Ngày giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 âm lịch hằng năm là thời điểm người đân Việt Nam bày tỏ đạo lý uống nước nhớ nguồn, thể hiện lòng tri ân tới các vị vua Hùng có công dựng nước.
Nhắc tới các vị vua Hùng, người ta thường nhắc đến Hùng Vương thứ 18. Đây chính là vị vua được nhắc đến nhiều trong các câu truyện dân gian, gắn với các nhân vật huyền thoại của dân tộc Việt.
Theo sách Ngọc phả Hùng Vương (do do Hàn lâm trực học sĩ Nguyễn Cố phụng mệnh vua Lê Thánh Tông biên soạn vào năm 1470), Hùng Vương thứ 18 có hiệu là Hùng Tuyền Vương.
Sách kể rằng, đến đời Tuyền Vương, cơ đồ họ Hùng đã đi đến hồi kết thúc. Nhà vua không sinh được con trai. Thời điểm đó, vua cùng các quần thần đi thăm cung tiên ở Tam Đảo, Tản Viên. Nhà vua cho dựng các điện miếu, cầu phúc cầu con. Sau đó, vua chiêm bao thấy điềm rắn lớn và sinh được hai người con gái xinh đẹp, chị là Mỵ Châu Tiên Dung, nàng em là Mỵ Nương Ngọc Hoa.
Khi Mỵ Nương Ngọc Hoa lớn, vua Hùng muốn tìm một anh hùng tuấn kiệt làm rể. Ông bèn truyền hịch cho nhân tài khắp bốn phương đến kinh thành trổ tài. Nhà vua sẽ gả Mỵ Nương Ngọc Hoa cho người chiến thắng. Lúc bấy giờ, hào kiệt khắp nơi kéo đến rất đông nhưng người có tài này ở mặt này thì lại mất mặt khác khiến nhà vua mãi chưa tìm được chàng rể ưng ý.
Đến lúc quá hạn dự thi, hai chàng trai có nhiều pháp thuật itnh thông tìm đến. Một người tên là Sơn Tinh, người còn lại tên là Thủy Tinh. Hai người tâu lên nhà vua: "Chúng thần thẹn nỗi kém tài, trộm nghe thánh thượng mở khoa thi kén rể hiền, tuy đến muộn nhưng vẫn muốn được thi tài”.
Vua Hùng thấy vậy bèn đặc cách lên xe đến sông Bạch Hạc để hai người cùng trổ tài. Sơn Tinh ngồi ở đầu sông, Thủy Tinh xuống đáy nước.
Chỉ trong một khoảng khắc, mây mưa nổi lên, đáy nước vang tiếng động âm ầm. Lúc này, giao long, kình ngạc, rùa, cá theo sóng cuồn cuồn tung lên từng đoàn. Chứng kiến cảnh này, mọi người có phần hơi run sợ.
Trong lúc đó, Sơn Tinh tay trái cầm quyển sách, tay phải cầm trượng, miệng niệm chú. Chàng chỉ tay vào đâu thì nói đó xuất hiện muôn nghìn kỳ quái ngăn nước lũ.
Nhận thấy hai chàng trai này ngang tài ngang sức, không biết nên chọn ai làm rể, nhà vua bèn đưa ra thử thách: "Ai đem sính lễ đến trước thì trẫm gả cho người ấy".
Trong khi Sơn Tình xuống lầu cầm gậy trúc chỉ lên trời nhẩm xin Ngọc Hoàng ban các lễ vật làm sính lễ theo yêu cầu của nhà vua thì Thủy Tinh trở về thủy cung ở Động Đình để tìm lễ vật. Vừa đúng giờ Tý (lúc nửa đêm), Sơn Tinh đã mang lễ vật đến gặp vua Hùng. Nhà vua giữ đúng lời hứa, gả công chúa cho Sơn Tinh.
Mãi đến giờ Mão, Thủy Tinh mới đến. Thấy công chúa đã được gả cho Sơn Tinh, Thủy Tinh tức giận, kết thù, hằng năm đều dâng lũ nhưng bị Sơn Tinh dùng phép thuật ngăn lại. Nhờ đó, trăm dân cùng mùa màng được bảo vệ.
Cũng theo Ngọc phả Hùng Vương, về phần Mỵ Châu Tiên Dung, nàng được gả cho Chử Đồng Tử (người xã Đa Hòa, huyện Đông Yên, phủ Khoái Châu xứ Sơn Nam).
Dân gian kể rằng, Chử Đồng Tử là chàng ngư phủ có cuộc sống vô cùng nghèo khó. Chàng nghèo đến mức cái khố duy nhất đã dùng để liệm cho cha nên không còn gì để mặc. Ngày ngày, Chủ ngâm mình trong nước kiếm cá bán và bán cho các thuyền đi qua để lấy tiền.
Một hôm, công chúa Tiên Dung đi thuyền qua chỗ Chử đang bắt cá. Thấy thuyền công chúa, chàng vội vùi mình trong cát để trốn. Thuyền ghé vào bờ, Tiên Dung sai người quây màn ở bụi lau để tắm. Không ngờ, chỗ nàng tắm chính là chỗ Chử Đồng Tử đang nấp. Nước xối làm trôi cát khiến thân hình của chàng trai dần lộ ra.
Tiên Dung hỏi han sự tình, thấy chàng trai này hiền lành, hiếu thảo, thật thà, khôi ngô nên tỏ ý yêu thích và quyết định nên duyên vợ chồng.
Vua Hùng tức giận không cho Tiên Dung trở về cung. Nàng cùng chồng buôn bán, tạo nên một vùng sầm uất. Một lần, Chử Đồng Tử đi buôn gặp được tiên ông nên ở lại học đạo. Sau này, chàng về truyền dạy cho vợ. Cả hai quyết định để lại gia sản cho mọi người và cùng nhau chu du khắp nơi.
Cả hai người con rể của vua Hùng thứ 18 là Sơn Tinh và Chử Đồng Tử đều là thánh được người Việt tôn kính. Đây chính là 2 trong 4 vị thánh "tứ bất tử" trong tín ngưỡng của người Việt (hai người còn lại là Thánh Gióng và Mẫu Liễu Hạnh).
Sơn Tinh là Tản Viên Sơn Thánh, tức Đức Thánh Tản. Vị thánh này là biểu tượng cho ước vọng chinh phục tự nhiên, chiến thắng thiên tai của người Việt xưa. Ngày nay, rất nhiều nơi có đền thờ Đức Thánh Tản, trong đó đền Và ở Sơn Tây, Hà Nội và các đền ở núi Ba Vì được biết đến nhiều nhất.
Chử Đồng Tử còn được gọi là Chử Đạo Tổ, được coi là người đi tiên phong trong việc thụ phép thần tiên để tế độ, truyền dạy cho nhân dân. Nhân vật này tượng trưng cho lòng hiếu thảo, tình yêu, hôn nhân và sự giàu có, sung túc.