Lão Tử khuyên con người không nên coi thường hành động nhỏ, bởi nó có thể gây tác động to lớn về sau. Mọi thành công đều phải nỗ lực không ngừng nghỉ trong thời gian dài. Những tham vọng cũng có thể sụp đổ một ngày nào đó nếu những sai lầm của chúng ta cứ tích lũy lớn dần qua thời gian.
Đọc 3 mẩu chuyện dưới đây và rút cho bài học cho mỗi người:
Bài học thứ nhất: Đường đi ngàn dặm, muốn làm đại sự, tuyệt đừng coi thường tiểu tiết!
Lão Tử từng nói: "Hợp bão chi mộc, sinh vu hào mạt; cửu tằng chi thái, khởi vu lũy thổ; thiên lí chi hành, thủy vu túc hạ". Hiểu nôm na có nghĩa là: Cây cổ thụ hai người ôm mới xuể mọc lên từ cây non còn xanh; muốn xây dựng tháp cao 9 tầng cần lấy mô đất nhỏ làm móng; đường đi ngàn dặm, phải bắt đầu từ bước nhỏ trước.
Nhà văn nổi tiếng thời nhà Thanh - Bành Đoan Thục - từng kể một câu chuyện về 2 nhà sư: người giàu có, người lại nghèo túng. Cả hai đều muốn vượt qua biển Nam để tới Ấn Độ thỉnh kinh, cúng Phật.
Nhà sư giàu nói với nhà sư nghèo: "Mấy năm nay, tôi đều thử thuê thuyền băng qua biển, thế nhưng mãi chẳng có kết quả gì. Thầy định lấy gì mà đi thỉnh kinh?"
Một năm sau, nhà sư giàu có vẫn chưa thể xuất hành, trong khi nhà sư nghèo đã trở về từ chuyến đi thỉnh kinh. Thấy nhà sư giàu ngạc nhiên, nhà sư nghèo chỉ nói: "Trong suốt cuộc hành trình, tôi chỉ sống nhờ vào một bình nước và một cái bát để xin ăn. Đó là tất cả những gì tôi cần để hoàn thành tâm nguyện của mình."
Nhà sư nghèo đạt được mục tiêu nhờ từ từ làm từng bước một, dựa vào sự can đảm và ý chí của bản thân. Ngược lại, nhà sư giàu cứ đắm chìm trong ảo mộng, mải mê nói về ước vọng của mình và chẳng thèm bắt tay vào làm một cách nghiêm túc. Tư duy khác biệt chắc chắn sẽ đem lại những kết quả không giống nhau.
Cavett Robert từng nói: “Cuộc đời tựa như một hòn đá, chính bạn là người quyết định để hòn đá ấy phủ rong rêu hay trở thành viên ngọc tỏa sáng” . Cuộc sống vốn không hề bằng phẳng mà luôn chứa đựng những vất vả, thách thức dành cho tất cả chúng ta. Và đời người là cuộc hành trình vượt qua những thử thách đó. Hãy hướng về phía trước. Bạn đừng vội nản chí, mỗi lần vượt qua một khó khăn, bạn sẽ thấy mình trưởng thành hơn. Chỉ có người dám hành động, không ngại gian khổ mới được hưởng trái ngọt xứng đáng.
Bài học thứ hai: Đại họa bắt nguồn từ những sai lầm nhỏ
Người xưa kể rằng, vị vua cuối cùng của nhà Thương cực kỳ quý một đôi đũa bằng ngà voi mà ông được tặng.
Biết điều này, cận thần Kỳ Tử mới thở dài mà nói rằng: "Bệ hạ càng quan tâm đến đôi đũa, sẽ lại càng nghĩ rằng đôi đũa này chỉ hợp dùng với bát làm từ sừng tê giác và cốc bạch ngọc."
"Có đồ quý như vậy rồi, bệ hạ sẽ lại chỉ muốn dùng chúng để đựng của ngon vật lạ. Ăn quen của ngon vật lạ rồi, bệ hạ sẽ lại khao khát gấm vóc lụa là, cung vàng điện ngọc."
"Bao nhiêu của quý trong đất nước ta rồi cũng chẳng đủ, bệ hạ sẽ lại đòi bằng được của ngon vật lạ từ nước khác. Từ đôi đũa ấy, ta có thể nhìn thấy kết cục phía trước. Ta không thể nào không lo lắng cho bệ hạ."
Rốt cuộc, lời tiên đoán của Kỳ Tử đã thành thật. Trụ Vương ngày càng ăn chơi trác táng, chẳng màng tới quốc gia, chỉ đắm chìm trong xa hoa hưởng lạc. Ông cho tăng thuế để xây cung điện với bạt ngàn nào rượu nào thịt. Chính vì vậy, người dân càng ngày càng mất niềm tin vào Trụ Vương, dẫn tới việc nhà Thương bị lật đổ sau này.
Thay vì kiềm chế ham muốn khi chúng còn nhỏ, Trụ Vương lại để lòng tham lam của mình lấn át lý trí. Chỉ một sai lầm nhỏ cuối cùng lại mang đến đại họa, phải trả giá bằng cả đất nước và mạng sống.
Sai lầm lớn nhất của con người là không chịu nhìn sai lầm của mình . Hãy thừa nhận điều đó và chịu trách nhiệm hoàn toàn cho những hành động, quan điểm chưa đúng đắn ở hiện tại. Bởi lẽ, người khôn ngoan phải biết nhìn nhận sai lầm của bản thân để tránh gieo mầm tai họa.
Bài học thứ ba: "Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền!"
Ngày xưa, có ông lão Ngu Công đã 90 tuổi, sống giữa hai ngọn núi Thái Hành và Vương Ốc ở gần sông Hoàng Hà. Hai ngọn núi này rộng hơn 700 dặm, cao tận 10.000 thước. Bất cứ ai muốn đi qua sông đều phải đi vòng qua Thái Hành và Vương Ốc.
Sau nhiều năm chứng kiến chuyện này, Ngu Công cho rằng giải pháp duy nhất là dời núi. Ông cùng con cháu ra núi phá từng tảng đá, đào từng miếng đất. Sau đó, họ vận chuyển đá và đất ra phía bờ biển Bột Hải.
Trí Tẩu - một người sống ở gần bờ sông - thấy thế liền cười vào mặt Ngu Công: "Sức người hèn mọn, sao có thể san phẳng được hai ngọn núi đó cơ chứ?"
Ngu Công chỉ lẳng lặng đáp: "Kể cả khi tôi qua đời rồi, các con trai tôi sẽ tiếp tục việc này. Rồi đến đời cháu tôi, chắt tôi. Các thế hệ tương lai trong gia đình tôi sẽ luôn gánh vác nhiệm vụ này, còn hai ngọn núi này thì chẳng thể lớn thêm. Một ngày nào đó, chúng sẽ bị san phẳng. Vậy gì việc gì tôi phải lo?"
Trí Tẩu nghe vậy thì cứng họng.
Mặc dù tuổi cao sức yếu, Ngu Công vẫn luôn tin rằng chỉ cần nỗ lực thì mục tiêu sẽ sớm hoàn thành. Thế rồi, niềm tin và lòng quyết tâm của ông đã được trời cao chứng giám. Ngọc Hoàng sai người xuống giúp ông lão dời núi. Kể từ đó, người đi đường có thể tới sông Hoàng Hà mà không gặp bất kỳ chướng ngại nào.
Sẽ có những giai đoạn trong đời, bạn buộc đối mặt với khó khăn đến mức muốn bỏ cuộc, buông xuôi ý định thực hiện mục tiêu. Tuy nhiên, từ bỏ không phải là sự lựa chọn đúng đắn. Người thấy nguy mà bỏ, thấy khó mà qua sẽ không làm nên đại sự. Cuộc sống này vốn là vậy, đầy những gập ghềnh, chông gai, quan trọng là tâm ta đủ kiên nhẫn đến chừng nào.
Tác giả: Hiểu Lam
-
100 người đọc bài viết này thì 99 người cảm thấy cuộc đời nhẹ nhàng và hạnh phúc hẳn lên
-
Trợ lý xinh đẹp đòi nghỉ việc, giám đốc nhờ gọi 1 cuộc điện thoại khiến cô gái đỏ mặt
-
Đi hết cuộc đời mới thấm thía, điều nuối tiếc nhất là đã bỏ quên chính mình!
-
Sở hữu 3 "điểm sáng" này: Bạn là người có cốt cách cao quý, thông tuệ hơn người khiến vạn người ngưỡng mộ
-
3 nguyên tắc quan trọng phải nhớ trong cuộc sống, người khôn ngoan nhất định phải đọc!