Sau tiếp xúc F0 bao lâu thì có triệu chứng nếu bị lây: Thời gian 'nhanh hơn mọi người từng nghĩ'

( PHUNUTODAY ) - Với những ca mắc Covid-19 không triệu chứng thường sẽ rất khó xác định nguồn lây và thời gian lây bệnh. Vậy thông thường, với những người có triệu chứng, sau tiếp xúc F0 bao lâu thì có dấu hiệu?

Nghiên cứu mới phát hiện khi một người tiếp xúc với F0, nếu nhiễm Covid-19, các triệu chứng sẽ phát triển nhanh hơn mọi người vẫn nghĩ.

Kết quả của nghiên cứu đã được đăng vào ngày 2.2 trên trang chờ duyệt Research Square.

Đây là nghiên cứu đầu tiên cho con người tiếp xúc trực tiếp với Covid-19, gồm 34 người, tuổi từ 18 - 30, tham gia. Những người tham gia được tiếp xúc với liều lượng virus thấp - tương đương với lượng virus trong một giọt hô hấp - vào đầu năm 2021 và được cách ly tại một đơn vị thuộc Bệnh viện Royal Free Hospital ở London (Anh).

Trong nghiên cứu, khi cho những người khỏe mạnh và trẻ tuổi này cố tình tiếp xúc với virus corona, các nhà khoa học Anh đã phát hiện ra rằng người nhiễm bệnh đã phát triển các triệu chứng trong vòng chưa đầy 2 ngày sau khi tiếp xúc.

Chỉ một nửa số người tham gia tiếp xúc với virus corona bị nhiễm bệnh, với hầu hết các triệu chứng nhẹ.

Kết quả còn cho thấy, những người bị nhiễm Covid-19 phát triển các triệu chứng đầu tiên và có kết quả dương tính, trung bình trong vòng chưa đầy 2 ngày sau khi tiếp xúc F0.

Điều này trái ngược với các nghiên cứu đã ghi nhận, khi kết quả cho thấy thời gian ủ bệnh lên đến 5 ngày.

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng mức độ virus cao vẫn tồn tại trong 9 ngày, và đôi khi lên đến 12 ngày.

Các triệu chứng phổ biến là đau họng, sổ mũi, hắt hơi. Riêng triệu chứng sốt ít phổ biến hơn ở những người tham gia. Không ai bị ho dai dẳng. Trong khi sốt và ho dai dẳng được coi là dấu hiệu của các triệu chứng Covid-19.

Kết quả cho thấy có 16 người có các triệu chứng từ nhẹ đến trung bình - chiếm 89%, bắt đầu từ 2-4 ngày sau khi lây nhiễm. Triệu chứng rối loạn khứu giác phát triển dần dần ở 12 người - tương đương 67%.

Cách ly 10 ngày sau khi bắt đầu có triệu chứng?

Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng 18 người tham gia đã bị nhiễm với tải lượng virus tăng lên và đạt đỉnh điểm vào 5 ngày sau khi lây nhiễm. Nghiên cứu còn phát hiện ra một loại virus sống sót có thể phục hồi từ mũi trong vòng 10 ngày sau khi lây nhiễm. Vì vậy, các nhà nghiên cứu cho rằng thời gian cách ly nên là 10 ngày sau khi bắt đầu có triệu chứng để giảm thiểu lây truyền.

Các nhà nghiên cứu cho biết test nhanh sẽ là cách tốt để chỉ ra virus còn tồn tại và giúp ngăn ngừa sự lây lan.

Tuy nhiên, kết quả test nhanh có liên quan chặt chẽ với virus sống sót và mô hình cho thấy rằng làm test nhanh 2 lần một tuần có thể chẩn đoán nhiễm bệnh trước khi 70-80% virus sống sót nhân lên.

Nghiên cứu này đã tiến hành trên chủng ban đầu của virus corona. Nhóm nghiên cứu có kế hoạch khởi động một thử nghiệm tiếp xúc trực tiếp khác ở người đã tiêm chủng với biến thể Delta, nhằm xác định các yếu tố miễn dịch bảo vệ mọi người khỏi nhiễm Covid-19 “đột phá” sau khi đã tiêm chủng đầy đủ, theo báo cáo của Nature.

Các nghiên cứu thử nghiệm trực tiếp trên người đã được sử dụng trước đây để nghiên cứu bệnh cúm, sốt rét và nhiều bệnh nhiễm trùng khác, theo nhật báo Times of India (Ấn Độ).

Tác giả: Thạch Thảo