Tết Đoan Ngọ, diễn ra vào mùng 5 tháng 5 âm lịch hằng năm, là một trong những ngày lễ truyền thống quan trọng của người Việt. Ngoài ý nghĩa là "Tết diệt sâu bọ", ngày này còn được xem là thời điểm trừ tà khí, xua đuổi vận xui và cầu mong sức khỏe, may mắn. Vậy tại sao Tết Đoan Ngọ lại liên quan đến việc trừ tà? Tổ tiên dặn nhớ làm những việc này để giúp mang lại may mắn.
Tết Đoan Ngọ là gì? Vì sao lại gọi là "diệt sâu bọ"?
Từ "Đoan" nghĩa là bắt đầu, "Ngọ" là giờ Ngọ – tức khung giờ từ 11 giờ trưa đến 13 giờ chiều. Đây được xem là thời điểm dương khí lên cao nhất trong ngày, cũng là lúc nắng nóng đỉnh điểm trong năm. Chính vì vậy, dân gian quan niệm rằng ngày này mang tính dương rất mạnh, thích hợp để tiêu trừ tà khí, thanh lọc cơ thể và môi trường sống.
Tết Đoan Ngọ cũng là thời điểm mà sâu bệnh sinh sôi, hoa màu dễ bị hư hại. Người nông dân xưa tổ chức lễ cúng trời đất, tổ tiên và ăn những món ăn đặc biệt nhằm “diệt sâu bọ” cả trong ruộng đồng lẫn trong cơ thể.
Những việc làm phổ biến mang ý nghĩa trừ tà trong ngày Tết Đoan Ngọ
1. Ăn thịt vịt để thanh nhiệt, trừ tà
Thịt vịt là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết Đoan Ngọ ở nhiều vùng miền. Theo quan niệm dân gian, "vịt" có âm Hán đọc gần giống từ "áp" nên mang ý nghĩa trấn áp tà khí. Ngoài ra, thịt vịt tính hàn, giúp giải nhiệt, rất phù hợp với khí hậu oi bức đầu hè. Một số gia đình còn tặng nhau trứng vịt như một lời chúc trấn yểm vận xui, tăng cường sức khỏe.
2. Ăn cơm rượu nếp – “diệt sâu bọ” trong cơ thể
Cơm rượu được làm từ gạo nếp lên men, là món ăn truyền thống giúp tiêu diệt ký sinh trùng trong đường ruột. Loại cơm rượu này không chỉ hỗ trợ tiêu hóa mà còn tượng trưng cho việc “diệt sâu bọ” bên trong cơ thể con người, thanh lọc khí huyết, phòng ngừa bệnh tật.
3. Treo lá ngải cứu, xương rồng trước cửa nhà
Lá ngải cứu được phơi khô và treo ở cửa ra vào là phong tục phổ biến trong dịp Đoan Ngọ. Theo dân gian, ngải cứu có khả năng xua đuổi tà khí, trừ ma quỷ, phòng bệnh. Cùng với đó, cây xương rồng – loại cây gai góc, có sức sống mãnh liệt – cũng được dùng để ngăn chặn tà khí xâm nhập vào nhà. Thời điểm tốt nhất để treo là trước giờ Ngọ ba khắc (khoảng 10 giờ 30 phút sáng).
4. Mang theo túi hương thơm – bình an và thư thái
Túi hương thơm làm từ thảo mộc là vật phẩm không thể thiếu trong dịp Đoan Ngọ. Chúng thường được nhồi bằng thảo dược như hoàng đàn, hùng hoàng, hương nhu, sả, gừng... mang theo bên người không chỉ giúp xua đuổi tà khí mà còn tạo cảm giác dễ chịu, thư giãn tinh thần. Nhiều người còn đeo dây chỉ đỏ hay dây cát tường với mong muốn tăng phúc khí, phòng tránh điều xui rủi.
5. Tắm nước thảo mộc để xua tà, phòng bệnh
Tắm bằng nước đun từ các loại lá như bồ kết, lá bưởi, ngải cứu, hương nhu, bạch ngọc lan… là một nghi lễ được nhiều người duy trì trong Tết Đoan Ngọ. Loại nước này không chỉ có công dụng làm sạch cơ thể mà còn giúp thanh lọc năng lượng xấu, phòng tránh bệnh ngoài da, làm cho tinh thần sảng khoái hơn.
6. Đốt lá thảo mộc xông nhà để thanh uế
Việc đốt lá ngải cứu khô hoặc thảo mộc thơm trong nhà hoặc cửa nhà được cho là có thể xua đuổi tà khí, làm sạch không gian sống. Mùi hương từ ngải cứu không quá gắt, có tác dụng trấn an tinh thần, “đuổi ma trừ quỷ”. Tuy nhiên, cần chú ý đảm bảo an toàn khi thực hiện để tránh hỏa hoạn.
7. Ăn trái cây chua – tăng cường dương khí
Các loại trái cây như mận, vải, mơ, xoài… mang vị chua nhẹ, tính mát, giúp thanh nhiệt và giải độc trong cơ thể. Dân gian tin rằng việc ăn những loại quả này trong ngày 5/5 âm lịch giúp tăng dương khí, trừ tà khí, đồng thời bổ sung vitamin giúp nâng cao sức đề kháng.
8. Phong tục đặc biệt: nhuộm móng tay, khảo cây
Vào ngày Tết Đoan Ngọ, nhiều gia đình còn có tục nhuộm móng tay bằng thuốc đỏ cho trẻ nhỏ để xua đuổi ma quỷ. Màu đỏ tượng trưng cho may mắn, giúp bảo vệ trẻ em trước những năng lượng xấu.
Bên cạnh đó, tục “khảo cây” cũng được người xưa thực hiện để cầu cho mùa màng tươi tốt. Một người trèo lên cây, người khác dùng gậy gõ vào gốc và “hăm dọa” cây nếu không ra quả sẽ bị chặt bỏ. Lời cầu xin của người trên cây thay cho lời hứa của cây sẽ ra hoa kết trái, mang lại tài lộc cho gia đình.
Một số điều kiêng kỵ trong ngày Tết Đoan Ngọ
1. Không thức khuya, dậy muộn
Tết Đoan Ngọ được xem là “thời điểm dương khí cực thịnh”, nếu dậy muộn sẽ dễ bị tà khí xâm nhập, cơ thể suy yếu, sinh bệnh.
Người xưa quan niệm nên dậy sớm, tắm thảo mộc và ăn cơm rượu nếp vào sáng sớm để “diệt sâu bọ” trong người.
2. Không đến nơi âm u, hoang vắng
Trong ngày này, tà khí vượng, nên tránh đến nghĩa trang, bệnh viện, nhà hoang, chùa chiền vắng người, để không bị nhiễm âm khí, dễ gặp xui xẻo.
3. Không soi gương vào ban đêm
Gương là vật liên quan đến tâm linh. Vào đêm Đoan Ngọ, âm khí mạnh, nếu soi gương dễ bị "chiêu âm", gọi vong linh về.
4. Tránh để trẻ con ra ngoài một mình
Người xưa tin rằng trẻ nhỏ dễ bị "ám tà", nên vào ngày này không để trẻ ra ngoài chơi một mình, đặc biệt khi trời tối hoặc gần trưa (giờ Ngọ).
5. Không để nhà cửa ẩm thấp, tối tăm
Nhà cửa cần mở cửa sổ, đón ánh nắng, đốt lá ngải cứu, bồ kết… để xua tà khí. Tránh để nhà ẩm thấp, tối tăm vì dễ tích tụ âm khí.
6. Không làm việc lớn, tránh cãi vã
Người xưa cho rằng hôm nay là ngày "trừ tà", nên tránh việc lớn để không rước xui xẻo. Cũng nên giữ hòa khí, không tranh cãi trong gia đình để tránh bất hòa.
7. Tránh cắt tóc, cắt móng tay sau giờ Ngọ
Một số nơi quan niệm rằng cắt tóc hoặc móng tay sau giờ Ngọ (tức sau 13h) trong ngày này sẽ khiến mất lộc, hao tổn khí lực.
Tết Đoan Ngọ không chỉ là dịp lễ truyền thống mang ý nghĩa nông nghiệp mà còn là ngày giúp con người điều hòa âm dương, phòng tránh bệnh tật và xua đuổi vận xui. Việc gìn giữ và thực hành những phong tục dân gian như ăn thịt vịt, cơm rượu, treo lá ngải, đeo túi hương... chính là cách để thế hệ sau tiếp nối và trân trọng những giá trị văn hóa tâm linh sâu sắc của dân tộc.
*Thông tin tham khảo chiêm nghiệm
Tác giả: Như Bình