Những ngày gần Tết chắc hẳn không ai xa lạ cảnh nhiều người tham gia giao thông bị dừng lại đo nồng độ cồn. Nhiều ý kiến người dân băn khoăn, nếu không vi phạm luật giao thông, cảnh sát giao thông (CSGT) có được yêu cầu dừng xe đo nồng độ cồn?
Không vi phạm, CSGT có được yêu cầu dừng xe kiểm tra nồng độ cồn hay không?
Phương tiện đo nồng độ cồn trong hơi thở là một phương tiện nghiệp vụ được CSGT sử dụng để phát hiện vi phạm giao thông. Theo khoản 2, Điều 12, Nghị định 135/2021/NĐ-CP, máy đo nồng độ cồn chỉ được sử dụng khi có quyết định, kế hoạch phê duyệt của cấp có thẩm quyền.
Mặt khác theo quy định tại Khoản 1, Điều 16, Thông tư 32/2023/TT-BCA, dù người tham gia giao thông không vi phạm nhưng CSGT vẫn có quyền yêu cầu người đó dừng xe để tuần tra, kiểm soát trong các trường hợp sau:
- Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề đã được phê duyệt.
- Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra; của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện để bảo đảm an ninh, trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm khác.
- Tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố cáo của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện.
Khi tiến hành tuần tra kiểm soát, CSGT hoàn toàn có quyền kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định pháp luật về giao thông đường bộ và pháp luật có liên quan của người và phương tiện tham gia giao thông để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm (theo điểm a khoản 1 Điều 10 Thông tư 65/2020/TT-BCA).
Như vậy, dù lái xe đúng luật thì CSGT vẫn có quyền yêu cầu người tham gia giao thông dừng xe và thổi nồng độ cồn trong trường hợp thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tuần tra, kiểm soát hoặc có tin báo, phản ánh.
Như phân tích, dù không vi phạm nhưng CSGT vẫn có quyền yêu cầu tài xế thổi nồng độ cồn. Nếu không chấp hành, người tham gia giao thông có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 20 Nghị định 167/2013/NĐ-CP với mức phạt là từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng. Thậm chí nếu có hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để chống đối CSGT, người này còn có thể bị phạt tiền từ 03 đến 05 triệu đồng.
Tài xế vi phạm nồng độ cồn có bị giữ xe không?
Việc điều khiển phương tiện mà trong cơ thể có nồng độ cồn là hành vi vô cùng nguy hiểm, có khả năng cao gây tai nạn giao thông nên tài xế vi phạm về nồng độ cồn sẽ bị tạm giữ xe để hạn chế gây hậu quả nghiêm trọng cho người và các phương tiện tham gia giao thông khác.
Theo Điều 82 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP, người tham gia giao thông bằng các phương tiện giao thông đường bộ là ô tô, xe máy, máy kéo, xe máy chuyên dùng hay xe đạp đều có thể bị cảnh sát giao thông tạm giữ xe vì lỗi vi phạm nồng độ cồn. Khi tiến hành tạm giữ xe của người vi phạm, Cảnh sát giao thông sẽ lập biên bản tạm giữ phương tiện với 2 bản, lấy chữ ký của người vi phạm và giao cho người đó giữ 1 bản (Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính).
Thời hạn tạm giữ xe vi phạm nồng độ cồn là không quá 7 ngày làm việc, kể từ ngày tạm giữ. Thời hạn này được tính từ thời điểm phương tiện bị tạm giữ thực tế. Ngoài ra, tuỳ từng trường hợp đặc biệt, thời gian giam giữ có thể dài hơn.
Tác giả: Vũ Thêm
-
Từ nay đi xe máy, ô tô người dân cần mang 5 giấy tờ này, nếu không bị xử phạt tới 3 triệu đồng
-
Kể từ nay: Người dân tham gia giao thông vi phạm 4 điều này sẽ bị CSGT tịch thu phương tiện
-
Từ nay: 6 trường hợp phải đi đổi Giấy đăng ký xe máy, cố tình giữ lại bị phạt tới 6 triệu đồng
-
Những lỗi vi phạm xe máy Cảnh sát giao thông được phạt tiền tại chỗ, không cần lập biên bản
-
5 hành vi tưởng là lỗi nhưng sẽ không bị Cảnh sát giao thông phạt tiền