Mẹ bầu muốn đẻ thường cực dễ, chuyển dạ không đau hãy nắm ngay 4 cách thở này

( PHUNUTODAY ) - Để giúp mẹ vượt qua những lo lắng, căng thẳng và có quá trình sinh nở tốt đẹp, cùng tham khảo 4 kiểu thở khi vượt cạn dưới đây và cùng tâp luyện nhé.

Kỹ thuật thở khi chuyển dạ mang lại lợi ích gì?

Thực tế, trong lúc vượt cạn, các mẹ cảm thấy rất đau nên dễ rơi vào tình trạng căng thẳng. Việc chống lại cơn đau bằng cách khóc lóc hay chửi bới chỉ khiến mẹ thêm stress, cổ tử cung không giãn nở tốt và càng khó sinh. Hít thở đúng cách còn giúp tăng tối đa hiệu quả hô hấp, giúp duy trì lượng oxy thỏa đáng cho mẹ và con.

Các bài tập thở và thư giãn giúp giảm tần suất và mức độ của các cơn đau đẻ.

Một số chuyên gia cho rằng nếu phụ nữ thực hiện những phương pháp này khi chuyển dạ thì có thể dễ dàng kiểm soát được cơ thể mình, giúp việc sinh con diễn ra nhanh chóng.

Nếu khi chuyển dạ thực hiện các bài tập thở chậm thì thai phụ sẽ điều khiển được các cơn co thắt tốt hơn.

Bên cạnh đó, những bài tập thở nhịp nhàng cũng có thể giúp giảm nguy cơ sinh mổ ở phụ nữ.

Cách thở để chuyển dạ không đàu, sinh thường cực dễ

Bài tập 1: Thở ngực chậm

Khi thấy cổ tử cung mở 2-6 cm, cơn co diễn ra trong khoảng 20-25 giây, tần số thưa, khoảng cách giữa các cơn co dài (khoảng 4-5 phút xuất hiện một cơn), bạn hãy thở ngực chậm để giữ sức và lấy nhiều oxy cho hai mẹ con.

Cách tiến hành: Bắt đầu cơn co, hãy hít thật sâu không khí qua mũi vào tận đáy phổi và thở ra bằng miệng để đẩy hết thán khí ra.

Nếu thực hiện đúng, bạn sẽ thở khoảng 9-11 lần/phút.

Bài tập 2: Thở ngực nông

Khi cổ tử cung mở 6-8 cm, các cơn co lúc này diễn ra mau hơn, mạnh hơn, kéo dài hơn (40- 50 giây/cơn), khoảng cách giữa các cơn khoảng 3 phút/ lần. Lúc này cơn đau tăng, nếu không ngồi được thì bạn có thể đứng.

Cách tiến hành:

• Khi bắt đầu cơn đau, hãy hít một hơi thật sâu qua mũi rồi thở ra bằng miệng.

• Sau đó thở ngắn qua miệng, nhịp thở ngắn dần theo mức tăng của cơn đau.

• Khi cơn đau đạt đỉnh điểm hơi thở nhanh, gấp, nối tiếp nhau.

• Khi cơn đau giảm, chuyển thở ngắn giống ban đầu.

• Hết cơn đau, hít thật sâu rồi thổi ra và cân bằng khí.

(Cách cân bằng khí: lấy hai tay chụm lại đặt dọc trước mũi miệng thổi dài hơi và hít không khí trong tay mình).

Khi tập thở kiểu này bạn sẽ cảm thấy hơi mệt, chóng mặt nhưng đây là hiện tượng sinh lí bình thường, không cần lo lắng.

Bài tập 3: Thở ngắn – nhanh – nông

Khi cổ tử cung đã mở 8- 10 cm, đầu thai nhi tụt xuống, làm chèn ép vào bàng quang, và trực tràng nên cảm giác đầu tiên của người mẹ là muốn rặn. Cơn đau dồn dập, rất mạnh (2-3 phút/cơn), cơn co kéo dài 50- 55 giây.

Khi này, bạn càng phải bình tĩnh hơn, thở để tránh rặn non có thể gây phù nề cổ tử cung gây khó khăn cho cuộc đẻ.

Cách tiến hành: Khi cơn co bắt đầu, hãy thở 3 lần bằng hơi thở ngắn, đến hơi thở thứ 4 thì thổi mạnh. Lặp lại 4 lần như vậy, lần thứ 5 thì hít vào, thổi ra từ từ. Sau đó cân bằng khí.

Lưu ý: Khi tập 3 bài tập trên, bạn cần áp dụng tư thế ngồi nghỉ của bà bầu đó là: Hai chân khoanh tròn trước mặt, không chân nào đè vào chân nào, đầu, lưng thẳng, hai vai xuôi, hai tay đặt nhẹ lên gối.

Nên ngồi tập nơi yên tĩnh và thoáng khí.

Bài tập 4: Thở khi rặn đẻ

Khi cổ tử cung mở trọn vẹn và người mẹ đã muốn rặn, hãy nhớ kỹ thuật thở khi rặn đẻ này. Mẹ nằm ngửa, người cong hình chữ C. Nữ hộ sinh lưu ý, mẹ không nên ngửa đầu ra la hay chống cơn đau bằng cách cắn môi đến chảy máu, vì như thế sẽ không đủ lực để tống bé ra ngoài.

Khi có cơn co, lấy 2 hơi thở sâu, kế đó hít một hơi dài, giữ hơi và bắt đầu rặn. Cách rặn giống như khi rặn đi vệ sinh. Khi rặn, mẹ nên tựa cằm vào ngực, mắt nhìn xuống rốn. Hết hơi, mẹ nên rặn tiếp và hít một hơi thở sâu khác. Giữ hơi và tiếp tục rặn, đến khi hết cơn co tử cung.

Chú ý khi rặn đẻ:

1. Mẹ bầu nên nhớ khi rặn đẻ, cằm phải tì xuống ngực để dồn ép không khí xuống dưới, giúp đẩy thai nhi ra ngoài dễ dàng hơn.

2. Mẹ nhất định nhớ rằng, không được gào thét kêu la to làm mất sức và thiếu không khí cho cả hai mẹ con. Làm theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.

Tác giả: Vũ Ngọc