Hỗ trợ gấp 100 tỷ cho 5 tỉnh
Bão Yagi quét qua đã để lại hậu quả nặng nề cho nhiều địa phương, trong đó các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Nam Định, Hải Dương, Thái Bình, Hưng Yên... chịu nhiều ảnh hưởng. Các tỉnh miền núi phía Bắc nhiều nơi có lũ quét, sạt lở, ngập lụt đang diễn ra nặng nề.
Ngày 9/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đã ký Quyết định số 943/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ khẩn cấp khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3 Yagi gây ra. 100 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2024 được dùng hỗ trợ cho 5 địa phương, gồm: Nam Định 20 tỷ đồng, Thái Bình 30 tỷ đồng, Hải Dương 20 tỷ đồng, Yên Bái 20 tỷ đồng, Hưng Yên 10 tỷ đồng để thực hiện khắc phục hậu quả, ổn định đời sống cho người dân sau cơn bão số 3.
Quảng Ninh, Hải Phòng xin được tự chủ cân đối từ ngân sách địa phương nên ngân sách trung ương sẽ xem xét, hỗ trợ khi các địa phương có đề xuất. Chiều 8/9, trong cuộc làm việc với Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh - một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất sau cơn bão số 3 đã xin nhường lại 100 tỉ hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho các tỉnh miền núi phía Bắc.
Bảo hiểm xã hội giải quyết gấp thủ tục cho dân vùng lũ
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đánh giá, trong những ngày vừa qua, bão số 3 (bão Yagi) diễn biến phức tạp và ảnh hưởng lớn đến đời sống và sinh hoạt của người dân nhưng cán bộ chuyên môn của ngành nghiêm túc thực hiện đầy đủ. Để tiếp tục đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHXH, BHYT, BHTN, nhất là khi thiệt hại của bão Yagi còn nặng nề, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh chỉ đạo các cơ quan bảo hiểm xã hội tỉnh thành phối hợp triển khai linh hoạt nhiệm vụ để người dân, người bệnh được hưởng đầy đủ quyền lợi về Bảo hiểm xã hội, khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế với thủ tục nhanh nhất, đơn giản nhất.
Đối với vùng bị ảnh hưởng trực tiếp của bão (thiệt hại nặng nề, bị chia cắt, gián đoạn giao thông, hạ tầng, liên lạc, mất điện, nước...), đơn vị bảo hiểm cần cử cán bộ cùng với các ngành, các cơ quan liên quan đến trực tiếp phục vụ người dân, giải quyết kịp thời các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện. Đặc biệt Giám đốc BHXH các cấp cần tuyệt đối không để người dân không được khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe do các gián đoạn về giao thông, hạ tầng, cơ sở vật chất… sau bão, lũ nêu trên. Trường hợp mất điện hoặc không có mạng internet để cập nhật dữ liệu bệnh nhân lên hệ thống thì thực hiện trực tiếp. Ưu tiên khám chữa bệnh đối với người bị bệnh hiểm nghèo, nguy cấp hoặc bị tai nạn, bị thương đến từ vùng ảnh hưởng bão lũ gây ra...
Tác giả: An Nhiên
-
Từ nay: Người dân đi xe máy phạm 7 lỗi này bị CSGT tịch thu phương tiện
-
Dự báo thời tiết: Miền Bắc tiếp tục mưa lớn trong hai ngày 10 và 11/9, cảnh báo lũ trên các sông
-
Nông dân Đồng Tháp trồng loại khoai củ to ngon này, siêu dễ trồng, thu về 30 triệu/công
-
Nghĩa vụ quân sự 2025 sẽ đi mấy năm? Trường hợp nào được miễn đăng ký nghĩa vụ quân sự?
-
Danh sách số điện thoại lừa đảo trong nước và quốc tế mới nhất: Gọi đến phải tắt máy ngay