Nhẹ dạ, cả tin, hám lợi
Báo Hải Dương online đưa tin, vì thấy mối "làm ăn" siêu lợi nhuận, chị Trần Thị Đ. (sinh năm 1982, trú tại TP Hải Dương) đã bị chiếm đoạt 65 triệu đồng tiền mua thẻ cào điện thoại. Chị T. (sinh năm 1987, quê ở Bình Giang) vốn học nghề làm móng của chị Đ. Sau đó chị T. đã đi lao động tại Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất. Làm việc tại đây, chị T. và chị Đ. vẫn thường xuyên trò chuyện với nhau qua Facebook. Đến ngày 27/4, tài khoản Facebook của chị T. đã nhắn tin cho chị Đ. rằng tại chỗ chị làm có người cần mua thẻ điện thoại ở Việt Nam với giá gấp 3 lần mệnh giá thẻ và rủ chị Đ. làm ăn chung, sẽ được chia 70% lợi nhuận. Tưởng người nhắn tin là chị T., từ ngày 27 đến 29/4, chị Đ. đã mua 16 thẻ cào các mệnh giá 200.000 đồng và 500.000 đồng với tổng trị giá 65 triệu đồng.
Sau 2 ngày "đầu tư" mà gọi điện thoại video cho chị T. không được, chị Đ. sinh nghi nên đã dừng mua thẻ. Đến khi liên hệ được với chị T., chị Đ. mới tá hỏa phát hiện mình bị lừa vì chị T. đã bị kẻ xấu lấy mất tài khoản Facebook trước đó.
Ngoài những nạn nhân mất tiền vì nhầm tưởng bạn bè, người thân vay tiền, nhờ mua thẻ điện thoại, còn có những người bị lừa đảo vì hám lợi khi tin vào những mối quan hệ xa lạ trên mạng xã hội.
Khoảng tháng 2/2017, chị Phạm Thị A. (sinh năm 1990, trú tại huyện Kim Thành) quen biết qua Facebook với một người đàn ông tự giới thiệu tên là Jonthan Basil, quốc tịch Đức. Sau khoảng 3 tháng trò chuyện với nhau, người đàn ông trên nói sẽ gửi quà và tiền về cho chị A. nhờ giữ hộ để sắp tới sang Việt Nam kinh doanh sẽ lấy. Ngày 24/5, một người phụ nữ tự xưng là nhân viên sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất gọi cho chị A. nói rằng có quà gửi về từ Đức, muốn nhận phải nộp tiền thuế là 36.880.000 đồng. Tưởng là sẽ nhận được món quà lớn, chị A. không mảy may nghi ngờ đã chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng người phụ nữ kia cung cấp. Vài ngày sau, đối tượng trên lại gọi điện cho chị A. nói phát hiện một số ngoại tệ lớn trong lô hàng gửi về cho chị này. Nếu chị A. muốn lấy lô hàng thì phải nộp thêm 95 triệu đồng. Do chị A. không có tiền nên đi vay mượn mọi người, định gom đủ sẽ nộp. Chỉ đến lúc này, khi sự việc được nhiều người biết đến thì chị A. mới nhận ra mình bị lừa và trình báo công an.
Vì sao tình trạng lừa đảo trên mạng xã hội ngày càng gia tăng?
Lý giải về điều này, trao đổi với báo An ninh Thế giới, Thượng tá Hà Thị Hằng, Phó Trưởng phòng PC50 Công an TP Hà Nội cho rằng, hiện nay mạng xã hội đang phát triển mạnh với nhiều tiện ích hướng tới sự thuận tiện cho người sử dụng trong việc giao lưu, kết nối với cộng đồng nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị các đối tượng xấu lợi dụng hành vi phạm tội.
Như các tiện ích “check in”, “gợi ý kết bạn”, “dòng thời gian” của mạng xã hội Facebook; hay tiện ích “Tìm quanh đây” giúp xác định những người sử dụng ứng dụng này trong phạm vi bán kính 2km tính từ vị trí hiện tại của người dùng trong ứng dụng Zalo... rất dễ bị các đối tượng lợi dụng để khai thác thông tin, xác định vị trí, thông tin cá nhân, sở thích, sở trường, thói quen sinh hoạt, những nơi đã đến của chủ tài khoản, từ đó lên kế hoạch thực hiện hành vi phạm tội.
Vài năm trở lại đây, mạng xã hội Facebook ngày càng được nhiều người Việt Nam lựa chọn. Không chỉ ở phạm vi cá nhân, nhiều công ty, tổ chức cũng chọn Facebook làm nơi giao lưu, quảng bá hình ảnh, sản phẩm của mình đến với mọi người. Chính vì vậy, một khi tài khoản Facebook đã bị đối tượng xấu xâm nhập, chiếm quyền điều khiển sẽ gây không ít phiền toái cho những người trong danh sách bạn bè.
Hoạt động trên không gian “ảo”, tội phạm có thể ngồi một chỗ nhưng gây án ở khắp nơi. Đặc biệt khi thương mại điện tử ngày càng phát triển, tội phạm mạng khai thác triệt để sự thiếu hiểu biết, nhẹ dạ cả tin của một bộ phận người dùng mạng xã hội, đưa ra những thông tin giả, đánh vào tâm lý ham rẻ và lòng tham của các nạn nhân, từ đó nghĩ ra các chiêu trò lừa đảo tinh vi khiến người dùng mắc bẫy hàng loạt.
Thượng tá Hà Thị Hằng khuyến cáo, lừa đảo trên mạng không cần tiếp xúc trực tiếp mà thông qua môi trường mạng, việc chiếm đoạt tài sản có thể thông qua các công cụ tài chính khác nhau như tài khoản ngân hàng, thẻ nạp điện thoại, cổng thanh toán điện tử... Tội phạm lừa đảo trên mạng có mục tiêu đa dạng, không chỉ chiếm đoạt tài sản mà còn đánh cắp thông tin cá nhân của người dùng để sử dụng vào các mục đích, âm mưu đen tối khác.
Trước tình trạng lợi dụng mạng xã hội để lừa đảo như hiện nay, người sử dụng mạng xã hội cần tỉnh táo và có biện pháp tự phòng ngừa cho bản thân. Nên hạn chế đăng tải những thông tin cá nhân như ngày sinh, số CMND, tài khoản ngân hàng... Khi nhận được các thông tin thông báo của các cơ quan, tổ chức, cá nhân... về việc trúng thưởng, khuyến mại, cần kiểm tra kỹ thông tin trên các website chính thức của đơn vị thông báo, không vội vàng thực hiện theo yêu cầu của đối tượng.
Khi người thân nhắn tin qua các ứng dụng Facebook, Zalo... nhờ giúp đỡ, cần trực tiếp gọi điện thoại lại để nói chuyện, xác nhận việc nhờ giúp để phòng tránh bị lừa đảo.
Tác giả: Minh Khánh
-
Xót xa những đứa trẻ ngày ngày chiến đấu với căn bệnh tan máu bẩm sinh
-
Bão Hato mạnh dần lên và tăng cấp, hướng vào Biển Đông
-
Bị bạn trai dọa tung “ảnh nóng”, thiếu nữ 17 tuổi uống thuốc diệt cỏ t.ự t.ử
-
Mải mê chụp ảnh đăng Facebook, nữ sinh 13 tuổi ch.ết đuối thương tâm
-
Những cặp đôi đầy sóng gió nhưng vẫn nắm tay nhau đi đến hạnh phúc khiến ai cũng ngưỡng mộ