Ngoài sổ bảo hiểm xã hội, sau khi nghỉ việc phải lấy loại giấy tờ này để được hưởng trợ cấp thất nghiệp

( PHUNUTODAY ) - Sau khi nghỉ việc, người lao động cần một loại giấy tờ quan trọng để nhận được trợ cấp thất nghiệp.

Cần có giấy nghỉ việc để được hưởng trợ cấp thất nghiệp

Theo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, thành phần của hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp bắt buộc phải có giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động.

Cụ thể, theo Điều 16 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP; sửa đổi, bổ sung tại khoản 6 Điều 1 Nghị định 61/2020/NĐ-CP, hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp:

- Đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định;

- Giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc;

- Sổ BHXH.

Trong đó, giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc là phức tạp nhất. Giấy tờ này bao gồm 7 loại, người lao động chỉ cần cung cấp 1 trong số 7 loại giấy tờ được quy định. Người lao động có thể cung cấp bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu.

Các loại giấy tờ này được quy định tại Điều 16 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung tại khoản 6 Điều 1 Nghị định 61/2020/ND-CP. Cụ thể 7 loại giấy tờ xác nhận việc chấm dứt hợp đồng lao động gồm:

- Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động;

- Quyết định thôi việc;

- Quyết định sa thải;

- Quyết định kỷ luật buộc thôi việc;

- Thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc;

- Xác nhận của người sử dụng lao động trong đó có nội dung cụ thể về thông tin của người lao động, loại hợp đồng lao động đã ký, lý do, thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động;

- Xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về doanh nghiệp hoặc hợp tác xã giải thể, phá sản hoặc quyết định bãi nhiệm, cách chức đối với các chức danh được bổ nhiệm trong trường hợp người lao động là người quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.

Trường hợp không có giấy xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động

Quy trình xác minh sẽ phức tạp hơn trong trường hợp người lao động không có các giấy xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động do đơn vị sử dụng lao động không có người đại diện theo pháp luật và người được đại diện theo pháp luật ủy quyền.

Đầu tiên, Sở LĐ-TB&XH hoặc BHXH cấp tỉnh gửi văn bản yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư xác nhận đơn vị sử dụng lao động không có người đại diện theo pháp luật hoặc không có người được người đại diện theo pháp luật ủy quyền.

Sở KH&ĐT có trách nhiệm phối hợp với cơ quan thuế, cơ quan công an, chính quyền địa phương nơi đơn vị sử dụng lao động đặt trụ sở chính thực hiện xác minh nội dung đơn vị sử dụng lao động không có người đại diện theo pháp luật hoặc không có người được người đại diện theo pháp luật ủy quyền.

Tiếp đó, Sở KH&ĐT gửi văn bản trả lời cho Sở LĐ-TB&XH và BHXH cấp tỉnh về nội dung đơn vị sử dụng lao động không có người đại diện theo pháp luật hoặc không có người được người đại diện theo pháp luật ủy quyền trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu xác nhận của Sở LĐ-TB&XH hoặc BHXH cấp tỉnh.

Đối với rường hợp người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo hợp đồng lao động mùa vụ hoặc hợp đồng theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng thì có quy định riêng. Giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp này là bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu của hợp đồng đó.

Công thức tính tiền trợ cấp thất nghiệp

Khoản 1 Điều 8 Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH quy định mức trợ cấp thất nghiệp nhận được hàng tháng được tính theo công thức sau:

Mức trợ cấp thất nghiệp hàng tháng = Mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp x 60%.

Trường hợp những tháng cuối cùng trước khi thất nghiệp, người lao động có thời gian gián đoạn đóng bảo hiểm thất nghiệp thì 06 tháng liền kề để tính mức hưởng trợ cấp thất nghiệp là bình quân tiền lương của 06 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp trước khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật.

Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người lao động theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng với người lao động theo chế độ tiền lương của doanh nghiệp tư nhân.

Tác giả: Thanh Huyền