Quặn lòng trước nỗi đau của bé gái bị bệnh não có nước

( PHUNUTODAY ) - Hình ảnh bé gái mới 28 tháng tuổi mang trong mình nỗi đau của căn bệnh não có nước khiến nhiều người chứng kiến rơi nước mắt, đầu bé đã phình to gấp 2 - 3 lần so với trẻ bình thường.

Bé Trần Thị Kim Ngân (28 tháng tuổi) con là con út của anh Trần Văn Lộc (43 tuổi) ngụ ấp 3, xã Thường Phước 2, huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) bị bệnh não có nước làm đầu phình to gấp 2 - 3 lần so với trẻ bình thường.

Sinh ra và lớn lên trên vùng đất đầy khó khăn của huyện biên giới Hồng Ngự. Không nghề nghiệp, không tài sản, vợ chồng anh Trần Văn Lộc và chị Nguyễn Thị Mẻ (37 tuổi) phải làm lụng rất vất vả để nuôi 5 đứa con đang tuổi ăn, tuổi lớn.

 Bé Trần Thị Kim Ngân có đầu to khác thường.

Căn nhà chưa đầy 20m2 là tất cả tài sản mà gia đình anh chị có sau khi được địa phương xét bố trí vào cụm dân cư thuộc ấp 3, xã Thường Phước 2 (trước kia vợ chồng anh chị sống gần khu sạt lở). Gia đình có đến 5 đứa con nhưng chỉ có 2 đứa được đi học, con gái thứ 2 của anh chị phải nghỉ học ở nhà để trông em vì bé Trần Thị Kim Ngân sinh ra đã bị bệnh não có nước. Anh Lộc cho biết, cuộc sống gia đình rất khó khăn, miếng cơm hàng ngày còn lo không xong thì lấy đâu ra tiền để đi khám và điều trị cho con?

Gia đình được bố trí vào cụm dân cư, ngôi nhà xây cũng không chắc chắn chỉ để che mưa, che nắng cho gia đình 6 người. Thấy con bệnh cũng đau lòng lắm nhưng cha mẹ nghèo, anh em cũng nghèo nên chẳng thể giúp đỡ nhiều.

Bé Ngân được sinh ra tại Bệnh viện Hữu Nghị (TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) với đầu to khác thường, các bác sĩ khuyên gia đình nên sớm đưa Ngân đi khám tổng quát để có hướng điều trị kịp thời. Hiện tại, do đầu phình to khác thường nên Ngân chỉ nằm một chỗ, có thể nghe nhưng không nói được, sức khỏe cũng không bình thường như các trẻ khác mà thường xuyên bệnh tật, sốt cao.

Cuộc sống nay càng khó khăn, bế tắc hơn khi chị Nguyễn Thị Mẻ mất cách đây không lâu do bệnh xuất huyết màng não. Cuộc sống gia đình hiện giờ chỉ trông chờ vào tiền làm thuê, phụ hồ hàng ngày của anh Lộc. Anh Lộc chia sẻ, giờ chẳng mong muốn gì hơn ngoài việc có sức khỏe để lo cho các con và chăm sóc bé Ngân lúc nào hay lúc đó. Chuyện điều trị bệnh cho bé Ngân là ước mơ thôi, chứ lo đủ thức ăn hàng ngày đã là cố gắng lắm rồi.

 Gia đình anh Lộc chẳng có gì quý giá ngoài căn nhà gỗ tạp.

Cuộc sống của anh Lộc và 5 đứa trẻ đang rất cần sự quan tâm, chia sẻ của các Mạnh Thường Quân gần xa. Đặc biệt là có thể giúp đỡ bé Ngân được đi điều trị, tìm lại sự sống của mình.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về anh Trần Văn Lộc ngụ ấp 3, xã Thường Phước 2, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp.

Dấu hiệu nhận biết não có nước ở trẻ em

1. Kích thước vòng đầu có những thay đổi bất thường

Việc đo vòng đầu của trẻ cho phép tiến hành kiểm tra một cách gián tiếp sự tăng trọng lượng của bộ não trẻ và quá trình tuần hoàn của các chất lỏng trong não. Để kiểm tra và phát hiện sự phát triển quá nhanh hoặc quá chậm vòng đầu của trẻ bạn nên so sánh nhiều lần đo kích thước vòng đầu ở các thời điểm đặc biệt như lúc mới sinh, tháng 1, tháng 2...

Trẻ mới sinh trẻ có kích thước đầu bình thường nhưng do các khớp sọ chưa đóng kín nên sự gia tăng lượng dịch não tủy sẽ làm kích thước của đầu to lên nhanh bất thường. Ngoài ra thóp trước giãn to và căng hơn, các mạch máu da đầu cũng giãn to hơn bình thường.

Trán trẻ rất rộng. Mắt thường ở tư thế nhìn xuống tạo nên dấu hiệu mặt trời lặn. Đây chính là dấu hiệu chính, cơ bản của căn bệnh não úng thủy.

2. Dị tật bẩm sinh

Nếu trẻ sơ sinh xuất hiện dị tật bẩm sinh Chiari thì rất có thể trẻ đã mắc bệnh não có nước. Trường hợp này bệnh nhân thường nhức đầu tái diễn, đau cổ, tiểu rắt, và tình trạng co cứng chi dưới ngày càng tiến triển nặng hơn.

Dị tật này thường đặc trưng bởi sự tụt hạnh nhân tiểu não vào trong ống tủy cổ. Nguyên nhân của tình trạng này chưa được biết rõ nhưng có thể do sự bít tắc phần dưới của noãn thất bốn trong quá trình phát triển bào thai.

Tác giả: Vân Tiên