Trong Đông y, quả cam có vị ngọt, chua, tính mát, tác dụng giải khát, thanh nhiệt, tiêu đờm, sinh tân dịch, mát phổi, lợi tiểu.
Theo Y học hiện đại, nước cam có chứa nhiều vitamin và khoáng chất tốt cho cơ thể.
Khoảng 240 ml nước cam cung cấp 110 calo, 2g protein, 26g carbs, 67% lượng vitamin C, 15% lượng folate, 10% kali và 6% magie cơ thể cần cho một ngày.
Uống nước cam có lợi cho việc phục hồi sức khỏe. Ngoài ra nó còn giúp chống lão hóa, tăng khả năng miễn dịch của cơ thể, phòng ngừa bệnh mỡ máu, tim mạch...
4 thời điểm không uống nước cam
Không uống nước cam khi đói
Nước cam chứa nhiều axit, uống khi đói sẽ làm ảnh hưởng đến niêm mạc dạ dày.
Không uống ngay trước khi đánh răng
Lượng axit trong nước cam sẽ bám lên bề mặt răng. Dưới tác động chà xát của bàn chải, men răng có thể sẽ bị tổn thương. Do đó, bạn không nên đánh răng ngay sau khi uống nước cam.
Nếu lỡ uống nước cam, bạn nên súc miệng thật sạch để loại bỏ axit bám trên răng sau đó mới đánh răng.
Không uống nước cam sau khi uống sữa
Protein trong sữa sẽ phản ứng với axit tartaric và vitamin C trong nước cam từ đó ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa và dẫn tới các hiện tượng như chướng bụng, đau bụng, tiêu chảy...
Hạn chế uống nước cam vào buổi tối
Nước cam có tác dụng tân dịch, lợi tiểu. Uống vào buổi tối có thể khiến bạn đi tiểu đêm và mất ngủ.
Ngoài ra, buổi tối là thời điểm cơ thể nghỉ ngơi, ít vận động, không tốn nhiều năng lượng, uống nước cam có thể gây dư thừa calo, làm bạn tăng cân.
Thời điểm tốt nhất để uống nước cam
Thời điểm tốt nhất để uống nước cam là vào buổi sáng. Bởi lúc này cơ thể cần nhiều dinh dưỡng và năng lượng để hoạt động.
Ngoài ra, bạn nên uống nước cam sau khi ăn 1-2 giờ đồng hồ để cơ thể hấp thu dưỡng chất hiệu quả nhất.
Tác giả: Thanh Huyền