Khi tham gia BHYT 5 năm liên tục, người bệnh chỉ phải chịu 6 tháng lương cơ sở, số tiền viện phí chênh lệch còn lại được nhận ở cơ quan BHXH gần nhất.
Trên báo Pháp Luật Thành Phố Hồ Chí Minh có đăng tải một trường hợp như sau:
“Người quen của tôi, chị MMH, là một bà mẹ đơn thân, nuôi 3 con còn đang tuổi ăn học. Con trai trai út của chị, năm nay 9 tuổi, bị bệnh từ nhỏ, 2 năm gần đây tái phát nặng bệnh viêm phổi và suy giảm miễn dịch, hiện đang phải nhập viện điều trị.
Năm vừa rồi, chi phí điều trị cho con rất cao, chị phải vay mượn khắp nơi để đóng viện phí cho con. Sau khi xuất viện chị phải đóng cho bệnh viện gần 30 triệu đồng. Với công việc giúp việc theo giờ để chị có thể thuận tiện vừa chăm con bệnh vừa kiếm tiền nuôi cả gia đình đủ ăn đã là rất khó khăn thì số tiền 30 triệu đồng với chị rất là lớn.
Đầu năm nay, con chị lại nhập viện điều trị, khi xuất viện chị lại phải đóng tiếp gần 20 triệu tiền viện phí. Chị không biết xoay tiền đâu nên đành phải vay “nóng” của tín dụng đen để đóng. Đến bây giờ chị chưa trả xong nợ.
Tháng 6 vừa rồi, con chị lại nhập viện tiếp, bệnh viện yêu cầu đóng tạm ứng, chị lo sợ không biết số tiền lần này chị phải đóng bao nhiêu nữa? Không biết có xoay được tiền để đóng viện phí cho con hay không?
Khi nghe câu chuyện của chị, tôi hỏi chị có biết gì về quyền lợi khi tham gia BHYT 5 năm liên tục hay không thì chị trả lời là từ trước đến giờ chưa bao giờ biết về quyền lợi này.
Chị MMH chia sẻ: “Mình vừa phải đi làm, vừa phải chăm con bệnh nên chả có thời gian đọc báo nên cũng không biết đến quyền lợi khi tham gia BHYT 5 năm liên tục. Bây giờ biết về quy định này, mình sẽ liên hệ với cơ quan bảo hiểm xã hội để làm thủ tục ngay, mong rằng sẽ được nhận lại tiền để có tiền tiếp tục chữa bệnh cho con.”
Ngày 29-6, chị MMH đã liên hệ với cơ quan Bảo hiểm xã hội quận 4 để được thanh toán lại số tiền cùng đồng chi trả mà con chị được hưởng khi tham gia BHYT năm năm liên tục.
Sau khi, tiếp nhận hồ sơ, chị được hướng dẫn về nhà chờ kết quả giải quyết sau.
Ngay ngày được nhận hồ sơ, chị nhận được cuộc gọi từ nhân viên BHXH hẹn đến 21-7 sẽ có kết quả và tiền sẽ được chuyển vào tài khoản ngân hàng. Số tiền mà chị sẽ được nhận là hơn 11 triệu.
Đồng thời, nhân viên BHXH còn cho biết con chị cũng sẽ được thêm cấp giấy xác nhận miễn đồng chi trả và khi nào có sẽ có người gọi đến lấy.
Nhân viên BHXH cũng giải thích thêm, khi có giấy miễn đồng chi trả, những lần điều trị sau chị chỉ cần cung cấp giấy này cho bệnh viện. Lúc ấy, bệnh viện sẽ tự động trừ chi phí điều trị chứ không cần phải lên cơ quan BHXH để được thanh toán lại như lần đầu.
"Phải chi biết được quy định này sớm hơn thì cũng đỡ được bao nhiêu chi phí nằm viện. Năm ngoái, con chị nằm viện số tiền 20% bệnh nhân chi trả chị phải đóng tổng cộng tới gần 30 triệu. Nếu biết được quy định này từ năm ngoái thì chị cũng đỡ được 20 triệu tiền viện phí, số tiền đó bằng nhiều tháng chị đi làm vất vả...”- chị MMH nói.
Nghe chị kể tôi vừa vui vừa tiếc cho chị, phải chi biết được quy định này sớm hơn thì cuộc sống của chị cũng đỡ phần vất vả hơn một chút.
Tôi hỏi những người xung quanh tôi có biết gì về quyền lợi khi tham gia bảo hiểm y tế được 5 năm liên tục hay không thì nhiều người lắc đầu không biết gì. Ngay cả bản thân tôi nếu không đọc bài báo trên thì cũng không thể biết được quyền lợi này. Những người không hay đọc báo thì khó mà biết được quyền lợi mà đáng lẽ ra họ được hưởng.
Vì việc thanh toán lại tiền đồng chi trả được thực hiện trong năm. Nếu bệnh nhân điều trị trong năm mà năm sau mới làm thủ tục nhận thì sẽ không được giải quyết.
Do đó, tôi mong có thêm nhiều người biết đến quyền lợi của họ được hưởng khi tham gia BHYT.”
Vậy, câu hỏi đặt ra là cần làm gì để hưởng quyền lợi cao nhất khi tham gia BHYT?
Điều kiện hưởng BHYT 5 năm liên tục
Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc BHXH TP.HCM, đã chia sẻ một số nội dung xoay quanh những quyền lợi khi tham gia BHYT năm năm liên tục.
Nghị định 146/2018 có quy định về thời gian tham gia BHYT liên tục là thời gian sử dụng ghi trên thẻ BHYT lần sau nối tiếp lần trước, trường hợp gián đoạn tối đa không quá ba tháng.
Như vậy, khi chuyển sang đối tượng tham gia BHYT khác và thời gian tham gia không bị gián đoạn quá ba tháng thì người dân vẫn được tính tham gia BHYT năm năm liên tục.
+ Người bệnh muốn được hưởng BHYT năm năm liên tục phải đáp ứng ba điều kiện
Thứ nhất, có thời gian tham gia BHYT năm năm liên tục trở lên.
Thứ hai, số tiền cùng chi trả chi phí KCB trong năm lớn hơn sáu tháng lương cơ sở. Mức lương cơ sở hiện nay là 1.490.000 đồng và từ ngày 1-7-2023 tăng lên 1,8 triệu đồng. Số tiền cùng chi trả là khoản tiền mà người bệnh có BHYT phải cùng chi trả với cơ quan BHXH theo tỉ lệ phần trăm được hưởng của loại thẻ BHYT.
Ví dụ, thẻ BHYT có mức hưởng 80% thì người bệnh phải đồng chi trả 20% trong tổng chi phí thuộc phạm vi thanh toán của BHYT.
Thứ ba, người tham gia phải đi KCB đúng tuyến hoặc theo diện cấp cứu.
Đa phần những trường hợp hưởng quyền lợi năm năm liên tục là những người bệnh mạn tính, bệnh nặng có chi phí điều trị cao.
Thủ tục hưởng quyền lợi BHYT cao nhất
+ Khi đáp ứng những điều kiện trên, người bệnh chỉ cần mang những giấy tờ có liên quan như các hóa đơn thanh toán đối với số tiền cùng chi trả; thẻ BHYT; giấy tờ tùy thân có ảnh đến nộp tại cơ quan BHXH gần nhất.
Sau khi tiếp nhận, cơ quan BHXH sẽ thanh toán phần chênh lệch số tiền đồng chi trả cho người dân. Đồng thời sẽ cấp giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm và cập nhật trên hệ thống để người bệnh không phải thanh toán phần cùng chi trả như lần trước.
Cần lưu ý, việc thanh toán số tiền đồng chi trả BHYT được thực hiện trong cùng năm.
+ Nếu người bệnh có số tiền cùng chi trả lũy kế trong năm tài chính tại các cơ sở KCB khác nhau hoặc tại cùng một cơ sở lớn hơn sáu tháng lương cơ sở thì Quỹ BHYT sẽ thanh toán 100% chi phí KCB trong phạm vi quyền lợi.
Ví dụ: Bà A tham gia BHYT liên tục đủ năm năm và có tổng chi phí cùng chi trả trong năm là 20 triệu đồng.
Như vậy, khi bà A mang hóa đơn đến cơ quan BHXH thì sẽ được thanh toán lại số tiền cùng chi trả là 20 triệu đồng - 8.940.000 đồng (sáu tháng lương cơ sở) = 11.060.000 đồng và được cấp giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm.
Tác giả: Thạch Thảo
-
3 mốc tuổi bắt buộc phải đổi CCCD trong năm 2023: Duy nhất 1 đối tượng dùng vô thời hạn
-
Cách xuất trình giấy tờ bằng VNeID người dân cần biết để không thiệt thòi
-
Thời hạn cuối cùng để đổi CMND sang CCCD, người dân biết để không bị phạt
-
Năm 2023: 3 trường hợp thẻ BHYT không có giá trị sử dụng, ai cũng nên biết rõ
-
Từ nay tới hết năm 2023: Ai chưa làm sổ đỏ thì làm ngay vì 2 lý do này, để không thiệt thòi