Liên tiếp xuất hiện ổ bệnh bạch hầu: Nguy hiểm thế nào và cách phòng ngừa?

( PHUNUTODAY ) - Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm thường ảnh hưởng đến họng và mũi, bệnh nhân phần lớn gồm trẻ em dưới 15 tuổi. Bạch hầu có tỷ lệ tử vong ca bệnh cao.

Liên tiếp xuất hiện ổ bệnh bạch hầu

Sáng 22/6, ông Hà Văn Hùng - phó giám đốc Sở Y tế Đắk Nông - cho biết vẫn đang cách ly một khu vực có 2 ca nhiễm bệnh bạch hầu, trong đó có 1 ca tử vong. Ổ bệnh tại đội 2, thôn 6, xã Quảng Hòa (huyện Đắk Glong, Đắk Nông) mới xuất hiện 3 ngày nay. Đây là ổ bệnh thứ 2 tại tỉnh Đắk Nông.

Theo ông Hùng, tại ổ dịch xã Quảng Hòa có 2 học sinh dương tính là cháu Sùng Thị Hoa và cháu Ma Văn Thành, cùng 9 tuổi, là hàng xóm, hay tiếp xúc với nhau. Trong đó, cháu Hoa đã không qua khỏi còn cháu Thành hiện đang được cấp cứu.

Ông Hùng cho biết ngày 19/6, cháu Hoa được gia đình đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông trong tình trạng ho, đau họng, khó thở. Cháu bé chuyển biến nặng nên được đưa đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM. Đến sáng 20/6, cháu Hoa tử vong, nguyên nhân do bạch hầu ác tính biến chứng tim.

Sau khi xuất hiện 2 ca bạch hầu, Sở Y tế Đắk Nông đã thực hiện khử khuẩn 100% các hộ gia đình tại đội 2, tại Trường tiểu học Bế Văn Đàn và trạm y tế xã Quảng Hòa. Ngành y tế cũng điều trị dự phòng bằng kháng sinh và tiêm vắcxin phòng chống dịch cho khoảng 550 người từ 7 tuổi tới dưới 40 tuổi quanh khu vực. Địa phương cũng lập 2 đội chốt chặn, cách ly toàn bộ các hộ gia đình tại khu vực ổ dịch.

Theo ông Hùng, đây là ổ bệnh bạch hầu đầu tiên ghi nhận ở xã Quảng Hòa từ năm 2004 đến nay và là ổ dịch thứ 2 tại tỉnh Đắk Nông trong năm 2020.

Trước đó, ngày 14/6, tại Trung tâm Ngôi nhà may mắn (huyện Krông Nô, Đắk Nông) cũng có 4 trường hợp từ 9-15 tuổi dương tính với bệnh bạch hầu. Các bé khởi phát bệnh với triệu chứng sốt, đau họng, biếng ăn, nôn ói. Kết quả xét nghiệm của Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên cho thấy các bệnh nhân dương tính với vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae (gây bệnh bạch hầu).

Tính đến nay có sáu trường hợp dương tính với bệnh bạch hầu ở hai ổ bệnh trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Ngoài trường hợp đã tử vong, các ca còn lại sức khỏe có tiến triển tốt, đang hồi phục.

Bệnh bạch hầu là gì mà đáng sợ đến thế?

Bệnh bạch hầu (tiếng Anh: diphtheria) là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục. Đây là một bệnh vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc và các tổn thương nghiêm trọng của bệnh chủ yếu là do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu – tên khoa học là Corynebacterium diphtheria – gây ra.

Nguyên nhân gây ra bệnh bạch hầu?

Tác nhân gây bệnh là vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae thuộc họ Corynebacteriaceae. Vi khuẩn bạch hầu có 3 tuýp là Gravis, Mitis và Intermedius.

Vi khuẩn bạch hầu tiết ra các độc tố gây tổn thương nhiều tổ chức và cơ quan của cơ thể. Ổ chứa vi khuẩn bạch hầu nằm ở người bệnh và cả người lành mang vi khuẩn. Đây vừa là ổ chứa, vừa là nguồn truyền bệnh.

Bệnh có thể lây truyền trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp hoặc gián tiếp khi tiếp xúc với đồ chơi, vật dụng có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu.

Vì vi khuẩn bạch hầu lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp nên tốc độ lây lan rất nhanh, có thể xâm nhập qua da tổn thương gây bạch hầu da. Sau khoảng 2 tuần nhiễm vi khuẩn, bệnh nhân đã có thể lây nhiễm cho người khác.

Biến chứng nguy hiểm của bệnh bạch hầu?

Tất cả các biến chứng của bệnh bạch hầu kể cả tử vong đều là hậu quả của độc tố. Biến chứng thường gặp nhất trong bệnh bạch hầu là viêm cơ tim và viêm dây thần kinh.

Biến chứng viêm cơ tim có thể xảy ra trong giai đoạn toàn phát của bệnh hoặc cũng có thể xảy ra chậm vài tuần sau khi bệnh đã khỏi. Khi viêm cơ tim xuất hiện sớm trong những ngày đầu của bệnh, tiên lượng thường rất đen tối, tỉ lệ tử vong rất cao.

Cách phòng tránh bệnh bạch hầu: Buộc phải tiêm vắcxin

Theo lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đắk Nông, các ổ dịch bệnh bạch hầu thời gian gần đây thường xuất hiện tại các khu dân cư có điều kiện sinh hoạt chưa đảm bảo vệ sinh. Đặc biệt, phần lớn người Mông ở các khu vực bệnh dịch có tỉ lệ tiêm chủng cực thấp. Chưa kể việc xác định nguồn lây bệnh đang gặp khó vì các trường hợp mắc bệnh đều không di chuyển khỏi địa phương (14 ngày theo quy định).

Ông Nguyễn Văn Hùng - phó giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk - cho biết bạch hầu là bệnh nguy hiểm, nguy cơ tử vong cao và lây lan rất nhanh. Triệu chứng bệnh khá rõ ràng, bệnh nhân sẽ có các triệu chứng lạ như ho sốt, mất tiếng, khàn giọng, đau họng hay nổi hạch trắng trong cổ họng. Bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng phải đi kiểm tra, xét nghiệm để báo cơ quan chức năng sớm dập dịch, tránh lây lan trên diện rộng.

"Hiện chưa có thuốc đặc hiệu để phòng loại bệnh này mà phải điều trị bằng huyết thanh. Tuy nhiên vì là bệnh hiếm nên trên thế giới người ta cũng không sản xuất nhiều. Vì vậy, cách phòng tránh bệnh tốt nhất là phải cho trẻ đi tiêm vắcxin phòng tránh bạch hầu theo đúng lịch tiêm chủng" - ông Hùng thông tin.

Tác giả:

Tin nên đọc