Từ ngày 1/1/2025 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ chính thức có hiệu lực. Trong đó có điều khoản liên quan tới việc cho trẻ dưới 10 tuổi đi xe ô tô.
Cụ thể Khoản 3 Điều 10 của Luật trật tự an toàn giao thông số 36/2024/QH15 ghi rõ: "Khi chở trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35 mét trên xe ô tô không được cho trẻ em ngồi cùng hàng ghế với người lái xe, trừ loại xe ô tô chỉ có một hàng ghế; người lái xe phải sử dụng, hướng dẫn sử dụng thiết bị an toàn phù hợp cho trẻ em". Điều khoản này của Luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2026.
Tại sao cấm trẻ ngồi ghế trước?
Chuyện cho trẻ ngồi ghế trước là rất thường gặp, thậm chí nhiều người còn xem đó là vị trí ưu tiên cho trẻ hoặc bà mẹ bế con. Các chuyên gia nhận định ghế trước ô tô là vị trí nguy hiểm nếu có va chạm xảy ra và thiết kế an toàn ghế trước dành cho người lớn chứ không dành cho trẻ nhỏ. Trong trường hợp không may có va chạm thì vị trí ghế trước này nguy hiểm nhất bởi sẽ tiếp xúc gần và trực tiếp với các chướng ngại vật hoặc nguyên nhân gây tai nạn nhiều hơn so với ghế phía sau xe. Hệ thống an toàn chính của ô tô, bao gồm túi khí và dây an toàn ở khu vực ghế trước được các nhà sản xuất bố trí nhằm bảo vệ người ngồi ở các vị trí này, nhưng thiết kế các hệ thống này chủ yếu dành cho người lớn không phù hợp với trẻ nhỏ. Vì thế khi không may tai nạn trẻ ngồi ghế trước sẽ vô cùng nguy hiểm và nguy hiểm hơn người lớn so với cùng một vị trí ngồi. Hơn nữa trẻ nhỏ chưa có kỹ năng xử lý trong tình huống nguy cấp như người lớn. Và trẻ cũng hay nghịch ngợm tò mò nên khi ngồi ghế trước, trẻ có thể khiến lái xe mất tập trung gây nguy hiểm mất an toàn cho toàn bộ người trên xe.
Mẹ ôm con không an toàn, bắt buộc thiết bị an toàn cho trẻ
Khi cho trẻ đi xe ô tô riêng hoặc ô tô khách nhiều người cho rằng mẹ ôm con sẽ toàn, ông bà ngồi ôm cháu sẽ an toàn. Nhưng các chuyên gia cho rằng khi xe chạy với tốc độ 30 km/h, nếu xảy ra va chạm thì lực quán tính tương đương với 3 bao xi măng, tức 150kg và người mẹ gần như không thể giữ con lại được. Còn nếu va chạm ở tốc độ 60 km/h, lực quán tính tương đương với 6 bao xi măng, tức 300kg. Thế nên khi có va chạm thì người lớn còn không bảo vệ được bản thân chứ giữ sao được trẻ. Vì thế chỉ có dây an toàn đối với người trưởng thành và thiết bị an toàn mới có thể bảo vệ trẻ em.
Đề xuất mức xử phạt khi vi phạm điều này
Bộ Công an cũng đã đề xuất phạt từ 800.000 đến 1 triệu đồng nếu để trẻ dưới 10 tuổi ngồi cùng hàng ghế với người lái ô tô khi tham gia giao thông.
Tại dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an đề xuất mức xử phạt từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe chở trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35 m trên ô tô (trừ loại xe ô tô chỉ có một hàng ghế) ngồi cùng hàng ghế với người lái xe hoặc không sử dụng thiết bị an toàn phù hợp cho trẻ em theo quy định.
Bởi thế cha mẹ có con nhỏ hãy đảm bảo vị trí ngồi cho bé và chuẩn bị thiết bị an toàn phù hợp cho con mình ngay từ bây giờ.
Tác giả: An Nhiên
-
6 bệnh thường gặp ở phụ nữ tuổi 40
-
Các hình thức chi trả lương hưu từ ngày 1/7/2025
-
Chi tiết những ngày nghỉ được hưởng nguyên lương, người lao động cần biết để tránh thiệt thòi
-
Những trường hợp được rút BHXH 1 lần từ ngày 1/7/2025
-
Từ 2024, tham gia bảo hiểm y tế 5 năm liên tục, người bệnh được hưởng quyền lợi đặc biệt này