Của cải dù to lớn như núi, nhưng cái miệng ăn lâu ngày cũng hết, phúc đức dù cực khổ gieo tạo nhiều đời, nhưng do cái miệng tạo nghiệp, nói lời ác ý với người khác thì lại khiến đức đó tiêu tan đi mất. Có người thắc mắc sao mình làm ơn mà lại bị măc oán, họ không biết rằng cũng có thể do chính cái miệng của họ thường hay kể công, mắng mỏ, áp đặt người khác.
Trong cuộc sống, ta thấy có người khi nói dù chỉ một lời, ai nghe thấy cũng ưa, cũng thương mến, có cảm tình, tin tưởng được và cũng đều nghe và làm theo. Cũng có người khi mở miệng nói, dù có nói nhiều cũng không ai tin, không ai muốn nghe, không ai ưa thích. Có những người khi nói thường đem lại sự êm ái, mát dịu trong tâm hồn người nghe, làm cho người nghe có cảm giác như vừa uống được một dòng nước mát.
Cũng có những người khi nói làm cho người nghe phải khó chịu, bực bội. Do đó lời nói rất là quan trọng, có ảnh hưởng rất lớn trong cuộc sống hằng ngày của tất cả mọi người chúng ta. Vì vậy Đức Phật dạy chúng sinh phải thực hành khẩu nghiệp sao cho không gây nên nghiệp ác, tức là ăn nói phải đúng pháp để tránh nghiệp dữ do lời nói gây ra, tức là phải thực hành các điều lành về khẩu nghiệp.
Câu chuyện về việc tu dưỡng
Vương Dương Minh là một nhà tư tưởng nổi tiếng đời Minh. Có một lần, ông cùng học trò ra ngoài du ngoạn. Bên đường có hai người đang cãi nhau kịch liệt.
Một người mắng: “Ngươi thật không biết thiên lý là gì”.
Người kia phản bác: “Ngươi mới thật là không có lương tâm”.
Cậu học trò liền quay sang nói với Vương Dương Minh: “Thầy xem, họ đang giảng đạo lý kìa”.
Vương Dương Minh đáp: “Không, là họ đang chửi mắng người khác”.
Dùng thiên lý và lương tâm để yêu cầu bản thân mình thì mới đúng là giảng đạo lý; dùng nó để yêu cầu người khác thì chính là mắng chửi người ta.
Trong đối nhân xử thế giữa người với người, nói chuyện chính là một loại tu hành thực tế, lời nói tán dương khen ngợi cũng là một loại thiện hạnh. Chuyện thị phi thường có nguyên nhân từ cái miệng; người nói, người nghe, lại có thêm người thứ ba vô tâm bàn luận khuấy đảo thị phi, khiến sự việc xấu càng thêm xấu. Bởi vậy mới có câu: “Dao ngôn chỉ vu trí giả”, những tin đồn vô căn cứ truyền đến tai người thông minh thì không thể tiếp tục truyền được nữa.
Người với người gặp nhau đã khó, được cùng nhau tề tựu một nơi còn khó hơn, thế nên đừng vì lời nói nhất thời mà phá hỏng đi thiện duyên khó được. Ngôn ngữ vốn câu thông với cảm tình và là công cụ để truyền đạt tư tưởng. Nhưng nếu không dùng lời nói đúng mực hợp lý mà lại dùng những lời dư thừa vô bổ thì cũng sẽ dẫn đến thị phi, phiền não.
Khi Tấn Vũ Đế mới lên ngôi không lâu, bèn xem bói xem có thể tại vị hoàng đế được bao lâu, kết quả được một quẻ có chữ “Nhất” (tức là 1). Vũ Đế vô cùng không vui, quần thần cũng sợ đến mặt mày trắng bệch, không ai dám hé răng nửa lời.
Lúc này, viên quan Bùi Khải mới tiến lên và bảo: “Vi thần nghe nói, trời mà được chữ Nhất thì thanh minh trong sáng, đất mà được chữ Nhất thì an bình yên ổn. Bậc vương hầu mà được chữ Nhất thì nhân dân yêu mến ủng hộ”. Mấy lời ngắn ngủi như vậy nhưng cũng đủ khiến Vũ Đế từ buồn chuyển thành vui, quần thần trước những lời động viên thiện ý của Bùi Khải cũng vô cùng thán phục. Có thể thấy rằng, bất luận việc gì cũng không tuyệt đối. Nắm giữ nghệ thuật nói chuyện, lựa chọn thời cơ thỏa đáng thì có thể biến buồn thành vui, dở lại hóa hay!
Tác giả: Nguyễn Thị Thu Trang