“Về nhà không lo lắng về bài tập, chỉ biết cắm mặt vào chơi game cả ngày” - có lẽ đây là câu nói quen thuộc của nhiều bậc phụ huynh, không chỉ ở một quốc gia mà khắp nơi trên thế giới. Trước đây, trò chơi điện tử thường bị coi là một thú vui không cần thiết, tiềm ẩn nguy cơ nghiện ngập và có nhiều tác hại hơn là lợi ích. Thế nhưng, trong thời điểm hiện tại, khi game đã được công nhận như một môn thể thao chính thức với các giải đấu cấp quốc tế, và trở thành một nghề đầy hứa hẹn với những chương trình đào tạo chuyên nghiệp, có lẽ nhiều người sẽ cần thay đổi cách nhìn nhận của mình.
Thu nhập ấn tượng nhưng đang thiếu hụt nhân lực trầm trọng
Trong những năm gần đây, nhiều quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam đã đẩy mạnh việc phát triển ngành thể thao điện tử (Esport). Các game thủ chuyên nghiệp không chỉ được săn đón nhiệt tình mà còn thu hút một lượng lớn người hâm mộ, nổi bật không kém gì những ngôi sao giải trí, với mức thu nhập vô cùng cao.
Lương của những tuyển thủ Esport hàng đầu có thể đạt con số hàng triệu NDT, bao gồm lương cơ bản, phụ cấp và thưởng từ các thành tích đạt được. Những game thủ nổi tiếng còn có thể kiếm nguồn thu nhập khổng lồ thông qua việc nhận quảng cáo và tham gia các hợp đồng livestream. Theo thông tin từ truyền thông Hàn Quốc, mức lương của game thủ Esport nổi tiếng như Faker (Lee Sang-hyeok) lên tới 7 tỷ won mỗi năm (tương đương hơn 130 tỷ VND), chưa tính đến các hợp đồng quảng cáo và những hoạt động thương mại khác.
Theo thông tin từ tờ Nhật báo Quang Minh của Trung Quốc, các chính quyền địa phương tại quốc gia này đang không ngừng triển khai nhiều chính sách hỗ trợ cho lĩnh vực thể thao điện tử. Tại Thâm Quyến, các sự kiện và giải đấu cấp quốc gia cũng như quốc tế sẽ nhận được khoản hỗ trợ lên tới 5 triệu NDT (hơn 17 tỷ đồng).
Dữ liệu năm 2022 cho thấy, doanh thu từ ngành thể thao điện tử ở Trung Quốc đạt 144,5 tỷ NDT (tương đương hơn 500 nghìn tỷ đồng), với khoảng 488 triệu người dùng tham gia. Sự phát triển mạnh mẽ này chỉ ra rằng ngành thể thao điện tử đang bùng nổ tại đất nước đông dân nhất thế giới.
Mặc dù là một ngành đang thu hút sự chú ý mạnh mẽ, Viện Khoa học Nhân sự Trung Quốc cảnh báo rằng hiện tại nước này vẫn thiếu hụt hơn 1 triệu nhân tài cho lĩnh vực Esport. Tình trạng thiếu hụt này buộc các bậc phụ huynh phải xem xét lại giá trị của công việc trong ngành, khi việc chơi game đúng cách giờ đây có thể mang đến không chỉ thu nhập cao mà còn cả sự nổi tiếng cho những ai theo đuổi sự nghiệp trong lĩnh vực này.
Hướng tới những trường đại học hàng đầu để theo đuổi đam mê Thể thao điện tử
Khi Trung Quốc chú trọng phát triển bộ môn Thể thao điện tử và tích cực đưa ngành này vào chương trình đào tạo chính quy tại các trường đại học, học sinh nước này đang có thêm nhiều lựa chọn cho sự nghiệp tương lai. Không chỉ là những trường nghề hay cao đẳng, giờ đây, các bạn có cơ hội vào những trường đại học danh tiếng để theo đuổi niềm đam mê chơi game.
Hiện nay, nhiều cơ sở giáo dục hàng đầu như Đại học Truyền thông Trung Quốc, Đại học Truyền thông Nam Kinh và Học viện Hý kịch Thượng Hải đã triển khai các chuyên ngành liên quan đến Thể thao điện tử để phát triển tài năng trong lĩnh vực này.
Ngành Thể thao điện tử không chỉ dừng lại ở việc chơi game, mà còn mở ra nhiều con đường nghề nghiệp khác đang cần nhân lực, bao gồm Phân tích Thể thao điện tử, bình luận viên Esport, thiết kế sân khấu cho Esport, và quản lý trong lĩnh vực thể thao điện tử.
Những ai đam mê theo đuổi sự nghiệp chuyên nghiệp trong Thể thao điện tử thường tập trung vào những giải đấu lớn trong nước và vươn ra quốc tế. Để đạt được điều này, họ cần được định hướng và trải qua quá trình đào tạo chính quy để phát triển kỹ năng của mình.
Tại Việt Nam, ngành Thể thao điện tử cũng đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt khoảng 30.000 nhân lực. Ngoài Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) với chuyên ngành Thiết kế và Phát triển Game, Trường Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu nghị (UTM) mới đây đã trở thành ngôi trường đầu tiên tại Việt Nam đào tạo chuyên ngành Esport, với hi vọng góp phần giải quyết bài toán thiếu hụt nhân lực cho ngành này.
Các chuyên ngành đào tạo liên quan đến Thể thao điện tử (Esport) tại các trường đại học Trung Quốc:
- Quản lý Đội tuyển Esport: Chuyên ngành này tập trung vào việc lựa chọn tuyển thủ, xây dựng chương trình tập luyện, tư vấn tâm lý cho các game thủ và phân tích các chiến thuật thi đấu hiệu quả.
- Tổ chức và Vận hành Thi đấu Esport: Học viên sẽ học cách lập kế hoạch cho các sự kiện, sắp xếp lịch thi đấu, bố trí địa điểm, triển khai đội ngũ nhân sự và kiểm tra thiết bị kỹ thuật nhằm đảm bảo các trận đấu diễn ra suôn sẻ.
- Phát sóng và Bình luận Trực tiếp: Nội dung học bao gồm việc thực hành bình luận và phát sóng các trận đấu Esport, giúp sinh viên nâng cao khả năng diễn đạt, hiểu biết về trò chơi và kỹ năng ứng biến trong tình huống thực tế.
- Phân tích Dữ liệu Trò chơi: Chuyên môn này liên quan đến việc thu thập, tổ chức và phân tích dữ liệu từ các trò chơi Esport để hỗ trợ trong việc phát triển chiến lược đội và đánh giá hiệu suất của từng người chơi.
- Các môn học bổ sung khác: Sinh viên còn được đào tạo về sản xuất chương trình thể thao điện tử, vận hành các địa điểm thi đấu Esport, tiếp thị trong lĩnh vực thể thao điện tử, công tác trọng tài và thực hành kinh doanh liên quan đến thể thao điện tử.
Những chuyên ngành này không chỉ đem lại kiến thức cơ bản mà còn giúp sinh viên trang bị những kỹ năng cần thiết để nắm bắt cơ hội trong ngành công nghiệp thể thao điện tử đang phát triển nhanh chóng.
Tác giả: Trần Thu Thủy
-
Ngành học có điểm chuẩn thuộc top đầu: Nhiều cơ hội việc làm với mức lương lên tới 50 triệu đồng/tháng
-
Ngành học ‘vàng’ đang thiếu 30.000 người: Cơ hội việc làm lương cao 35 triệu/tháng
-
Ngành học ‘siêu hot’ chỉ 1 trường đào tạo: Cơ hội việc làm hấp dẫn, lương lên tới 50 triệu đồng/tháng
-
Ngành học ‘hot’ nhất hiện nay: Dễ xin việc, lương cao nhưng ít ai biết đến
-
Ngành học nghe tên đã oách, lương cơ bản không dưới 10 triệu/tháng