. Sau đó mang khoai ra đĩa và từ từ thưởng thức.

2. Vì sao cần phơi khoai lang trước khi hấp hoặc luộc

Quá trình phơi nắng sẽ giúp giảm bớt độ ẩm trong khoai lang, từ đó giúp khoai không bị mốc hoặc thối. Bên cạnh đó, khi được mang đi phơi, lượng tinh bột trong khoai lang cũng sẽ được chuyển hoá thành nhiều loại đường khác nhau và giúp khoai của bạn mềm, ngọt hơn sau khi hấp hoặc luộc.

3. Những lưu ý khi luộc/hấp và thưởng thức khoai lang

- Không nên ăn những củ khoai lang đã xuát hiện đốm đen trên bề mặt, bị thối hoặc hà vì trong chúng có thể chứa nhiều chất gây hại và khiến bạn bị ngộ độc.

- Vì trong khoai lang có chứa men khí hoá, thế nên không nên ăn quá nhiều một lúc để tránh bị đầy bụng.

- Vì hàm lượng tinh bột trong khoai lang rất cao, nếu bạn không mang chúng đi nấu chín thì sẽ dẫn đến tình trạng bị khó tiêu. Để hạn chế việc này, bạn không nên ăn khoai lang sống mà phải mang chúng đi chế biến trước khi ăn.

Tác giả: Minh Thu