Mua 1 chiếc ô tô mới năm 2024, bạn cần phải nộp những khoản thuế, phí nào?

( PHUNUTODAY ) - Rất nhiều người quan tâm nếu họ muốn mua xe ô tô trong năm 2024 thì cần phải nộp những khoản thuế phí nào, hãy cùng tìm hiểu.

Mua ô tô là việc lớn và là mục tiêu phấn đấu của nhiều gia đình hiện nay. Nếu như trong năm 2023, với những xe lắp ráp trong nước được giảm 50% thuế trước bạ thì trong năm 2024 chính sách có gì khác. Người dân sẽ phải nộp những khoản tiền gì để có thể sở hữu một chiếc ô tô năm 2024?

Thuế nhập khẩu

Thuế nhập khẩu được áp dụng cho xe ô tô chở người từ 9 chỗ trở xuống tại Việt Nam đang ở mức 70 - 80% đối với các dòng xe ô tô được nhập từ thị trường châu Âu và châu Mỹ cũng như các các nước khác.

Thuế nhập khẩu nguyên chiếc từ các nước trong khối ASEAN được giảm từ 30% về 0%. Tuy nhiên, hiện mức thuế này chỉ áp dụng với xe có tỷ lệ nội địa hóa trong khối từ 40% trở lên. Xe ô tô lắp ráp trong nước không phải chịu thuế nhập khẩu.

Công thức tính thuế nhập khẩu ô tô như sau:

Thuế nhập khẩu ô tô = Giá nhập khẩu x Thuế suất thuế nhập khẩu

Trong đó: Giá nhập khẩu bao gồm giá xuất xưởng, phí vận chuyển, các loại chi phí khác tùy vào từng quốc gia và đơn hàng.

Thuế tiêu thụ đặc biệt

Ngoài thuế nhập khẩu, khi mua ô tô còn phải chịu thêm thuế tiêu thụ đặc biệt. Loại thuế này thường được đánh vào những sản phẩm, dịch vụ được phép lưu hành nhưng không khuyến khích sử dụng.

Tại Việt Nam, tất cả mẫu xe ô tô dù được sản xuất trong nước hay nhập khẩu đều phải nộp thuế này. Mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe ô tô tại Việt Nam được áp dụng tùy vào dung tích xi lanh với mức thuế từ 35-150%. Đối với những dòng xe ô tô dưới 9 chỗ có dung tích xi lanh giảm từ 1.5L trở xuống, mức thuế tiêu thụ đặc biệt là 35%; dòng xe có dung tích xi lanh từ 1.5L-2L, mức thuế tiêu thụ đặc biệt là 40%; dòng xe có dung tích xi lanh từ 2.5L-3L, mức thuế tiêu thụ đặc biệt là 60%.

Thuế giá trị gia tăng

Thuế giá trị gia tăng cũng là một loại thuế được áp dụng với xe ô tô tại Việt Nam. Đây là loại thuế áp dụng cho tất cả các loại hàng hóa tại Việt Nam, không chỉ riêng ô tô.

Đối với ô tô, thuế giá trị gia tăng được tính 10% của giá sau khi đã có thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt.

Công thức tính thuế giá trị gia tăng ô tô nhập khẩu như sau:

Thuế giá trị gia tăng = (Thuế nhập khẩu + Thuế tiêu thụ đặc biệt + Giá nhập khẩu) x Thuế suất thuế giá trị gia tăng

Phí trước bạ

Với các loại xe ô tô dưới 10 chỗ, phí trước bạ phải đóng là 10-12% (tùy thuộc vào địa phương, khu vực nơi chủ xe đang sinh sống và thực hiện thủ tục đăng ký).

Trong nửa cuối năm 2023, Chính phủ đã ban hành chính sách miễn giảm phí trước bạ cho người mua xe lắp ráp, sản xuất trong nước khiến người mua xe ô tô trong thời gian quy định được lợi từ vài chục đến vài trăm triệu đồng.

Phí đăng ký và phí lấy biển số xe

Đăng ký biển số mới là việc cần thiết nhằm bảo vệ tài sản và quyền lợi cho chủ xe ô tô sau này như làm bảo hiểm xe, bảo hành xe, bảo dưỡng xe,… Đối với xe ô tô chở người dưới 9 chỗ, phí cấp mới biển số ô tô được áp dụng khác nhau theo từng địa phương. Trong đó, mức phí cao nhất là 20 triệu đồng (áp dụng cho khu vực I bao gồm Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh) và thấp nhất là 200.000 đồng.

Phí bảo hiểm dân sự

Phí bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự với chủ xe cơ giới là khoản tiền mà chủ xe cơ giới phải thanh toán cho doanh nghiệp bảo hiểm khi mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới theo Nghị định 03/2021/NĐ-CP.

Mức phí này thấp nhất là 437.000 đồng, được áp dụng cho loại phương tiện xe ô tô dưới 6 chỗ ngồi không kinh doanh vận tải.

Phí đăng kiểm

Kiểm định xe ô tô là quá trình kiểm tra chất lượng và độ an toàn của một xe có đáp ứng tiêu chí lưu thông an toàn trên đường hay không.

Theo quy định tại Thông tư số 238/2016 của Bộ Tài chính, phí đăng kiểm xe ô tô đối với mỗi loại xe là khác nhau dựa vào biểu giá dịch vụ được quy định đối với từng loại xe cụ thể.

Phí đường bộ

Phí đường bộ là một trong những loại phí mà chủ xe ô tô phải nộp để góp phần bảo trì, nâng cấp đường bộ.

Có 2 loại phí sử dụng đường bộ, là phí thu qua trạm thu phí BOT để hoàn vốn xây dựng các công trình giao thông khi ô tô lưu hành qua, và phí bảo trì đường bộ với mức 130.000-1.430.000 đồng/tháng tùy theo tải trọng xe.

Với xe ô tô mới đăng kiểm lần đầu, thì ngày mà phương tiện được cấp giấy chứng nhận đăng kiểm sẽ là mốc thời gian để xác định tính phí bảo trì đường bộ.

Riêng các xe cải tạo, chuyển đổi (chuyển đổi công năng hoặc chuyển đổi sở hữu) thì mốc thời gian được tính theo thời điểm xe được cấp giấy đăng ký mới. Thời điểm nộp phí bảo trì đường bộ có thể dựa vào chu kỳ đăng kiểm của xe, theo năm, theo tháng.

Ngoài ra, chủ xe sẽ phải chi trả các khoản tiền chi phí khác để vận hành xe ô tô như xăng dầu, gửi xe hay bảo dưỡng, sửa chữa.

Tác giả: Thạch Thảo