Theo People Daily, vào thời cổ đại, việc ly hôn ở Trung Quốc còn khá tự do. Phải đến đầu thời Chu (1046-256 TCN), chế độ gia đình phụ quyền mới dần thiết lập. Từ thời kỳ Tây Chu (1046-771 TCN) đến Xuân Thu Chiến quốc (770-221 TCN), chế độ gia đình phụ quyền vẫn chưa được củng cố, trong Kinh Dịch thậm chí còn ghi lại chuyện vợ bỏ nhà đi.
Đến triều đại của Tần Thủy Hoàng (259-210 TCN), chế độ gia đình mà người đàn ông làm chủ mới vững chắc hơn. Tới thời Đường - Tống (618-1279), ý thức phụ quyền trở nên mạnh mẽ, thân phận người phụ nữ trở nên thấp hèn. Phụ nữ thời này không được tự ý lấy chồng khác, chỉ khi chồng bỏ trốn mới được phép xin quan phủ cho ly hôn.
Việc ly hôn của giới quý tộc cổ đại có những thủ tục nhất định. Theo "Lễ ký", hay còn gọi là "Kinh Lễ", một quyển trong bộ Ngũ Kinh của Khổng Tử, ngoài nghi thức cho chồng bỏ vợ còn có nghi thức cho vợ bỏ chồng, cả bên bỏ và bên bị bỏ đều phải nhẹ nhàng tự kiểm điểm.
Luật hôn nhân triều Hán soạn
Cửu chương luật (Luật 9 chương) do Tiêu Hà triều Hán soạn, trong chương Hộ luật bao gồm nội dung về hôn nhân, quy định nam lấy vợ lẽ là hợp pháp, “7 điều bác bỏ” nói lý do chồng bỏ vợ, còn người vợ tự ý cải giá hoặc chồng chết chưa chôn mà cải giá đều bị “bỏ chợ” (chém đầu phơi thây giữa chợ). Cũng là hành vi thông dâm, cách xử phạt đối với nam và nữ rất không công bằng. Chồng thông dâm với vợ người khác thì chỉ bị đánh đòn, còn vợ thông dâm với người khác thì bị xử chém. Theo nhà nghiên cứu Đàm Đại Chính (Trung Quốc), thời Tam Quốc, Lưỡng Tấn, Nam Bắc Triều cơ bản thừa kế luật nhà Hán, có tăng giảm đôi chút.
Phóng thê thư - chứng nhận ly hôn
Vĩnh Huy pháp sơ (Luật Đường) do Đường Cao Tông Vĩnh Huy ban bố năm 651 là một bộ luật hoàn chỉnh nhất của thời phong kiến Trung Quốc còn giữ được. Nó bảo vệ toàn diện loại hôn nhân mua bán, bao biện phong kiến (do cha mẹ làm chủ). Nam nữ thành hôn phải có thủ tục “giấy kết hôn”, và lấy “thất xuất” và “nghĩa tuyệt” làm điều kiện ly hôn. “Thất xuất” là bảy loại lý do nhà chồng thời xưa nêu ra để bỏ vợ, bắt nguồn từ thời Xuân Thu, xã hội phong kiến tiếp tục vận dụng. Bảy lý do là: Không con, dâm dật, không thờ cha mẹ chồng, lắm lời, trộm cắp, ghen tỵ, bệnh hiểm nghèo. “Nghĩa tuyệt” ý nói vợ chồng hai bên đánh lộn nhau, giết chóc nhau, không còn tình nghĩa, nên phải ly hôn.
Trong Luật Đường, địa vị vợ chồng không bình đẳng. “Sống chung tất có tôn trưởng”, gia trưởng trong gia đình có quyền chi phối rất lớn. Chồng lấy vợ lẽ là hợp pháp, nhưng thê thiếp phân biệt nghiêm ngặt. Người lấy thê (vợ) làm thiếp (vợ lẽ), lấy tì (đầy tớ) làm thê (vợ), lấy thiếp (vợ lẽ) làm thê (vợ), lấy tì (đầy tớ) làm thê (vợ lẽ) đều bị đánh đòn.
Từ bản "Phóng thê thư" của một quý tộc thời Đường (618-907), có thể thấy địa vị nam nữ tương đối bình đẳng. Tờ giấy này có vai trò như đơn ly hôn thời nay nhưng có chút khác biệt. Nội dung của Phóng thê thư thường được chia làm ba đoạn.
Đoạn đầu nhắc lại về duyên phận vợ chồng đồng cam cộng khổ, như cá với nước, vui vẻ bên nhau tới khi bạc đầu. Đoạn thứ hai miêu tả tình trạng hôn nhân hiện tại, hai người tính cách không hòa hợp, thường xảy ra cãi vã khiến họ hàng hai bên trách móc, nay không thể tiếp tục bên nhau. Đoạn cuối cùng là lời chúc phúc sau ly hôn.
Nếu hai người đã không thể chung sống, chẳng thà vui vẻ nói lời từ biệt và chúc nhau hạnh phúc. Phía cuối đơn ly hôn ghi rõ, nhà trai phải gửi phí bồi thường cho nhà gái. Hơn nữa, đơn ly hôn cần được hai bên gia đình, họ hàng thân thích làm chứng.