Căn cứ Điều 21 Luật Xử lý vi phạm hành chính và đối chiếu với quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP thì các hình thức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông bao gồm: Cảnh cáo; Phạt tiền; Tước giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn/đình chỉ hoạt động có thời hạn; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Theo đó, cảnh cáo là hình thức xử phạt hành chính nhẹ nhất, chủ yếu mang tính chất nhắc nhở, khiển trách nhằm mục đích giáo dục tránh tái phạm. Đối tượng bị áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo không được coi là có án tích và không bị ghi vào lý lịch tư pháp.
Theo Điều 22 Luật Xử lý vi phạm hành chính, cảnh cáo được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính nhỏ, lần đầu, có tình tiết giảm nhẹ hoặc đối với mọi hành vi vi phạm hành chính do người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện.
Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, các vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trong các trường hợp sau đây có áp dụng hình thức xử phạt là cảnh cáo:
Trường hợp 1: Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 250.000 - 500.000 đồng với cá nhân, từ 500.000 - 1.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi thi công trên đường bộ đang khai thác không treo biển báo thông tin công trình hoặc treo biển báo thông tin không đầy đủ nội dung theo quy định.
Trường hợp 2: Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 60.000 - 100.000 đồng đối với cá nhân thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau: Chăn dắt súc vật ở mái đường; buộc súc vật vào hàng cây hai bên đường hoặc vào cọc tiêu, biển báo, rào chắn, các công trình phụ trợ của giao thông đường bộ; tự ý leo trèo lên mố, trụ, dầm cầu.
Trường hợp 3: Phạt cảnh cáo người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự mô tô hoặc điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự ô tô.
Thực hiện một trong các hành vi nêu trên, cá nhân, tổ chức vi phạm có thể bị xử phạt hành chính không lập biên bản. Quyết định xử phạt được giao cho cá nhân, tổ chức bị xử phạt 01 bản.
Trường hợp người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi - dưới 16 tuổi bị xử phạt cảnh cáo thì quyết định xử phạt được gửi cho cha mẹ/người giám hộ của người đó.
5 trường hợp vượt đèn đỏ nhưng không bị xử phạt
Trong một số trường hợp đặc biệt, người điều khiển phương tiện vẫn được tiếp tục đi dù gặp đèn đỏ, cụ thể:
Khi có hiệu lệnh của người điều khiển giao thông
Theo Khoản 2 Điều 11 Luật Giao thông đường bộ 2008 và Khoản 4.1 Điều 4 QCVN 41:2019/BGTVT ban hành kèm theo Thông tư 54/2019/TT-BGTVT thì người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông nếu các hình thức báo hiệu có ý nghĩa khác nhau cùng ở một khu vực theo thứ tự sau:
- Hiệu lệnh của người điều khiển giao thông.
- Hiệu lệnh của đèn tín hiệu.
- Hiệu lệnh của biển báo hiệu.
- Hiệu lệnh của vạch kẻ đường và các dấu hiệu khác trên mặt đường.
Theo nguyên tắc, khi đi đường gặp đèn đỏ thì phải dừng xe, chờ đến khi đèn chuyển sang màu xanh mới tiếp tục được đi tiếp. Tuy nhiên, nếu CSGT hướng dẫn cho phép được đi thẳng khi có đèn đỏ thì người đi đường phải chấp hành sự điều khiển này.
Xe ưu tiên đang làm nhiệm vụ
Theo Điều 22 Chương II Luật Giao thông đường bộ năm 2008, xe ưu tiên khi đi làm nhiệm vụ sẽ không bị hạn chế tốc độ, được phép tiếp tục di chuyển kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ. Trong đó, các xe ưu tiên bao gồm: Xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ; Xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường; Xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu; Xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật.
Có vạch kẻ kiểu mắt võng
Theo Quy chuẩn QCVN 41:2019/BGTVT, vạch kẻ kiểu mắt võng có màu vàng, gồm các vạch đan xen với nhau, được bố trí ở làn xe trong cùng của đường đi. Vạch này được sử dụng để báo cho người điều khiển không được dừng phương tiện trong phạm vi phần mặt đường có bố trí vạch để tránh ùn tắc giao thông. Trong khu vực vạch này, các phương tiện không được phép dừng đỗ mà phải tiếp tục di chuyển.
Có đèn tín hiệu, biển báo cho phép tiếp tục di chuyển
Khi có đèn tín hiệu hoặc biển báo cho phép, người tham gia giao thông được phép rẽ hoặc đi thẳng dù có đèn đỏ:
- Đèn tín hiệu ưu tiên lắp kèm theo đèn tín hiệu giao thông thông thường chuyển màu xanh, các phương tiện được rẽ trái hoặc rẽ phải theo hướng mũi tên
- Có biển phụ được đặt dưới cột đèn giao thông cho phép các xe được rẽ trái, rẽ phải hoặc đi thẳnng khi gặp đèn đỏ. Tuy nhiên, phải nhường đường cho các loại phương tiện đi từ các hướng khác đang được phép đi và người đi bộ qua đường.
Vượt đèn đỏ trong một số tình huống đặc biệt
Tại Điều 11 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định rõ, người thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong các trường hợp sau sẽ không bị xử phạt:
- Thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong tình thế cấp thiết.
- Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do phòng vệ chính đáng.
- Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất ngờ.
- Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất khả kháng.
- Người thực hiện hành vi vi phạm hành chính không có năng lực trách nhiệm hành chính; người thực hiện hành vi vi phạm hành chính chưa đủ tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.
Nếu việc vượt đèn đỏ do các nguyên nhân nêu trên thì người vi phạm sẽ không bị CSGT xử phạt hành chính.
Tác giả: Thạch Thảo
-
Sang tên sổ đỏ cho con: Nên cho tặng hay thừa kế là tốt nhất, theo luật đất đai mới năm 2023?
-
Năm 2023: 7 đối tượng dù là con ruột cũng không được hưởng thừa kế nhà đất từ cha mẹ
-
Những tiện lợi khi sử dụng VNeID
-
5 trường hợp bị thu hồi sổ đỏ năm 2023, người dân mua bán đất biết mà tránh
-
Sổ hộ khẩu giấy hết hạn sử dụng: Người dân nhớ làm ngay việc này kẻo "ăn" phạt