Tăng lương từ 01/7/2024: 3 nhóm đối tượng nào được điều chỉnh tăng lương hưu theo chính sách đặc biệt?

( PHUNUTODAY ) - 3 nhóm đối tượng tăng lương hưu từ 01/7/2024 nhóm đối tượng nào được điều chỉnh theo chính sách đặc biệt?

Tại phiên họp thứ 31, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có phát biểu về việc cải cách chính sách tiền lương.

Đối với chính sách người có công, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thông tin, sẽ thực hiện đúng phương châm thể hiện trong Pháp lệnh người có công là "người có công được hưởng trợ cấp cao hơn bình thường".

Theo tinh thần đó, Bộ trưởng cho biết mức trợ cấp của người có công sẽ cao hơn 1 bậc so với mức cải cách tiền lương.

Bộ trưởng cũng báo cáo về vấn đề đang được quan tâm là mức tăng lương hưu, sau khi tiếp thu ý kiến của Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách tiền lương, Bộ đã xây dựng phương án điều chỉnh lương hưu, phân chia thành 3 nhóm đối tượng.

Nhóm 1: là những người nghỉ hưu thông thường. Với nhóm này, mức tăng lương hưu sẽ được tính toán hợp lý giữa khu vực đang làm việc với người nghỉ hưu, hài hòa giữa người cùng chức vụ trước và sau 1/7/2024...

Theo quan điểm được Bộ trưởng nêu ra, việc điều chỉnh mức lương hưu không thấp hơn 50% so với mức tăng lương sau cải cách để đảm bảo hài hòa, cân đối, không để người nghỉ hưu bị đẩy xa hơn, thiệt thòi khi cải cách tiền lương.

Nhóm 2: Với nhóm những người nghỉ hưu trước ngày 1/7/2024, nhà nước cần áp dụng mức bù để giảm phần chênh lệch lương giữa người nghỉ hưu trước và sau thời điểm cải cách chính sách tiền lương.

Ngoài áp dụng chính sách bảo hiểm xã hội, những người hưởng lương theo ngân sách khi về hưu được đảm bảo đầy đủ chế độ như người nghỉ hưu bình thường.

Nhóm 3: Với nhóm nghỉ hưu trước năm 1995, Bộ trưởng cho biết, sẽ có chính sách đặc biệt để đẩy lương hưu lên cao hơn nữa.

Đồng thời, Bộ trưởng cũng cho biết sẽ đề nghị Bộ Chính trị, các cơ quan có thẩm quyền cho áp dụng những chính sách đặc biệt.

Như vậy, theo thông tin trên thì khi cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 sẽ tiến hành điều chỉnh mức lương hưu với 3 nhóm đối tượng.

Trong đó, đối với nhóm nghỉ hưu trước năm 1995, Bộ trưởng cho biết, sẽ có chính sách đặc biệt để đẩy lương hưu lên cao hơn nữa. Việc này nhằm đảm bảo sự cân đối của những đối tượng hưởng lương hưu trước và sau cải cách tiền lương, đặc biệt là những người nghỉ hưu trước 1995, người có công với cách mạng.

Chế độ ưu đãi người có công với cách mạng gồm những gì?Căn cứ Điều 5 Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng 2020, tùy từng đối tượng, người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng được hưởng chế độ ưu đãi chủ yếu như sau:

- Trợ cấp hằng tháng, phụ cấp hằng tháng, trợ cấp một lần;

- Các chế độ ưu đãi khác bao gồm:

+ Bảo hiểm y tế;

+ Điều dưỡng phục hồi sức khỏe;

+ Cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng cần thiết theo chỉ định của cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng thuộc ngành lao động - thương binh và xã hội hoặc của bệnh viện tuyến tỉnh trở lên;

+ Ưu tiên trong tuyển sinh, tạo việc làm;

+ Hỗ trợ để theo học đến trình độ đại học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân;

+ Hỗ trợ cải thiện nhà ở căn cứ vào công lao, hoàn cảnh của từng người hoặc khi có khó khăn về nhà ở;

+ Miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất khi được Nhà nước giao đất ở, chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở, công nhận quyền sử dụng đất ở, khi được mua nhà ở thuộc sở hữu của Nhà nước;

+ Ưu tiên giao hoặc thuê đất, mặt nước, mặt nước biển; ưu tiên giao khoán bảo vệ và phát triển rừng;

+ Vay vốn ưu đãi để sản xuất, kinh doanh;

+ Miễn hoặc giảm thuế theo quy định của pháp luật.

Theo Nghị quyết 27 nguyên nhân cần tiến hành cải cách tiền lương là gì?Căn cứ theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 đã chỉ ra những nguyên nhân cần tiến hành thực hiện cải cách tiền lương như sau:

+ Quy định mức lương cơ sở nhân với hệ số không thể hiện rõ giá trị thực của tiền lương.

+ Chính sách tiền lương trong khu vực công còn phức tạp, thiết kế hệ thống bảng lương chưa phù hợp với vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo; còn mang nặng tính bình quân, không bảo đảm được cuộc sống, chưa phát huy được nhân tài, chưa tạo được động lực để nâng cao chất lượng và hiệu quả làm việc của người lao động.

+ Có quá nhiều loại phụ cấp, nhiều khoản thu nhập ngoài lương do nhiều cơ quan, nhiều cấp quyết định bằng các văn bản quy định khác nhau làm phát sinh những bất hợp lý, không thể hiện rõ thứ bậc hành chính trong hoạt động công vụ.

+ Chưa phát huy được quyền, trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc đánh giá và trả lương, thưởng, gắn với năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả công tác của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

+ Từ những hạn chế và bất cập nêu trên có nguyên nhân khách quan từ nội lực nền kinh tế còn yếu, chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp; tích luỹ còn ít, nguồn lực nhà nước còn hạn chế... nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu.

+ Việc thể chế hoá các chủ trương của Đảng về chính sách tiền lương còn chậm, chưa có nghiên cứu căn bản và toàn diện về chính sách tiền lương trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

+ Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị còn cồng kềnh; chức năng, nhiệm vụ còn chồng chéo, hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa cao. Số đơn vị sự nghiệp công lập tăng nhanh, số người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước còn quá lớn.

+ Việc xác định vị trí việc làm còn chậm, chưa thực sự là cơ sở để xác định biên chế, tuyển dụng, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức và trả lương.

+ Việc thanh tra, kiểm tra, giám sát, hệ thống thông tin thị trường lao động, tiền lương, năng lực thương lượng về tiền lương của người lao động trong ký kết hợp đồng lao động và vai trò của tổ chức công đoàn trong các thoả ước lao động tập thể còn hạn chế.

+ Công tác hướng dẫn, tuyên truyền về chính sách tiền lương chưa tốt, dẫn đến việc xây dựng và thực hiện một số chính sách còn chưa tạo được đồng thuận cao.

Tác giả: Vũ Ngọc