Thứ xưa không ai biết ăn, giờ được dân thành phố mê mẩn nhưng rất khó mua

( PHUNUTODAY ) - Cây cau đã quá đỗi quen thuộc với người dân Việt Nam. Quả cau dùng để ăn trầu nhưng ít ai biết rằng đọt của cây cau cũng có thể chế biến thành nhiều món ngon.

Từ lâu, cây cau đã trở thành biểu tượng của làng quê Việt Nam, nhất là khu vực Bắc Bộ. Cây cau thường rộ hoa, kết trái nhiều nhất là vào độ cuối xuân đầu hạ. Quả cau thường được dùng để ăn trầu còn thân cau già được dùng làm cột nhà, bắc cầu qua lại kênh rạch, làm máng xối hứng nước hay vót đũa ăn cơm,…

Nhưng ngoài quả, có một bộ phận nữa của cây cau cũng ăn được lại có thể chế biến thành nhiều món ngon mà ít người biết đó là đọt cau.

Đọt cau còn được gọi là củ hũ cau. Để có được đọt cau thì trước hết người ta phải chặt lấy phần ngọn cau, lột hết bẹ ra, phần còn lại có màu trắng đục, mềm và giòn. Đó chính là phần đọt cau.

So với củ hũ dừa đọt cau đúng là một trời một vực, to lắm chỉ bằng cổ tay, nhiều cây đọt cau chỉ nhỏ xíu như lóng tay. Đọt của cây cau có màu trắng ngà, mùi cau thơm nức.

Các nhà dinh dưỡng cho biết đọt cau là một món ăn ngon, đậm đà hơn củ hũ dừa với nhiều chất xơ, tốt cho hệ tiêu hóa và các chất khoáng như sắt, magie, kẽm,… và không hề chứa cholesterol, chất béo bão hòa.

Sau khi thái mỏng phải đem đọt cau đi ngâm giấm pha với nước muối khoảng 30 phút để không bị đen nâu lại và loại bỏ chất chát. Thường thì người ta chế biến đọt cau thành những món ăn ngon như làm nộm, làm gỏi, xào với các loại thịt, luộc, xóc tỏi. Trong đó, ếch đồng nấu vớt đọt cau hay cá tràu om đọt cau là những món ăn tuyệt phẩm, có mặt trong các nhà hàng, được du khách thích mê mẩn.

Theo chia sẻ của anh Thái An (Thanh Chương, Nghệ An): “Đọt cau thái mỏng hay dày đều dùng được. Lát mỏng mềm tan trong miệng, lát dày lại giòn sần sật. Có thể nhiều người không biết đọt cau ăn được, chứ những người lớn lên ở vùng quê như chúng tôi, đọt cau còn gắn với những kỷ niệm của tuổi thơ.

Cây cau nhà nào cũng trồng nhưng ít ai tự dưng chặt cây cau đi để lấy đọt. Chỉ lúc cau bị sâu hoặc làm đường, làm sân, bất đắc dĩ người ta mới hạ cau xuống, tiện thể thưởng thức món ngon lạ miệng. Cái vị béo, bùi, mùi thơm của đọt cau khiến ai ăn một lần cũng nhớ mãi”.

Anh An cho biết thêm, hiện ở quê anh thỉnh thoảng cũng có người bán đọt cau nhưng số lượng rất ít. Ở chợ quê, cứ có đọt cau là khách tranh nhau mua, giá khoảng 100.000 đồng/kg.

Tác giả: Trần Thu Thủy