Phong tục cải táng khởi nguồn từ thời Bắc thuộc khi quan lại và thương lái Trung Quốc chết tại Nam mà gia đình có nhu cầu đưa xương cốt về chính quốc. Về sau thành lệ và thành phong tục. Ngoài ra, cũng do yếu tố địa lý Đồng bằng Bắc Bộ phần nhiều là đất pha cát phù xa, khi chôn người chết xuống phần nhiều là tiêu hết thịt (thậm chí có chỗ đất còn hao cả xương nếu không cải táng thì chỉ còn đất) mà cát phù xa thì bẩn nên phải tắm rửa thay áo. Trong khi đó gỗ áo quan chôn trên đất tại Đồng Bằng Bắc Bộ nhanh hỏng và hay xập ván thiên bởi mùa lũ thì đầy nước, mà mùa cạn thì khô, mối lại hay tụ lại trên chỗ đất cao (mồ mả hay cao hơn ruộng) nên hay xông vào áo quan.
Thầy Thích Trí Thịnh – Trụ trì chùa Kim Sơn Lạc Hồng (ở Công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hoà Bình) cho biết: Cải táng mộ phần là thể hiện sự hiếu thảo của gia đạo, mong muốn đem lại những gì tốt đẹp nhất cho người quá cố. Công việc này phải được thực hiện trước khi ánh mặt trời mọc, thường kéo dài từ đêm cho đến khoảng 5 – 6h sáng vì người xưa quan niệm, khi mặt trời chiếu vào, phần cốt sẽ bị sạm và đen; nghĩa là ánh dương chiếu vào phần cốt sẽ không được tốt”
Tuy nhiên, đối với những phần mộ hoả táng, được đậy trong hũ kín nên hoạt động di chuyển có thể diễn ra trong ban ngày.
Đối với người Việt, điều quan trọng nhất trong việc cải táng, sang cát là phải xem tuổi của người đứng ra làm (trưởng họ, con trưởng) trong năm có ý định sang cát có phù hợp để thực hiện. Thời gian tốt nhất trong năm để tiến hành cải táng là từ cuối Thu đến trước ngày Đông Chí của năm.
Thời điểm không nên tiến hành cải táng
Trước khi tiến hành cải táng, gia đình phải kiểm tra mộ phần, xem đã đủ thời gian cải táng chưa, mộ đó có kết hay phạm trùng không? Mộ kết là những ngôi mộ sau một thời gian hoặc vừa chôn, đất đùn lên ngày một to khác thường. Đây có thể là do tính chất vật lý của đất. Có nhiều cách để kiểm tra mộ kết như bằng các phương pháp cảm xạ, ngoại cảm, cảm nhận trường khí…
Khi gặp trường hợp mộ kết thì tốt nhất là để nguyên không được dịch chuyển vì sẽ gây ra vô vàn rắc rối trong cuộc sống của cả dòng họ. Sẽ chuyển cát thành hung, biến vượng thành lụi, từ lụi bại kinh tế đến sức khoẻ, mọi điều trong cuộc sống.
Một loại khác người ta thường hay nhầm với mộ kết là mộ bị phạm trùng. Có nhiều loại trùng nhưng biểu hiện rõ nhất tại mộ là xác chôn qua nhiều năm không tan. Có những khu vực có hàng loại mộ chôn tới hàng chục năm xác cũng còn gần như nguyên vẹn.
Tác giả: Hồ Thị Huyền Trang