Theo khoản 8 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2008 được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 35 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019, điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là hành vi được xếp vào nhóm bị nghiêm cấm.
Bên cạnh đó, các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia được quy định tại khoản 6 Điều 5 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019, bao gồm: Người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia; Bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi; Hành vi xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia; Sử dụng lao động là người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc sản xuất, mua bán rượu, bia.
Ngoài ra, nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân, học sinh, sinh viên uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập.
Nghiêm cấm hành vi điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Luật Giao thông đường bộ 2008 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan hiện nay chưa có quy định về việc cấm chủ phương tiện giao thông có nồng độ cồn trong người dắt xe về sẽ bị phạt.
Trong trường hợp này, người dắt xe có thể được xem là người đi bộ trên đường bộ. Theo đó, người này sẽ phải chấp hành các quy định tại Điều 32 Luật Giao thông đường bộ 2008 như: phải đi trên hè phố, lề đường; trường hợp đường không có hè phố, lề đường thì người đi bộ phải đi sát mép đường...
Ngoài ra, theo nguyên tắc chung đối với người tham gia giao thông được quy định tại Điều 9 Luật Giao thông đường bộ 2008, người tham gia giao thông phải đi bên phải theo chiều đi của mình, đi đúng làn đường, phần đường quy định và phải chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ.
Chủ phương tiện giao thông dắt xe khi trong người có nồng độ cồn không bị xử phạt nhưng nếu bị phát hiện thấy chốt CSGT mới xuống dắt bộ thì vẫn có thể bị xử lý theo luật nếu CSGT chứng minh được lỗi của người tham gia giao thông.
Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định việc xử lý vi phạm về nồng độ cồn đối với các trường hợp điều khiển xe máy khi tham gia giao thông. Mức phạt tùy theo từng trường hợp nồng độ cồn cao hay thấp.
Theo đó, người điều khiển xe máy mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở bị phạt 2-3 triệu đồng và bị tước giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng.
Người điều khiển xe máy mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn từ vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc từ vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở bị phạt từ 4-5 triệu đồng và bị tước giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng.
Người điều khiển xe máy mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở bị phạt tiền 6-8 triệu đồng và bị tước giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng.
Bên cạnh đó, Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định nếu người điều khiển xe gắn máy không chấp hành yêu cầu về kiểm tra nồng độ cồn của CSGT đang thi hành công vụ thì có thể bị xử phạt với mức tiền từ 6-8 triệu đồng.