Quốc gia duy nhất nào trên thế giới không có đèn tín hiệu giao thông?

( PHUNUTODAY ) - Đây là quốc gia duy nhất trên thế giới không có đèn giao thông, bạn biết là ở đâu không?

Bhutan là quốc gia không giáp biển ở châu Á, có biên giới với Trung Quốc và Ấn Độ. Đất nước này không có hệ thống đèn giao thông.

Trước đó, Thimphu, thủ đô và là thành phố lớn nhất Bhutan, từng là nơi duy nhất cả nước có đèn giao thông trong 24 giờ. Ngay sau đó, do người dân không đồng ý, đèn bị gỡ bỏ và cảnh sát giao thông lại đảm nhiệm vai trò của mình. Họ đóng vai trò điều phối dòng di chuyển của xe cộ trên đường bằng bàn tay đeo găng trắng.

Bhutan có địa hình trung bình cao nhất thế giới. Diện tích của Bhutan gần 38.400 km2, dân số hơn 784.000, theo Worldometers (trang web thống kê dân số, kinh tế, sức khỏe toàn thế giới).

Phía Nam gồm nhiều đồi núi, cao nguyên, thung lũng và là nơi cư trú của phần lớn dân Bhutan.

Phía Bắc của đất nước này là các đỉnh núi cao của dãy Himalaya, trong đó đỉnh Gangkhar Puensum cao nhất với hơn 7.570m.

Môn thể thao quốc gia tại Bhutan là bắn cung, được tổ chức thường xuyên tại hầu hết các làng. Nó khác với các tiêu chuẩn Olympic không chỉ ở các chi tiết kỹ thuật như vị trí đặt bia và không khí.

Có hai bia được đặt cách 100 mét và các đội bắn từ phía này sang phía kia. Mỗi thành viên trong đội bắn hai mũi mỗi vòng.

Bhutan nổi tiếng là quốc gia mạnh tay với việc kiểm soát thuốc lá. Vào năm 1729, Bhutan là một trong những nước đầu tiên ra quy định liên quan đến thuốc lá khi thủ lĩnh tối cao của nước này Shabdrung Ngawang Namgyal thông qua bộ luật phòng chống việc sử dụng thuốc lá.

Tiếp đó, đến những năm 90 của thế kỷ trước, phần lớn trong tổng số 20 đơn vị hành chính trên toàn Bhutan tuyên bố trở thành những “khu vực cấm thuốc lá hoàn toàn”.

Không dừng tại đó, đến năm 2010, chính phủ Bhutan thông qua kuật kiểm soát thuốc lá, theo đó, tội hút hoặc nhai thuốc lá sẽ trở thành tội không được nộp tiền tại ngoại. Các đối tượng vi phạm có thể bị phạt 3 năm tù.

Một năm sau khi luật ra đời, hơn 800 người đã bị phạt và gần một nửa trong số này phải ngồi tù.

Người ngồi tù đầu tiên là Sonam Tshering, một nhà sư, bị bắt khi mang theo 180 gram thuốc lá nhai có giá chỉ 120 Ngultrum (khoảng 2,25 USD).

Trước năm 1960, Bhutan không có đường, ôtô, điện thoại, điện hay Internet. Đến năm 1974, Bhutan mới cho phép truyền thông quốc tế đưa tin về sự kiện đăng quang của quốc vương lúc bấy giờ. Từ đó, các khách sạn được xây dựng để chào đón khách nước ngoài và tivi xuất hiện ở quốc gia hạnh phúc vào những năm 1990.

Tuân theo giáo lý Phật giáo, Bhutan không sát sinh và giết hại bất kể loài động vật nào. Vì vậy hầu hết Phật tử ở quốc gia này đều ăn chay. Tuy nhiên, người Bhutan vẫn ăn thịt. Thịt, cá đều được nhập khẩu từ Ấn Độ, để đảm bảo không con vật nào bị giết trên mảnh đất Phật giáo này. Đây cũng là quốc gia duy nhất nơi động vật có thể đi lại tự do mà không bị xâm hại.

Luật ở Bhutan quy định 60% diện tích đất nước dành để bảo vệ rừng cho thế hệ kế tiếp. Hàng năm, Bhutan tạo ra khoảng 1,5 triệu tấn carbon nhưng 70% diện tích rừng ở Bhutan đã hấp thụ lại 6 triệu tấn khí này. Vì vậy, Bhutan cũng là quốc gia có lượng khí carbon thải ra môi trường thấp nhất thế giới. Vào năm 1999, trong khi các quốc gia khác xem xét việc cấm sử dụng túi nhựa, Bhutan đã thực thi điều luật này.

Bhutan được biết đến với biệt danh Druk Yul do người bản địa đặt từ thế kỷ 13, có nghĩa “vùng đất Rồng Sấm”. Rồng sấm Druk trong huyền thoại Bhutan được thể hiện lên quốc kỳ với bốn chân quắp bốn viên ngọc quý. Con rồng màu trắng tượng trưng cho sự thanh khiết và lòng trung thành. Những viên ngọc đại diện cho sự thịnh vượng, an ninh và bảo hộ nhân dân tại Bhutan.

Tác giả: Thạch Thảo