Những thói quen giới trẻ thường mắc phải gây ra chứng thiếu máu não nguy hiểm

( PHUNUTODAY ) - Thiếu máu não ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cũng như không đảm bảo hoạt động sống bình thường cho giới trẻ hiện nay.

Thiếu máu não là tình trạng giảm lưu lượng máu đến não, dẫn tới giảm cung cấp oxy và các chất dinh dưỡng nuôi não làm tế bào thần kinh thiếu năng lượng hoạt động, ảnh hưởng đến cấu trúc, sự tồn tại và phát triển của hệ thần kinh trung ương.

Khi bị thiếu máu não, bạn sẽ dễ bị đau đầu, ù tai, chóng mặt, giảm khả năng tập trung, nhanh mệt mỏi, dễ cáu gắt... Nặng hơn có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như tổn hại mô não, thiếu máu não cục bộ, liệt não thậm chí đột quỵ não dẫn đến tử vong cao.

Do đó, bạn cần kiểm tra ngay mình có mắc phải các thói quen này hay không và khắc phục kịp thời để não không bị nguy hại bạn nhé.

Nằm gối quá cao

Kê gối cao khiến đầu cao hơn thân người quá nhiều nên cản trở máu lưu thông từ tim lên não. Hơn nữa, khi kê gối quá cao, cổ của bạn sẽ bị gấp khúc ngay đốt sống cổ làm chèn ép dây thần kinh ở gáy nên ảnh hưởng đến quá trình tuần hoàn máu lên não lâu dần gây ra tình trạng thiếu máu não nguy hiểm.

Do đó, khi ngủ bạn không nên chọn gối quá cứng, đặc biệt độ cao gối chỉ nên khoảng 8 - 10cm là tốt nhất. Gối cao hơn 15cm sẽ rất hại sức khỏe nhé.

Cúi đầu dán mắt vào điện thoại cả ngày

Cúi đầu dán mắt vào điện thoại lâu ngày sẽ gây tổn thương đốt sống cổ và là nguyên nhân hàng đầu gây thiếu máu não. Hơn nữa, khi bạn cúi đầu nhiều giờ liền như vậy cũng làm cho đốt sống cổ bị cong gây chèn ép các dây thần kinh nên quá trình máu di chuyển lên não bị chậm lại. Đó là lý do vì sao sau vài giờ dùng điện thoại bạn thường cảm thấy xây xẩm, chóng mặt.

Vì thế, bạn nên hạn chế lướt điện thoại cả ngày, và khi dùng cũng nên tránh tư thế cúi đầu quá thấp để máu lưu thông lên não tốt hơn.

Ăn nhiều dầu mỡ, chất béo

Nếu bạn là người thường xuyên tiêu thụ các thực phẩm nhiều chất béo xấu, nhiều dầu mỡ sẽ dễ dẫn đến tình trạng hình thành các mảng xơ vữa trong thành mạch. Các mạch máu bị xơ vữa sẽ gây hẹp lòng mạch nên ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình tuần hoàn máu. Máu lưu thông khó khăn lâu ngày không đủ để cung cấp cho não nên dẫn đến tình trạng thiếu máu não nguy hiểm.

Do đó, bạn nên hạn chế các thực phẩm nhiều dầu mỡ, thay vào đó thì nên tăng cường thêm rau xanh, trái cây. Rau xanh, trái cây có tác dụng hóa giải chất béo xấu nên giúp hạn chế tối đa các tác hại đến sức khỏe.

Ngồi máy tính nhiều

Ngồi máy tính cả ngày cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu máu não. Do khi bạn ngồi và chỉ chăm chú nhìn về 1 hướng, cơ cổ không được vận động nên ảnh hưởng đến quá trình tuần hoàn máu não.

Do đó, khi ngồi máy tính lâu, bạn nên đặt máy tính ngang tầm nhìn và thường xuyên vận động cơ cổ, xoa bóp cổ, xoay cổ qua trái phải nhiều lần cũng giúp máu lưu thông tốt hơn.

Làm gì để phòng bệnh?

Để phòng bệnh thiếu máu não, cần chuẩn bị tốt khẩu phần ăn cung cấp đầy đủ các nguyên liệu tạo máu.

Bổ sung chất đạm, sắt. Các axit amin này có nhiều ở thịt nạc, cá, trứng, các loại sữa, đậu nành…Bên cạnh đó, việc chế biến thức ăn cho người thiếu máu cũng cần phải phối hợp cân đối giữa thịt và các loại rau củ. Những loại thực phẩm chứa nhiều chất sắt và chất khoáng vi lượng trong gan gà, gan heo, bò, vịt, thận, tim, huyết của gà, vịt, heo; thịt nạc của bò, dê, gà, vịt, lòng đỏ trứng; hải sản như ngao, sò, hến, cá và các loại đậu.

Tăng cường các thực phẩm chứa nhiều vitamin: Vitamin B12 trong các thực phẩm giàu chất đạm, vitamin C trong rau cải, trái cây tươi. Những thực phẩm chứa vitamin C cần sử dụng khi còn tươi, sống hoặc nấu vừa chín để không bị hao mất vitamin.

Dùng viên bổ sung chất sắt: uống viên nang bổ sung chất sắt có thể gây khó chịu ở dạ dày, gây buồn nôn và táo bón vì thế nên uống thuốc sau khi đã ăn no và nên ăn nhiều rau xanh và hoa quả.

Tập luyện thể thao thường xuyên: Những phương pháp luyện tập như đi bộ, khí công, dưỡng sinh, yoga, thái cực quyền, luyện thở là lựa chọn tốt nhất giúp cung cấp thêm dưỡng khí cho não cũng như toàn thân.

Để phòng bệnh thiếu máu não chúng ta cần có chế độ nghỉ ngơi và làm việc khoa học, không để tình trạng căng thẳng kéo dài; tránh những chất kích thích như bia, rượu, cà phê... và có lối sống khoa học với những hoạt động giải trí lành mạnh.

Tác giả: Vũ Hồng Loan