Mấy ngày trước, tôi đã tham dự buổi họp lớp sau hơn 10 năm chia tay, ngoài niềm vui gặp lại bạn bè, tôi cũng phát hiện ra vẻ bề ngoài của mỗi người đều thay đổi ít nhiều.
Người trước đây kiêu ngạo tự phụ, giờ khóe miệng hằn lên nhiều nếp nhăn; người u sầu, sống nội tâm thì lông mày vẫn chìm trong u buồn; người từng được mệnh danh là hoa khôi thì da dẻ có vẻ sạm đi khá nhiều; còn cô bạn vui tính, không có gì xuất sắc hồi đó, lúc này gặp lại lại dịu dàng, đáng yêu, khiến người khác rung động.
Lẽ nào vẻ bề ngoài của con người lại thay đổi sao?
Nhớ lại câu chuyện ở nước Mỹ, trong thời gian đương nhiệm, tổng thống Mỹ Lincoln từng có một giai thoại kích thích tư duy như sau:
Bạn bè giới thiệu với Lincoln một người, nói rằng người này thông minh, phản ứng nhanh nhẹn, có thể đảm đương trọng trách nhưng sau khi gặp anh ta, ông tuyệt đối không tuyển.
Bạn hỏi tại sao, ông Lincoln trả lời: "Tôi không thích khuôn mặt của anh ta."
Người bạn rất ngạc nhiên khi Tổng thống tuyển người qua dung mạo. Ông Lincoln nghiêm túc cho biết: "Một người chưa đến 40 tuổi thì nên có trách nhiệm với khuôn mặt của mình."
Rất nhiều người sau khi biết câu chuyện này đều ngẫm xem rốt cuộc khuôn mặt thế nào có thể khiến cho tổng thống cố gắng tránh đến vậy?
Với khả năng quan sát khôn ngoan của Lincoln, lý do khiến ông lắc đầu chắc chắn không phải là tướng mạo xấu hay đẹp, e rằng kiểu cách nói chuyện và thái độ mà người này thể hiện ra mới là mấu chốt quan trọng nhất.
Có câu nói rằng: "Tướng do tâm sinh", nghĩa là diện mạo của con người do tính cách, nội tâm hình thành nên. Thế nên không nhất thiết phải đợi đến 40 tuổi, có thể sau khi mỗi người hiểu ra sự đời thì đã biết cách chịu trách nhiệm với vẻ bề ngoài của mình.
Điều này không chỉ liên quan đến ấn tượng đầu tiên của người khác với bạn, mà nó còn quyết định bạn có thể khiến đối phương hài lòng, thân thiết với đối phương không.
Trong tướng thuật, “tướng” thông thường là chỉ tướng mặt, cũng đại thể là chỉ toàn bộ tướng mạo. “Tướng do tâm sinh” là có ý nói rằng, một người có tâm tính như thế nào thì sẽ có tướng mạo như thế ấy. Tâm tư (ý nghĩ) và hành vi của một người có thể thông qua các đặc điểm trên khuôn mặt mà được hiển hiện ra.
Trong “Tứ khố toàn thư” viết: “Vị tương nhân chi tương, tiên thính nhân chi thanh; vị thính nhân chi thanh, tiên sát nhân chi hành; vị sát nhân chi hành, tiên quan nhân chi tâm.” Ý nói rằng, đừng nhìn tướng mạo người mà trước tiên hãy nghe thanh âm của người ta, đừng nghe thanh âm người mà trước tiên hãy quan sát hành vi của người ta, đừng quan sát hành vi người mà trước tiên hãy xét cái tâm của người ta. Âu cũng là nhấn mạnh rằng cái “tâm” quyết định cái “tướng” của con người, rằng biến hoá của tướng mặt cũng là biểu hiện ra bên ngoài của sự biến hóa của tâm mang lại.
Thời xưa có câu ngạn ngữ: “Hữu tâm vô tương, tương do tâm sinh; hữu tương vô tâm, tương tùy tâm diệt”, ý nói có tâm thì dẫu vô tướng, tướng cũng sẽ do tâm mà sinh. Có tướng mà không tâm, thì tướng ấy cũng tuỳ tâm mà tiêu mất. Những lời này cũng là để nói rằng, tướng mạo của một cá nhân là tuỳ theo tâm niệm thiện-ác của cá nhân ấy mà biến hoá theo.
Thế nên từ giờ trở đi, hãy uốn nắn lại từng suy nghĩ, từng ý niệm từ sâu bên trong nội tâm, chỉ có thay đổi bản thân từ trong ra ngoài mới có thể làm toát lên khí chất và sự tu dưỡng của bản thân.
Tác giả: Minh Ngọc