Những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 8/2022: Liên quan tới tiền lương, thu phí

( PHUNUTODAY ) - Từ tháng 8, nhiều chính sách mới chính thức có hiệu lực.

Rút một phần tiền tiết kiệm gửi trước hạn vẫn được hưởng lãi cao

Có hiệu lực từ ngày 1/8/2022, Thông tư 04/2022/TT-NHNN đã điều chỉnh nhiều quy định liên quan đến việc áp dụng lãi suất rút trước hạn tiền gửi tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài so với trước đây nhằm đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền.

Theo đó, Thông tư mới đã làm rõ khái niệm rút trước hạn tiền gửi là trường hợp khách hàng rút một phần hoặc toàn bộ tiền gửi trước ngày đến hạn, ngày chi trả hoặc ngày thanh toán của khoản tiền gửi.

Nếu rút tiền gửi trước hạn, khách hàng sẽ nhận được mức lãi suất như sau:

Rút trước hạn toàn bộ tiền gửi: Áp dụng lãi suất tối đa bằng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất của tổ chức tín dụng theo đối tượng khách hàng và theo loại đồng tiền đã gửi.

Rút trước hạn một phần tiền gửi: Phần tiền gửi rút trước hạn: Áp dụng mức lãi suất tối đa bằng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất của tổ chức tín dụng theo đối tượng khách hàng và theo loại đồng tiền đã gửi.

Phần tiền gửi còn lại: Áp dụng mức lãi suất đang áp dụng đối với khoản tiền gửi mà khách hàng rút trước hạn một phần.

Như vậy, nếu khách hàng rút trước hạn một phần tiền gửi có kỳ hạn thì chỉ phần rút trước hạn này chịu lãi suất không kỳ hạn thấp nhất, còn phần tiền gửi còn lại vẫn được ngân hàng giữ nguyên mức lãi suất đang áp dụng.

Trong khi đó, theo quy định hiện hành, khách hàng không được rút một phần tiền gửi mà phải rút toàn bộ sổ tiết kiệm. Một khi đã rút toàn bộ tiền gửi thì khách hàng sẽ chỉ được thanh toán mức lãi suất tối đa bằng mức lãi suất không kỳ hạn thấp nhất tại ngân hàng đó. Có thể thấy, so với quy định cũ, cách tính lãi khi rút một phần tiền gửi trước hạn đã giúp người gửi tiết kiệm đỡ thiệt hơn rất nhiều.

Ấn định hệ số lương với viên chức của một số ngành

Theo Thông tư 02/2022/TT-BVHTTDL, từ ngày 15/8/2022, viên chức chuyên ngành thư viện được ấn định hệ số lương từ 1,86 đến 7,55. Với mức lương cơ sở đang được áp dụng hiện nay là 1,49 triệu đồng/tháng, mức lương của viên chức thư viện sẽ dao động từ 2.771.400 đồng đến 11.249.500 đồng.

Cũng từ ngày 15/8/2022, mức lương của viên chức chuyên ngành công nghệ thông tin, an toàn thông tin sẽ thực hiện theo quy định tại Thông tư 08/2022/TT-BTTTT. Theo đó, các viên chức này được áp dụng hệ số lương dao động từ 1,86 đến 8,00.

Tương ứng với đó, mức lương trả cho viên chức chuyên ngành công nghệ thông tin, an toàn thông tin sẽ từ 2.771.400 đồng đến 11.920.000 đồng. Cũng trong tháng 8 tới, viên chức chuyên ngành văn hóa cơ sở cũng thực hiện xếp lương theo quy định mới là Thông tư 03/2022/TT-BVHTTDL, có hiệu lực từ ngày 25/8/2022.

Theo Thông tư này, viên chức văn hóa cơ sở có hệ số lương dao động từ 1,86 đến 6,38, tương đương mức lương từ 2.771.400 đồng đến 9.506.200 đồng.

Thu phí không dừng trên các tuyến cao tốc

Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 19/7/2022 về đẩy nhanh tiến độ dán thẻ định danh đối với xe ô tô để sử dụng dịch vụ thu phí theo hình thức điện tử không dừng. Chỉ thị nêu rõ: Để đẩy nhanh tiến độ dán thẻ định danh đối với phương tiện xe ô tô, nhằm phát huy tối đa hiệu quả hệ thống thu phí ETC theo đúng yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết số 62/2022/QH15 ngày 16/6/2022, góp phần giảm ùn tắc giao thông và minh bạch trong hoạt động thu phí, tiến tới xóa bỏ hình thức thu phí một dừng (dùng tiền mặt), Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; đề nghị người đứng đầu các cơ quan và tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội ở trung ương và địa phương tiếp tục chỉ đạo dán thẻ định danh đối với toàn bộ phương tiện xe ô tô thuộc phạm vi quản lý của cơ quan, đơn vị theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 155/CĐ-TTg ngày 22/02/2022.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu không sử dụng hình thức thu phí một dừng (dùng tiền mặt) kể từ ngày 1/8/2022. Các trường hợp không dán thẻ ETC mà cố tình đi vào cao tốc, người điều khiển ô tô sẽ bị phạt từ 2 - 3 triệu đồng; đồng thời bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng.

Hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ 40 triệu đồng để xây mới nhà ở

Đây là nội dung tại Thông tư số 01/2022/TT-BXD hướng dẫn thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, có hiệu lực từ ngày 15/8/2022. Đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo sau đây được hỗ trợ xây nhà mới 40 triệu đồng/hộ; sửa chữa nhà 20 triệu đồng/hộ: Hộ nghèo, hộ cận nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025) trong danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo do UBND cấp xã quản lý, đang cư trú trên địa bàn huyện nghèo và là hộ độc lập có thời gian tách hộ đến khi Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 có hiệu lực thi hành tối thiểu 3 năm. Đối tượng thụ hưởng hỗ trợ nhà ở không bao gồm các hộ đã được hỗ trợ nhà ở thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và các chương trình, đề án, chính sách khác.

Không phân loại chất thải rắn sinh hoạt, bị phạt đến 1 triệu đồng

Đây là một trong những nội dung hoàn toàn mới được ghi nhận tại Nghị định 45/2022/NĐ-CP, áp dụng từ ngày 25/8/2022. Cụ thể, khoản 1 Điều 26 Nghị định này quy định: Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định. Ngoài ra, Nghị định 45 cũng bổ sung thêm rất nhiều hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường sẽ bị phạt trong thời gian sắp tới như: - Hành vi đốt ngoài trời phụ phẩm từ cây trồng cạnh khu vực dân cư, sân bay, các tuyến giao thông chính bị phạt từ 2,5 - 3 triệu đồng. - Hành vi thải chất gây mùi khó chịu, hôi thối vào môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải dưới 1,1 lần trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm hành chính nhiều lần bị phạt từ 1 - 3 triệu đồng.

Đốt rơm rạ gần sân bay, khu dân cư có thể bị phạt tới 3 triệu đồng

Đây là một trong những nội dung hoàn toàn mới được ghi nhận tại Nghị định số 45/2022 của Chính phủ. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 25/8.

Cụ thể, khoản 1 Điều 26 quy định: Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.

Ngoài ra, Nghị định 45 cũng bổ sung thêm nhiều hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường sẽ bị phạt trong thời gian sắp tới như:

- Hành vi đốt ngoài trời phụ phẩm từ cây trồng cạnh khu vực dân cư, sân bay, các tuyến giao thông chính bị phạt 2,5-3 triệu đồng.

- Thải chất gây mùi khó chịu, hôi thối vào môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải dưới 1,1 lần trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm hành chính nhiều lần bị phạt 1-3 triệu đồng

- Để rò rỉ, thải hóa chất độc vào môi trường đất, nước trái quy định về bảo vệ môi trường bị phạt 40-50 triệu đồng.

SIM số mới phải xác thực với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

Ngày 15/6, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo 174 về Kết luận của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp về kết nối thông tin thuê bao với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Theo đó, từ 1/8, các thuê bao di động mới phát sinh phải thực hiện xác thực với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm giải quyết tình trạng sử dụng SIM rác.

Trong đó, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, các doanh nghiệp viễn thông thống nhất quy trình thực hiện cấp số thuê bao mới; rà soát cơ sở pháp lý và lựa chọn các giải pháp đối soát, xác thực thông tin thuê bao, đảm bảo không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp viễn thông và các ngành, nghề kinh doanh có liên quan sử dụng số điện thoại di động.

Tác giả: Vũ Ngọc