Bà là người phụ nữ đầu tiên và duy nhất đỗ tiến sĩ trong thời đại phong kiến nước nhà, được người dân ca tụng là “Bà Chúa Sao Sa”.
Bà là Nguyễn Thị Duệ (1574-1654), còn có tên Ngọc Hoàn (Ngọc Du), hiệu là Diệu Huyền, sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống hiếu học ở Kiệt Đặc (nay là phường Văn An, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương).
Người phụ nữ giả trai đi thi và đỗ Trạng nguyên năm 20 tuổi
Từ nhỏ, bà Duệ đã vô cùng thông minh, lại thêm nhan sắc xinh đẹp hơn người nên cha mẹ đã mời thầy giỏi họ Cao về để dạy bà học.
Người dân Hải Dương đến nay vẫn kể cho nhau nghe những câu chuyện về tài năng của bà Duệ. Năm Quang Hưng thứ 15 - Mạc Bảo Định nguyên niên 1592, quân Lê - Trịnh chiếm được Thăng Long buộc quân Mạc phải rút về phía Đông thuộc trấn Hải Dương.
Đến đầu năm Quang Hưng thứ 16, quân Lê - Trịnh tiếp tục chiếm được vùng Hải Dương, trọng tâm là Nam Sách, Chí Linh nên nhà Mạc lại phải chạy lên Cao Bằng và lập căn cứ tại đây trên nửa thế kỷ.
Khi nhà Mạc mở khoa thi Hội, bất chấp quy định con gái không được học hành thi cử, bà Nguyễn Thị Duệ đã giả trai để dự khoa thi Tiến sĩ năm Giáp Ngọ (1594).
Kết quả bà đỗ đầu, trong khi chính thầy dạy chỉ đỗ thứ hai. Thầy Cao không khỏi cảm thán trước sự tài hoa của bà: "Màu xanh từ màu lam mà ra, thế mà lại đẹp hơn màu lam". Vậy là, tròn 20 tuổi bà trở thành nữ Trạng nguyên đầu tiên và duy nhất trong lịch sử khoa bảng thời phong kiến của Việt Nam.
Tương truyền, trong buổi Ngự yến đãi các tân khoa, vua Mạc vô cùng ấn tượng với Trạng nguyên Nguyễn Ngọc Du vì mặt hoa da phấn, thân hình mảnh mai, sóng mắt long lanh nên sinh lòng ngờ vực.
Sau khi hỏi rõ sự tình, vua vô cùng kinh ngạc khi biết Trạng nguyên là con gái. Tuy nhiên, ngài không những không trách phạt mà còn khen ngợi, cho lấy lại tên cũ và bổ nhiệm bà vào vị trí Lễ quan trong cung, chuyên dạy chữ và lễ nghi cho các cung tần, thị nữ.
Sau đó, nhờ nhan sắc và trí tuệ hơn người mà vua Mạc cảm mến, phong bà làm Tinh Phi, ý ca ngợi vẻ đẹp và sự thông tuệ của bà tự như ngôi sao sa. Cũng từ phong hiệu này mà về sau, hậu thế tôn bà làm "Bà Chúa Sao Sa".
Khi Cao Bằng thất thủ và vua Mạc bị quân Lê - Trịnh bắt về Thăng Long vào năm 1625, bà vào rừng ẩn náu trong một ngôi chùa nhỏ ở phía đông Cao Bằng, vừa làm trụ trì chùa, vừa dạy học và dạy lễ nghĩa cho con em dân bản.
Tuy nhiên, sau đó bà đã bị quân Trịnh bắt được và giải đến trước chúa Trịnh. Cảm phục khí tiết của bà, chúa Trịnh đưa bà về Thăng Long phong làm Chiêu Nghi - đứng trên các cung tần. Trong sách Đại Nam nhất thống chí có ghi chép lại rằng: "Vua Lê triệu vào dạy cung nữ, phong cho tước hiệu là Nghi Ái quan".
Một người phụ nữ hết lòng vì nước, vì dân
Bà không chỉ là nữ Trạng nguyên duy nhất của khoa bảng phong kiến Việt Nam mà còn có nhiều đóng góp cho nền giáo dục đương thời. Bà rất quan tâm đến việc thi cử, bồi dưỡng nhân tài cho quốc gia.
Phần lớn các kỳ thi Đình, thi Hội, tất cả bài vở đều qua tay bà chấm chọn. Bà thường viện dẫn nghĩa lý kinh sử, sự tích cổ kim rành mạch. Các biểu sớ, văn bài thi Đại khoa chúa đều nhờ bà khảo duyệt lại.
Dân gian nay vẫn còn lưu truyền giai thoại về Bà. Năm Đức Long thứ 3 (1631), bà làm Giám khảo kỳ thi Tiến sĩ, được tổ chức tại làng Mao Điền, Hải Dương. Kì thi có sự tham dự của rất nhiều sĩ tử tài năng, trong đó có sĩ tử Nguyễn Minh Triết (sau gọi là Nguyễn Thọ Xuân), quê tại Hải Dương. Bài thi gồm 12 câu mà trò Triết chỉ làm 4 câu, nhưng 4 câu cực kỳ xuất sắc. Các quan không nỡ đánh trượt, bèn tâu lên vua, vua Lê bèn hỏi ý kiến bà Duệ.
Sau khi đọc bài, bà thấy hay bèn tâu vua: "Bài văn làm được 4 câu mà hay còn hơn làm hết 12 câu mà không hay, triều đình cần người thực tài chứ không cần kẻ nịnh bợ". Nhà vua cảm phục, bèn chấm cho Nguyễn Minh Triết đỗ Tiến sĩ Khoa Tân Mùi.
Bà Nguyễn Thị Duệ được coi là người khởi đầu hình thức đào tạo từ xa của đất nước. Bà soạn ra các bộ đề thi rồi gửi về địa phương để tổ chức thi. Sau khi kết thúc, bài thi sẽ được gửi lên cho bà chấm, sau đó kết quả được gửi trở lại các địa phương.
Bà cũng là người khuyến khích phong trào học tập, giúp đỡ học trò nghèo hiếu học, đề cao các nhân tài giúp nước. Đó là hình thức khuyến học đầu tiên của nước ta.
Là một vị quan thanh liêm, bà Nguyễn Thị Duệ thương dân như con. Khi đất nước gặp thiên tai, địch họa, bà xin triều đình phát chẩn cứu đói, cấp nhiều mẫu ruộng tốt, canh tác lấy hoa lợi.
Theo những gì sử sách ghi lại, một lần dự yến tiệc trong Hoàng cung, bà Duệ quen với hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc (vợ vua Lê Thần Tông). Từ đấy, hai bà trở thành đôi bạn tri kỷ. Hàng tháng, bà cùng Hoàng hậu đi lễ chùa để gặp các nhà tu hành cũng là những người học nhiều, biết rộng, đồng thời gặp gỡ các sĩ phu Bắc hà - những nhà chân nho thực tài như Thám hoa Giang Văn Minh, Thám hoa Phượng Thế Hiền,... nên biết được tình hình trong nước và những bất bình trong bộ phận dân chúng.
Nhờ vậy, bà Duệ không chỉ giúp vua kịp thời điều chỉnh chính sách an dân mà còn khôn khéo khuyên vua bớt xa xỉ, trừng trị nghiêm bọn tham quan, cường hào nhằm thu phục lòng tin yêu của dân.
Khi bước sang tuổi 70, bà Duệ xin được trở về Chí Linh an dưỡng tuổi già. Tại quê hương của mình, bà đã dựng am Đàm Hoa để ở, đọc sách, tĩnh tu và dạy dỗ các sĩ tử trong làng. Vua Lê ban bổng lộc cho bà bằng số thuế hằng năm của tổng Kiệt Đặc nhưng bà dành hết cho việc công ích và trợ giúp người nghèo, chỉ lấy một khoản nhỏ để chi tiêu.
Năm 1654, bà qua đời, hưởng thọ 80 tuổi. Dân địa phương lập đền thờ và tôn bà làm phúc thần. Trên mộ bà có xây một ngọn tháp tên "Tinh Phi cổ tháp", có khắc mười chữ "Lễ Phi sinh thông tuệ, nhất kính chiếu tam vương", nghĩa là "Lễ phi là người thông tuệ, một gương soi chiếu ba vua".
Tác giả: Dương Ngọc
-
Ai được coi là "Thánh nhân Đệ nhất tiên tri" trong lịch sử Việt Nam?
-
Nàng Công chúa có số phận éo le nhất sử Việt: 7 tuổi kết hôn, đang mang thai lại bị gả cho em chồng
-
Chử Đồng Tử nhường khố cho cha mặc, đã cưới được con gái vua Hùng như thế nào?
-
Vị vua Hùng nào có tới 2 chàng rể xuất chúng, đều là thánh 'tứ bất tử' của Việt Nam?
-
Vị hoàng hậu nổi tiếng xinh đẹp và quyền lực, nhưng tham lam, keo kiệt nhất lịch sử Trung Hoa