Những lời Phật dạy về chữ Hiếu - Cho dù bạn là ai cũng cần đọc 1 lần trong đời

( PHUNUTODAY ) - Hiếu thảo là một đức tính mà Phật pháp luôn đề cao. Dưới đây là những lời Phật dạy về chữ Hiếu - Cho dù bạn là ai cũng cần đọc 1 lần trong đời.

1. Đức Phật dạy:

" Hiếu với Mẹ Cha tức là kính Phật ."

Nếu ở đời không có Phật thì hãy khéo thờ cha mẹ. Khéo phụng thờ Cha mẹ như phụng thờ Phật vậy (Kinh Đại Tập)

2. Đức Phật dạy ân đức cha mẹ có 10 điều:

a. ân giữ gìn mang thai trong 9 tháng .

b. ân sinh sản khổ sở

c. ân sinh rồi quên lo

d. ân nuốt đắng nhổ ngọt

e. ân nhường khô nằm ướt

g. ân bú mớm nuôi nấng

h. ân tắm rửa chăm sóc

i. ân xa cách thương nhớ

k. ân vì con làm ác

l. ân thương mến trọn đời . (Kinh Báo Ân Cha Mẹ)

3. “Hiếu thuận đối với cha mẹ, Sư trưởng, chư Tăng, đối với Tam bảo - sự hiếu thuận phù hợp chánh pháp chí thượng, sự hiếu thuận ấy gọi là giới, cũng gọi là năng lực chế ngự, đình chỉ mọi sự tội lỗi”. Cho nên đạo Phật còn gọi là Đạo Hiếu. (Kinh Phạm Võng)

4. Vai trái cõng cha, vai phải cõng mẹ, cắt da đến xương, nghiền xương thấu tuỷ, máu đổ thịt rơi cũng không đáp được công ơn cha mẹ

Giả như có ai gặp lúc đói khát, phá hoại thân thể, cung phụng cha mẹ cũng không đáp được công ơn cha mẹ.

Vì cha mẹ mà trăm kiếp nghìn đời, đâm tròng con mắt, cắt hết tâm can, trăm nghìn dao sắc xuất nhập toàn thâncũng không trả nỗi công ơn cha mẹ.

Dù vì cha mẹ, đốt thân làm đèn cúng dường chư Phật cũng không đáp được công ơn cha mẹ. (Kinh Báo Ân Cha Mẹ)

Ảnh minh họa. 

5. “Cùng tột điều thiện không gì hơn hiếu

Cùng tột điều ác không gì hơn bất hiếu”. (Kinh Nhẫn Nhục)

6. Vui thay hiếu kính mẹ

Vui thay hiếu kính cha

Vui thay kính Sa môn

Kính bậc thánh vui thay (Kinh Pháp Cú)

7. "Phạm Thiên, này các Tỳ kheo, là đồng nghĩa với Mẹ Cha; các Đạo sư ngày xưa, này các Tỳ kheo, là đồng nghĩa vói Mẹ Cha, đáng được cúng dường, này các Tỳ kheo, là đồng nghĩa với Mẹ Cha. Vì cớ sao? Giúp đỡ rất nhiều, này các Tỳ kheo là Mẹ Cha đối với con cái, nuôi chúng lớn, dưỡng dục chúng, giới thiệu chúng vào đời"(Tăng Chi I, 147).

8. “Mẹ hiền còn sống là mặt trời giữa trưa chói sáng

Mẹ hiền khuất bóng là mặt trời đã lặn

Mẹ hiền còn sống là mặt trăng sáng tỏ

Mẹ hiền khuất rồi là đêm tối âm u.” (Kinh Tâm Địa Quán)

9. “Từ vô lượng kiếp đến nay, chúng sanh lang thang trong nẻo luân hồi, bỏ thân này nhận thân khác, sinh đi sinh lại bao lần, sữa mẹ mà chúng ta đã uống còn nhiều hơn nước trong bốn biển”. (Kinh Tương Ưng)

10. Nầy các Tỳ kheo! Những gia đình nào có con cái kính dưỡng cha mẹ thì những gia đình ấy được chấp nhận ngang bằng với phạm thiên, được chấ nhận như ngang bằng với bậc Đạo sư, đáng được kính trong và cúng dường (Tăng Chi Bộ)

Trong các kinh điển Phật Giáo Nam Tông và Bắc Tông đều đề cao công ơn cha mẹ . Kinh tăng Chi Phật dạy :"Có hai hạng người , này các Tỳ kheo , ta nói không thể trả ơn được đó là mẹ và cha". Đối với bất thứ tình cảm nào rồi cũng nhạt phai với thời gian , chỉ có tình Mẹ thương con là ngàn năm bất tận. Trái tim Mẹ là một kỳ quan của vũ trụ , nước mắt của Mẹ nhiều hơn biển Thái Bình Dương . Mẹ thương con vô bờ bến và không bao giờ đặt điều kiện. Mẹ thương con dù con bao nhiêu tuổi già thậm chí hư đốn hay thất bại ê chề ngoài xã hội , Mẹ vẫn thương con cho đến giây phút cuối cùng của đời Mẹ. Đối với Cha tình thương cũng không kém gì Mẹ , nhưng Cha cứng rắn , thương con bằng lời răn dạy , bao gồm cả roi vọt , lo cho con tiền bạc để ăn học , hướng dẫn đạo đức và lối sống thế nào cho con trưởng thành ra đời một cách vững vàng khi thành người ngoài xã hội .Bởi vì người con có làm gì đi nữa , lòng của người con đối với cha mẹ không thể sánh được lòng của cha mẹ đối với con cái , đúng như ca dao nước ta có câu :" Mẹ thương con biển hồ lai láng , con thương mẹ tính tháng tính ngày". Vì vậy, khi đề cập đến công ơn cha mẹ , các kinh đều cho rằng khó đền đáp nổi , là dựa vào tâm thức của người con đối với cha mẹ có giới hạn . Trong khi Cha đủ can đảm chỉ cho con thấy sự sai lầm để xa lánh , trái lại với Mẹ lại ôm ấp , che chở những lỗi lầm mà không hề trách mắng , đó cũng là sự tai hại cho con . Câu tục ngữ :

"Thương cho roi cho vọt , ghét cho ngọt cho bùi"

Không phải vì Mẹ cho ngọt khi con phạm lỗi mà gọi là ghét , đó chẳng qua tình yêu quá lớn mà không nở chỉ trích cái lỗi của con . Trong khi Cha cứng rắn và đôi khi sẵn sàng cho roi vọt để dạy con , đó cũng là vì thương con không muốn cho con bị hư hỏng . Cho nên con cái nhìn vào đó mà nghĩ rằng Mẹ không đánh đập mình nên thương hơn , điều đó không đúng và sau này khi có gia đình , con cái thì người con mới biết giá trị của tình thương người Mẹ , người Cha khác nhau và giá trị đều bằng nhau .

Vì thế , Chữ HIẾU trong đạo Phật vô cùng quan trọng. Đạo Phật cũng được gọi là Đạo HIẾU , hằng năm vào dịp Rằm Tháng 7 Âm Lịch hầu hết các chùa Việt Nam đều tổ chức Lễ Vu Lan để Phật tử có dịp cầu nguyện cho hương linh Cửu Huyền Thất Tổ được siêu sinh tịnh độ và Cha Mẹ hiện tiền có được đời sống trường thọ , an lành, hưởng nhiều phước lộc.

Lễ Vu Lan bắt nguồn từ chuyện Ngài Mục Kiền Liên, một đệ tử của Đức Phật Thích Ca, có mẹ là Bà Mục Liên Thanh Đề đã gây nhiều tội ác thuở sinh thời, nên khi chết bị đọa vào địa ngục, làm ngạ quỷ đói khổ. Trong Kinh Vu Lan kể chuyện:

Ngài Mục Kiền Liên sau khi đắc đạo, chứng quả A La Hán đã vận dụng thiên nhãn để tìm mẹ, ngày rất xót thương thấy mẹ bị đọa trong địa ngục. Ngài về bạch Phật và xin chỉ dạy cách cứu mẹ. Phật dạy, ngày rằm Tháng Bảy là ngày Tự Tứ của Chư Tăng, sau ba tháng an cư kiết hạ, quý Chư Tăng có tâm rất thanh tịnh, nhờ vậy lời chú nguyện có nhiều năng lực giải trừ tội lỗi, ách nạn. Vào ngày Rằm Tháng Bảy nên đem lễ vật cúng dường và xin Chư Tăng, hiền thánh cầu nguyện cho mẹ, thì cha mẹ quá vãng cũng như hiện tiền đều được nhiều phước đức.

Ngài Mục Kiền Liên làm như lời Phật dạy. Ngay sau đó mẹ Ngài, Bà Mục Liên Thanh Đề được thoát kiếp ngạ quỷ và sinh lên cõi Trời. Lời chú nguyện của các chư tăng coi như một bài kinh giảng, nếu vong linh nghe theo, xả bỏ sân hận, phát tâm từ bi hỹ xã thì ngay sau đó sẽ thoát cảnh địa ngục. Từ đó Phật Tử theo gương Ngài Mục Kiền Liên tổ chức Đại Lễ Vu Lan vào ngày Rằm Tháng Bảy để cầu nguyện cho cha mẹ.

Tác giả: Vân Tiên