Phụ nữ Việt chạnh lòng khi biết về lễ ly hôn của Nhật Bản

( PHUNUTODAY ) - Cũng giống như kết hôn, ở Nhật Bản có một ngày lễ đặc biệt cho các cặp đôi không còn muốn chung sống, đó là Lễ ly hôn. Với ý nghĩa nhân văn của nó, lễ ly hôn của Nhật đang khiến không ít phụ nữ Việt chạnh lòng.

 Lễ ly hôn ở Nhật Bản

Nghi lễ ly hôn ra đời cách đây khoảng một năm do cựu doanh nhân Hiroki Terai khởi xướng. Người đàn ông này đã dành hẳn một ngôi nhà lớn ở Tokyo để phục vụ lễ trên. Từ sau đó, có khoảng 25 cặp vợ chồng đã tổ chức một buổi lễ với tất cả sự trang trọng và hoành tráng giống như khi cưới để đánh dấu chấm hết cho mối quan hệ gắn bó bấy lâu. Nghi lễ này sẽ diễn ra trước khi hai người đệ đơn xin ly dị. Để tổ chức buổi kỷ niệm ngày kết thúc cuộc sống vợ chồng tại ngôi nhà ly hôn, mỗi cặp đôi phải trả khoảng 600 USD.

Anh Fujii, doanh nhân 33 tuổi, và vợ là cặp đôi mới nhất vừa tổ chức lễ này. Họ gặp nhau ở gần ngôi đền Sensoji thuộc khu vực Asakusa truyền thống của Tokyo rồi sau đó mỗi người ngồi trên một chiếc xe kéo tới ngôi nhà đặc biệt trên. Bạn bè và người thân của vợ chồng anh đi bộ theo hai chiếc xe tới dự lễ. Anh Fujii và vợ sẽ dùng búa đập nát chiếc nhẫn cưới như để chấm dứt sự ràng buộc hôn nhân. Trên đầu chiếc búa có gắn một chú ếch. Trong văn hóa của người Nhật, ếch là biểu tượng của sự thay đổi. Doanh nhân 33 tuổi trên cho biết: "Bằng việc đặt dấu chấm hết cho cuộc sống vợ chồng, chúng tôi muốn tạo ra sự khởi đầu thật vui vẻ và mang tới cho nhau cảm giác mới mẻ.

Khi tôi và vợ cùng đập nhẫn cưới, tôi cảm thấy mọi thứ đã chấm dứt thực sự, trái tim và tâm hồn tôi như được làm mới lại. Bây giờ thì tôi có thể có một cuộc sống mới và bắt đầu lại từ đầu".

Người đàn ông này chia sẻ, anh cảm thấy có trách nhiệm vì đã khiến cuộc hôn nhân đổ vỡ. Anh đã dành quá nhiều thời gian cho công việc, thường xuyên phải xa nhà và tiêu xài hoang phí vào những thú vui như ôtô mà không quan tâm tới vợ. Sau tám năm chung sống, giờ quyết định chia tay với chồng, vợ anh Fujii cũng không khỏi bùi ngùi. "Lúc nhìn thấy chiếc nhẫn bị đập méo đi, tôi đã tự nói với bản thân mình vâng, điều này khiến tôi cảm thấy thật nhẹ nhõm", người phụ nữ ấy tâm sự.

Chỉ thêm chứ không bớt của đàn ông Việt Nam

Nhìn cách hành xử của người Nhật đối với vấn đề ly hôn chúng ta lại chạnh lòng khi nhìn vào hàng loạt vụ việc đau lòng xảy ra liên quan đến ly hôn, đến chia tay của người Việt.

Nhiều người chồng viện cớ “đàn ông chỉ muốn thêm không muốn bớt” nên đã chày cối để giữ rịt cuộc hôn nhân bất hạnh. Họ thà ngoại tình, họ thà phạm tội, họ thà làm khổ con cái… chứ nhất quyết không buông tha người đàn bà đã là vợ của anh ta.

Vì không chịu buông nên họ đã để cho thái độ sống tiêu cực thiêu đốt chính họ và thiêu đốt cả gia đình họ. Những người chồng này không quan tâm đến người phối ngẫu nghĩ gì, chỉ quan tâm đến điều duy nhất đó là ý muốn giữ bằng được hôn nhân của họ.

Thái độ chầy cối “giữ bằng được” đó đã dẫn đến những hành xử thô bạo điên cuồng như dọa dẫm, đánh đập, chém giết người bạn đời như chúng tôi đã phản ánh trong những bài viết ở những số báo trước.

Nguyên nhân dẫn đến sự chày cối của không ít các ông chồng, theo các chuyên gia không chỉ đơn là “chỉ muốn thêm không muốn bớt” mà còn do trình độ nhận thức, do thái độ sống thiếu sự tự trọng và do cả sự yếu đuối ở các ông chồng.

Sự yếu đuối đó thể hiện ở một thái cực đối ngược đó là hung hãn bạo lực. Thế nên người ta mới nói “Sự giận giữ của đàn ông không phải là tiếng gầm của sư tử mà là tiếng khóc của một đứa trẻ”.

Người đàn ông bạo lực vợ là thể hiện sự bất lực của chính họ. Họ là người không tự chủ, không thể sống cuộc sống tự lập, độc lập. Họ được gọi là phái mạnh nhưng những người đàn ông đó thường là không hề mạnh mẽ, không hề vững chãi.

Họ không phải là chỗ nương tựa của vợ, của con mà có khi ngược lại, họ lại là người đang nương tựa vào vợ, vào con và vào gia đình. Nhiều người trong số họ không thể một mình lo được cho bản thân, không biết nấu cơm, không biết giặt giũ, không biết đi chợ, không biết tự phục vụ mọi nhu cầu cơ bản của mình.

Tác giả: Ngọc Dung