Chợ nào có lịch sử lâu đời nhất Việt Nam, tới nay vẫn tấp nập người mua kẻ bán?

( PHUNUTODAY ) - Bạn có biết chợ nào có lịch sử lâu đời nhất Việt Nam hay không? Hãy cùng tìm hiểu.

Chợ Bến Thành – Hồ Chí Minh

cho2

Ở Sài Gòn, không ai không biết đến chợ Bến Thành. Nó vừa là ngôi chợ lâu đời nhất vừa là biểu tượng của thành phố mang tên Bác. 

Chợ Bến Thành từ lâu đã trở thành biểu tượng của Sài Gòn. Hoạt động từ năm 1914 đến nay, ngôi chợ 100 tuổi này không chỉ là nơi mua bán sầm uất mà còn là chứng nhân lịch sử chứng kiến bao đổi thay thăng trầm của thành phố. Nơi đây tập trung nhiều mặt hàng, từ quần áo, giầy dép, vải vóc, đồ thủ công mỹ nghệ, hàng thổ cẩm, trang sức đến các món ăn đặc sản.

Với giá trị truyền thống là trung tâm thương mại lâu đời nên chợ thu hút rất đông du khách ngoại quốc đến tham quan và mua sắm. Đến đây bạn sẽ bắt gặp đủ mọi ngôn ngữ để trao đổi mua bán. Đêm về, xung quanh chợ Bến Thành tụ họp thành một chợ đêm sầm uất tạo nên một Sài Gòn sôi động đa sắc màu.

Theo web Sở Du lịch TP.HCM, chợ Bến Thành hay chợ Sài Gòn - chợ nổi tiếng, được xây dựng tại trung tâm phường Bến Thành, quận 1, TP.HCM.

Cửa chính chợ ở phía Nam, hướng ra công trường Quách Thị Trang, cửa Bắc phía đường Lê Thánh Tôn, cửa Đông nằm trên đường Phan Bội Châu, cửa Tây ở đường Phan Châu Trinh. Chợ Bến Thành vốn đã có từ lâu, là chợ sầm uất, náo nhiệt.

Cuộc tấn công của quân Pháp làm chợ Bến Thành bị hư hại nhiều nên khi chiếm được Gia Định, năm 1860 thực dân Pháp cho xây dựng lại chợ Bến Thành tại khu vực đường Hàm Nghi, Nguyễn Huệ, bến Bạch Đằng hiện nay.

Theo web Tổng cục Du lịch, năm 1912, chợ mới được khởi công xây dựng trên nền đất của ao sình lầy nằm gần ga xe lửa Mỹ Tho (nay là bến xe Sài Gòn).

Lễ khánh thành chợ vào năm 1914 được báo chí thời đó gọi là "Tân Vương Hội" do tổ chức lớn (có bắn pháo bông), kéo dài trong 3 ngày với hơn 100.000 người tham dự.

Năm 1985, chợ Bến Thành được trùng tu theo quy mô lớn, trên tổng diện tích hơn 13.000m², mở 4 cửa chính và 12 cửa phụ ra bốn hướng. Phía trên cửa chính phía Nam có tháp đồng hồ 4 mặt.

Năm 2013, chợ Bến Thành được xếp vào danh sách 5 chợ tốt nhất thế giới do báo USA Today bình chọn.

cho4

Đây là nơi thu hút hàng nghìn lượt khách tới mua bán và tham quan. Chợ có kiến trúc đặc biệt với 4 hướng cổng/cửa, mỗi cửa kinh doanh những mặt hàng riêng biệt.

Cửa Nam (cổng chính) là các mặt hàng vải vóc, quần áo, thực phẩm khô. Cửa Bắc là bán thực phẩm tươi sống, hoa quả, trái cây. Cửa Ðông là thiên đường mỹ phẩm, bánh kẹo. Cửa Tây là nơi tập trung các gian hàng giày dép, hàng mỹ nghệ, đồ lưu niệm.

Theo trang thông tin chợ Bến Thành, tên gọi này có liên quan đến thành Bát Quái do Nguyễn Vương Nguyễn Phúc Ánh (Vua Gia Long) xây dựng. Năm 1788, Nguyễn Vương chiếm lại được Gia Định từ quân Tây Sơn, liền cho xây dựng thành quách để ngăn quân Tây Sơn.

Năm 1789, Giám mục Bá Đa Lộc (Pigneau de Behaine) về đến Gia Định cùng với số tiền quyên góp và 15.000 Francs của mình để mua súng đạn và tàu chiến, chiêu mộ khoảng 20 người Pháp giỏi về kỹ thuật vũ khí, kỹ nghệ… để giúp Nguyễn Vương.

Thành bát quái (do thành có 8 cạnh) được xây dựng vào năm 1789 với số nhân công là 30.000 người, do kiến trúc sư Theodore Lebrun và kỹ sư công binh người Pháp Victor Olivier de Puymanel thiết kế.

Năm 1790, thành xây xong có chu vi khoảng 4.176 mét, ba mặt giáp sông. Sông Bến Nghé có một bến sông nằm gần thành Bát Quái, bến này dùng cho khách vãng lai và quân nhân vào thành, vì vậy mà được gọi là Bến Thành (bến trước khi vào thành). Gần sát bến này có một khu chợ vì thế mà chợ này cũng được gọi là “chợ Bến Thành”. Và tên “chợ Bến Thành” chính là được xuất phát từ đây.

Ngoài chợ Bến Thành, những chợ sau đây cũng nổi tiếng và đã có từ rất lâu đời

Chợ nổi Ngã Bảy – Hậu Giang

cho5

Với địa thế sông ngòi dày đặc và chằng chịt, miền Tây nổi tiếng bởi những khu chợ lênh đênh trên mặt nước, trong đó chợ nổi Ngã Bảy là khu chợ nổi tiếng lâu đời nhất vùng đất Cửu Long.

Chợ nổi Ngã Bảy, còn gọi là chợ nổi Phụng Hiệp, thuộc thị xã Ngã Bảy được hình thành từ năm 1915. Đây là chợ nổi nổi tiếng của tỉnh Hậu Giang, nơi diễn ra các hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân miền sông nước đồng bằng sông Cửu Long. Nơi đây không chỉ nơi buôn bán hàng hóa mà còn là địa điểm thu hút đông đảo khách du lịch.

Du khách tới đây sẽ nhìn thấy bạt ngàn màu sắc từ trái cây, rau củ cho đến các đồ dùng sinh hoạt miền sông nước. Đặc biệt là màu đỏ tươi của chôm chôm, màu ruốc chín của măng cụt, vị thơm của sầu riêng. Mỗi thuyền chỉ bán một loại trái cây hay mặt hàng và hàng hóa đó sẽ được treo lơ lửng một cây sào cao gọi là cây bẹo.

Có dịp đến đây du khách hãy thử lênh đênh trên mặt nước thưởng thức ly cà phê sóng sánh, nghe những câu hò vọng cổ miên man với chiếc áo bà ba dập dìu theo sông nước đầy thi vị.

Chợ Đầm – Nha Trang

cho6

Du khách đến Nha Trang nên một lần bước vô ngôi chợ Đầm nổi tiếng. Chợ Đầm được điểm danh trong hầu hết các tour du lịch và được nhiều du khách yêu thích.Với kiến trúc độc đáo, lạ mắt và nằm ở trung tâm thành phố, chợ Đầm là lựa chọn phổ biến khi du khách có ý định mua những món quà lưu niệm đầy ý nghĩa.

Được xây dựng từ năm 1908 trên một khu đầm lầy rộng lớn nên cái tên chợ Đầm cũng theo đó ra đời. Chợ được thiết kế 2 tầng, kiến trúc theo hình tròn, mái xếp hình chữ V, tượng trưng cho hoa sen thuần khiết. Ngoài các sản phẩm thông dụng, chợ còn bày bán nhiều món hàng lưu niệm được làm từ vỏ sò, ốc với các hình dạng lạ lẫm đẹp mắt. Sản phẩm đặc biệt của chợ Đầm là mặt hàng hải sản tươi ngon hay đặc sản địa phương như nem, chả Nha Trang.

Chợ Đông Ba – Huế

cho6

Chợ Đông Ba là ngôi chợ lớn nhất ở Huế, được xây dựng từ năm 1899 dưới thời vua Thành Thái ở bên bờ sông Hương thơ mộng. Đây là một trong những địa điểm tham quan quen thuộc của nhiều du khách khi có dịp đặt chân đến thành phố Huế.

Với diện tích gần 5000 m2, chợ Đông Ba gồm ba lầu, được chia thành nhiều gian hàng phục vụ nhu cầu mua bán. Bên cạnh các nhu yếu phẩm phục vụ cuộc sống hàng ngày, chợ còn có những mặt hàng lưu niệm mang nét nghệ thuật tinh túy, độc đáo của Huế được bày bán như nón lá Phú Cam, thanh trà Lại Bằng, sen khô Hồ Tịnh, hoa giấy làng Sình… Đến chợ Đông Ba, bạn còn có dịp thưởng thức các món ăn truyền thống bình dân Huế như cơm hến, chả tôm, bánh khoái…

Chợ Đông Ba, cầu Tràng Tiền cùng với sông Hương là những biểu tượng của xứ Huế mộng mơ mà du khách nên ghé khi có dịp đặt chân đến.

Chợ Đồng Xuân – Hà Nội

cho7

Là một trong những ngôi chợ lớn và xưa nhất ở Hà Nội, chợ Đồng Xuân nằm trong phố cổ ở phường Đồng Xuân, có lịch sử tồn tại hàng trăm năm từ thời phong kiến nhà Nguyễn. Chợ gắn liền với sự thăng trầm của mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến, là điểm giao hòa và chứng kiến bao đổi thay của thành phố Hà Nội.

Ngoài giá trị về mặt lịch sử, chợ Đồng Xuân là địa điểm mua bán sầm uất bậc nhất, tập trung đa dạng nhiều mặt hàng gia dụng, giày dép, vải vóc và quần áo. Không chỉ có hàng hóa, người ta còn biết đến Đồng Xuân như một khu ăn vặt nổi tiếng của Hà thành, là điểm đến quen thuộc của du khách yêu thích ẩm thực truyền thống. Bạn có thể thưởng thức các món ăn tinh túy bản sắc Hà Nội như bún riêu ốc, bún chả kẹp que tre, bún măng mọc tiết, chè…

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.com.vn copy link